Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực thi Luật Đầu tư và Luật DN: Nhiều mâu thuẫn, vướng mắc cần tháo gỡ

Hồng Sơn| 10/09/2016 07:50

(HNM) - Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (DN) 2014 có hiệu lực từ ngày 1-7-2015, sau hơn một năm triển khai, bên cạnh những thuận lợi cũng đã thấy rõ một số vướng mắc, những điều khoản không hợp lý gây khó khăn cho DN, đòi hỏi có sự rà soát các luật liên quan, đánh giá tác động đến hoạt động đầu tư, kinh doanh nhằm điều chỉnh để hỗ trợ DN phát triển.

Còn nhiều trăn trở

Ông Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận định, thời gian qua, hai luật trên bước đầu đã đi vào cuộc sống, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi và an toàn hơn cho DN. Nhưng, thực tế quá trình thực thi luật vẫn còn không ít những vướng mắc; trong đó có sự khác nhau, không tương thích, mâu thuẫn giữa một số quy định của Luật Đầu tư, Luật DN với quy định của các luật chuyên ngành khác. Những chồng chéo, mâu thuẫn mới chỉ được phát hiện, đề cập, mà chưa xác định được là gây ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động đầu tư, kinh doanh của DN.

Cần nhanh chóng điều chỉnh những điều luật không hợp lý trong Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp để hỗ trợ các doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Viết Thành


Theo bà Đinh Thị Kim Anh, Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội, hiện nay việc áp mã ngành kinh tế khi DN đăng ký kinh doanh còn phức tạp. Với Luật Đầu tư, DN được tự do kinh doanh những ngành nghề không bị cấm, vì vậy DN có thể tự áp mã khi đăng ký kinh doanh. Nhiều đơn vị cho rằng, thủ tục áp mã rất khó khăn. Có trường hợp DN nộp hồ sơ lên cơ quan chức năng bị từ chối vì áp mã không phù hợp... Các DN cũng tỏ ra e ngại trước thực trạng các nghị định, thông tư hướng dẫn thi hành luật “chặt chẽ” hơn cả luật, dẫn đến sự khó khăn trong thực thi của DN. Nếu không được khắc phục kịp thời thì đây sẽ là nguy cơ làm nảy sinh “giấy phép con” trong tương lai.

Ông Phan Đức Hiếu, Viện phó CIEM cho rằng, các đơn vị soạn thảo luật cần tập trung sửa đổi các quy định chưa rõ giữa Luật Đầu tư và DN với các luật chuyên ngành. Đơn cử, quy định về đăng ký DN, trên thực tế một số hoạt động kinh doanh như chứng khoán, bảo hiểm, giám định tư pháp, công chứng… hoạt động dưới hình thức DN theo quy định của Luật DN, nhưng thủ tục đăng ký DN lại theo quy định riêng. Hoặc, quy định quyền của cổ đông phổ thông tại Luật DN 2014 chưa rõ ràng, dẫn đến cổ đông nhỏ khó tiếp cận thông tin của các cổ đông khác trong công ty, nên có thể làm giảm hiệu lực của quy định bảo vệ cổ đông nhỏ trong Luật DN. Do đó, quyền của cổ đông phổ thông cần quy định rõ hơn trong việc tiếp cận thông tin về cổ đông trong công ty nói chung...

"Hiện, vẫn còn một số nội dung quy định trong các luật chưa được hướng dẫn cụ thể, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước về đầu tư cũng như giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan đăng ký đầu tư. Ví dụ như hướng dẫn liên thông thủ tục đăng ký kinh doanh và đăng ký đầu tư cùng các yêu cầu liên quan, hướng dẫn về việc ký quỹ bảo đảm thực hiện dự án đầu tư… vẫn trong quá trình dự thảo, chưa ban hành...", bà Trần Thị Bình Minh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hồ Chí Minh chia sẻ.

Tiếp tục rà soát, tìm sự đồng thuận

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong bối cảnh Chính phủ đẩy mạnh cải cách, cũng như trước yêu cầu đưa Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp cần xác định mục tiêu trọng tâm là hỗ trợ DN; lấy sự thỏa mãn của DN làm thước đo chất lượng phục vụ của mỗi cơ quan liên quan. Cần tiếp tục rà soát, phát hiện những điểm bất hợp lý giữa các luật, giữa luật với văn bản hướng dẫn thi hành để điều chỉnh, bãi bỏ càng sớm càng tốt. Cần tạo lập niềm tin đối với DN một cách vững chắc, trên cơ sở đồng thuận và nhất quán quan điểm DN mạnh chính là động lực tạo nên nền kinh tế mạnh.

Trong một diễn biến mới nhất, Bộ Công Thương vừa kiến nghị bãi bỏ Thông tư 20 về quản lý nhập khẩu ô tô sau một thời gian rà soát, đối chiếu với đòi hỏi cuộc sống và hoạt động nhập khẩu, phân phối ô tô, cũng như quyền lợi của DN và người tiêu dùng. Đây được xem là một quyết định hợp lý, nhất là sau khi có phản hồi từ dư luận xã hội.

Ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, nên tập trung vào sửa đổi các quy định của luật, tức sửa từ “gốc”, chứ không sửa các quy định nằm ở các nghị định hay thông tư. Các chuyên gia cũng đồng thuận với cách tiếp cận này, với những đề xuất cụ thể. Trước hết, sửa đổi, bổ sung những quy định không rõ ràng nhìn dưới góc độ của từng luật. Tiếp theo, sửa đổi, bổ sung thông qua việc đối chiếu với yêu cầu trong toàn bộ quy trình triển khai dự án của DN để chỉ ra những điểm chưa hợp lý trong các quy định của từng luật.

Nhóm nghiên cứu của VCCI cũng đã chỉ ra gần 150 điểm chưa phù hợp nằm trong 37 luật khác nhau. Thậm chí, có trường hợp một luật còn tới trên dưới 10 điều, khoản không hợp lý. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, thực tiễn và yêu cầu cải cách cho thấy, cần có sự thay đổi tư duy làm luật. Nếu cứ theo “chu kỳ” 4-5 năm sau khi thi hành một luật rồi mới tổng kết, thì dễ dẫn đến lỡ cơ hội của nền kinh tế. Tóm lại, cần bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật về đầu tư, kinh doanh; trong đó, Luật Đầu tư, Luật DN và Bộ luật Dân sự phải được coi là các luật quy định các nguyên tắc chung, là nền tảng. Các luật chuyên ngành khác, với quy định liên quan đến đầu tư, thành lập và hoạt động của DN, giao dịch dân sự không được quy định mâu thuẫn hoặc trái với các nguyên tắc chung đó. Như vậy, cả quá trình đầu tư, kinh doanh của DN mới bớt rủi ro.

Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông nêu rõ, đã có một số ý kiến của nhà đầu tư phàn nàn vì phải thực hiện quá nhiều thủ tục hoặc quy định bất hợp lý, vì thế cần xem lại vấn đề vướng ở đâu để xử lý, đáp ứng yêu cầu chính đáng của DN…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực thi Luật Đầu tư và Luật DN: Nhiều mâu thuẫn, vướng mắc cần tháo gỡ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.