Theo dõi Báo Hànộimới trên

Đưa Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp quốc gia

Việt Nga| 21/09/2016 21:32

(HNMO) - Từ nay đến năm 2020, Hà Nội đặt mục tiêu thành lập 200.000 doanh nghiệp (DN) mới và để đạt được chỉ tiêu này, cùng với cả nước Thành phố cần phải xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp (start up) cùng các giải pháp đồng bộ khác.

Đó là nội dung quan trọng của buổi hội thảo quốc tế “Tạo dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo Việt Nam - Bài học thực tiễn từ Israel” do UBND TP. Hà Nội, ĐSQ Israel và Tập đoàn FPT phối hợp tổ chức ngày 21-9. Cũng tại hội thảo này, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã giao UBND TP. Hà Nội thí điểm xây dựng cơ chế chính sách hỗ trợ các DN start up một cách bài bản để trở thành Trung tâm khởi nghiệp quốc gia.


Kinh nghiệm đến từ "quốc gia khởi nghiệp"

Chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn từ Israel để trở thành "quốc gia khởi nghiệp", Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Israel tại Việt Nam - bà Meirav Eilon Shahar cho biết, bên cạnh sự nỗ lực của người dân thì sự hỗ trợ của Chính phủ dành cho các nhà đầu tư đã đưa nước này thành một quốc gia khởi nghiệp thành công trên thế giới. Còn ông Avi Luvton, Giám đốc điều hành Vụ Châu Á-Thái Bình Dương, thuộc Ủy ban Sáng chế Israel kể lại, 45 năm trước, Israel không phải là quốc gia tri thức, các sản phẩm chính là nông nghiệp, không có thị trường nội địa vì dân số quá ít với 8,5 triệu dân... Sau đó, Israel đã chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế, trong đó thực hiện đầu tư mạnh mẽ vào công nghệ cao. "Sau này dù có cải cách mạnh mẽ mọi lĩnh vực, nhưng đầu tư cho công nghệ cao, đầu tư cho sáng tạo thì không bao giờ thay đổi" - ông Avi Luvton nhấn mạnh. Chính vì vậy Israel đã xây dựng được hệ thống tái sử dụng nước, có công nghệ khử nước mặn, thậm chí còn xuất khẩu nước. Và để tạo môi trường cho sáng tạo phát triển, thì Chính phủ Israel đã giữ vai trò quan trọng trong xây dựng hệ sinh thái để hỗ trợ tinh thần khởi nghiệp của các DN. Từ việc xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp này, Israel đã phát triển được hàng loạt DN về công nghệ thông tin, phần mềm, bán dẫn...

Cũng theo vị lãnh đạo của Ủy ban Sáng chế Israel này thì có nhiều yếu tố để hình thành hệ sinh thái khởi nghiệp lành mạnh và bền vững. Đó là sự hỗ trợ của Chính phủ về vốn (chỉ một phần nhỏ) và đặc biệt là xây dựng chính sách thúc đẩy môi trường hoạt động và đầu tư vào các DN start up (từ lúc hình thành ý tưởng, ban đầu hoạt động) thông qua các trung tâm nghiên cứu quốc gia, viện, trường; để khi các DN này lớn mạnh, sẽ thực hiện thoái vốn (nếu có) nhường lại cho khối đầu tư tư nhân vào. Cũng trong việc đầu tư này, Chính phủ cũng thể hiện sự sẵn sàng "gánh" rủi ro nếu start up thất bại. Ngoài ra, không thể không kể đến vai trò của các quỹ đầu tư mạo hiểm (được biết Israel hiện có tới hơn 85% tiền đầu tư vào các quỹ này là từ nước ngoài). Một điểm nữa không thể không kể đến đó là cộng đồng khởi nghiệp Israel chỉ tập trung vào phát triển công nghệ cao và đến nay đạt tỷ lệ 50% xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao.

