Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ: Thu nhập cao nhờ trồng rau VietGAP

Phúc Bản| 16/09/2016 07:14

(HNM) - Nhu cầu tiêu dùng nông sản an toàn của người dân Thủ đô khá lớn. Nhận thấy rõ vấn đề này, Hợp tác xã Nông nghiệp (HTXNN) Tiền Lệ, xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức đã phát triển sản xuất rau an toàn (RAT), góp phần đem lại thu nhập cao cho xã viên.

Xã viên Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ chăm sóc rau cải trái vụ.


Thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên có khoảng 100ha đất canh tác nông nghiệp màu mỡ nằm ở ven sông Đáy, thuận lợi cho trồng rau màu các loại. Song do hình thức canh tác nhỏ lẻ, manh mún và tự phát, người trồng rau Tiền Lệ chưa được hướng dẫn quy trình sản xuất RAT, nên hiệu quả kinh tế hạn chế. Đặc biệt, nhiều vụ ngộ độc thực phẩm từ rau quả xảy ra ở các tỉnh, thành phố khiến người tiêu dùng khó phân định được đâu là RAT, nên rau ở Tiền Lệ cũng có những lúc thăng trầm…

Được sự quan tâm, chỉ đạo của huyện Hoài Đức và Viện Rau quả trung ương, Dự án sản xuất RAT theo hướng VietGAP được triển khai tại một số xã trên địa bàn huyện, trong đó có thôn Tiền Lệ, xã Tiền Yên. Nhờ có dự án, HTXNN Tiền Lệ được đầu tư xây dựng một hệ thống gồm 18 giếng khoan. Viện Rau quả trung ương còn cử thêm hai kỹ sư về trực tiếp theo dõi và tư vấn kỹ thuật trồng trọt cho bà con. Sự quan tâm của huyện Hoài Đức, cùng với việc đầu tư đúng lúc, đúng chỗ của Viện Rau quả trung ương đã thổi một luồng gió mới cho trồng RAT ở Tiền Lệ.

Phó Chủ nhiệm HTXNN Tiền Lệ Nguyễn Khắc Bút cho biết: HTX có quy định và ký cam kết với các xã viên trong việc thực hiện sản xuất RAT; đồng thời ghi nhật ký hằng ngày để các cơ quan chức năng dễ dàng truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau của HTX. Kể từ khi triển khai dự án đến nay, hầu như vụ thu hoạch nào sản phẩm RAT Tiền Lệ cũng tiêu thụ hết, bởi nhu cầu RAT trên thị trường khá lớn. Năm 2008, HTXNN Tiền Lệ được Công ty TNHH Syngenta Việt Nam hỗ trợ 2,5ha nhà lưới và cử kỹ sư hướng dẫn bà con quy trình kỹ thuật gieo trồng. HTXNN Tiền Lệ đã giao thầu cho 18 hộ xã viên trong thôn với mục đích chính là gieo trồng các loại rau cải theo quy trình sản xuất RAT.

Anh Nguyễn Khắc Đạo, một trong 18 hộ được nhận thầu cho biết, hiện nay gia đình sản xuất theo quy trình RAT một số loại rau ăn phổ biến như cải mơ, cải ngọt, cải chíp, cải bó xôi; trong đó, cải mơ là giống rau cải chỉ có thể gieo trồng được trái vụ trong nhà lưới, còn bên ngoài không thể trồng được trái vụ. Hiệu quả từ mô hình trồng các loại rau cải trong nhà lưới ở HTXNN Tiền Lệ đã cho thu nhập cao trong sản xuất nông nghiệp của người dân nơi đây; nhà lưới sẽ hạn chế ảnh hưởng khi trời mưa, rau không bị nát và sâu bệnh xâm nhập gây hại; đất không bị đóng váng, thiếu ôxy, rễ cây rau phát triển ổn định, giảm bay hơi nước, đất xốp, độ ẩm cao hơn nên cây rau cải sinh trưởng tốt, thời gian chăm sóc ngắn hơn so với sản xuất truyền thống.

Cũng theo anh Đạo, cùng một giống rau cải, nếu trồng trong nhà lưới chỉ mất từ 20 đến 25 ngày là thu hoạch nên trung bình một năm, xã viên HTXNN Tiền Lệ thu hoạch được từ 7 đến 10 lứa rau trong nhà lưới, mỗi lứa đạt từ 5 đến 6 tạ rau/sào. Nhờ thực hiện sản xuất RAT theo hướng VietGAP, đã nâng cao thu nhập cho người dân ở Tiền Lệ. Hiện tại, RAT của HTXNN Tiền Lệ đã được các công ty về đến tận nơi thu mua, điển hình là Công ty Liên Anh và Công ty Thực phẩm an toàn Hà Nội… Điều tâm đắc nhất của người dân Tiền Lệ đó là: Người Tiền Lệ luôn luôn sản xuất rau ở môi trường an toàn nhất theo đúng quy trình VietGAP. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hợp tác xã Nông nghiệp Tiền Lệ: Thu nhập cao nhờ trồng rau VietGAP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.