Tham dự hội thảo về khởi nghiệp ngày 21-9 còn có đại diện một số DN trong nước đã khởi nghiệp thành công và đại diện các quỹ đầu tư tại Việt Nam. Theo ông Nguyễn Hòa Bình, Giám đốc Công ty Peacesoft-một DN start up đã rất thành công từ 15 năm trước, thì điều kiện để cho DN start up hiện nay đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây và đó là thuận lợi cho cộng đồng khởi nghiệp. Tuy nhiên, môi trường cho DN start up hiện đang đứng trước thách thức đó là chính sách, môi trường pháp lý liên tục thay đổi và đứng trước rủi ro lớn, ví dụ quy định về điều 292 trong Bộ Luật Hình sự mới..."Tôi mong muốn các DN khởi nghiệp Việt Nam có điều kiện thuận lợi hoạt động, để thành công, để có cơ hội xuất khẩu chất xám, được "mang gươm đi mở cõi" thay vì hiện nay có không ít DN đi đầu tư ở nước ngoài nhưng phải mang danh là DN Singapore, hoặc để không ít người tài ra định cư ở nước ngoài" - ông Nguyễn Hòa Bình chia sẻ.

Hà Nội thí điểm xây dựng cơ chế, chính sách cho DN khởi nghiệp

Tại hội thảo, Phó Chủ tịch UBND TP. Ngô Văn Quý cho biết, Hà Nội hiện có trên 200.000 DN, đứng thứ 2 cả nước về số lượng doanh nghiệp, đóng góp 40% thu ngân sách, tạo ra 67% việc làm, 38% sản phẩm trên địa bàn. Để tạo điều kiện cho DN hoạt động, Hà Nội phấn đấu là đơn vị tiên phong về cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, xây dựng môi trường kinh doanh công bằng, thân thiện, thông thoáng. Hưởng ứng mục tiêu đạt 1 triệu DN start up của Chính phủ, Hà Nội đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2020 có thêm 200.000 DN thành lập mới.

Để đạt được mục tiêu này, Giám đốc Sở KH-ĐT Nguyễn Văn Tứ cho biết, Thành phố đã đề ra phương hướng, giải pháp thực hiện. Cụ thể, Hà Nội đã xây dựng đề án hỗ trợ DN khởi nghiệp mà trọng tâm là hỗ trợ các DN khởi nghiệp sáng tạo, tập trung vào 5 giải pháp chính. Đó là Thành phố tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng CNTT để xây dựng Chính phủ điện tử từ đó hình thành Thành phố thông minh-và đó chính là "bệ đỡ" cho khởi nghiệp sáng tạo. Thứ hai, hình thành các vườn ươm DN. Thứ ba là kêu gọi các tổ chức, cá nhân với cộng đồng DN Hà Nội tham gia quỹ đầu tư mạo hiểm, để hỗ trợ DN khởi nghiệp. Thứ tư, thành lập trung tâm hỗ trợ DN khởi nghiệp chung và DN khởi nghiệp sáng tạo với quy mô cần thiết. Thứ năm, xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp, trong đó chính quyền thành phố có trách nhiệm quan trọng và giữ đúng tinh thần hỗ trợ sáng tạo đổi mới cả chấp nhận rủi ro. Đồng thời, vị lãnh đạo Sở KH-ĐT Hà Nội cũng kêu gọi các tổ chức tài chính, DN trong và ngoài nước cùng tham gia đầu tư hỗ trợ cộng đồng DN start up Hà Nội.

Tham gia dự hội thảo và trực tiếp giữ vai trò chủ trì điều hành phiên tọa đàm "Chính sách để Việt Nam trở thành quốc gia khởi nghiệp", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các cơ quan bộ: KH-ĐT, KH-CN, TT-TT và Ngân hàng Nhà nước trả lời và tham gia xây dựng chính sách hỗ trợ cộng đồng start up. Phó Thủ tướng nêu rõ quan điểm của Chính phủ chấp nhận rủi ro để đầu tư cho DN khởi nghiệp để đổi lại cái được đem lại việc làm, tăng thu nhập quốc gia, cải thiện tốc độ tăng trưởng, giải quyết an sinh xã hội... và những lợi ích khác không thể tính bằng tiền. Phó Thủ tướng nêu các việc cụ thể để thực hiện hỗ trợ cho DN khởi nghiệp. Đó là xây dựng một cổng thông tin khởi nghiệp và các trung tâm hỗ trợ thông tin cho khởi nghiệp. Chú trọng xây dựng cơ chế tài chính, tiếp cận tín dụng cho start up, hình thành khuôn khổ pháp lý cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ tăng tốc khởi nghiệp...

Cùng với đó là có các chính sách hỗ trợ thuế thu nhập DN, thuế thu nhập cá nhân trong các giai đoạn phát triển của start up; quy định cho phép DN dùng tài sản trí tuệ, bằng sáng chế để thế chấp vay vốn ngân hàng. Trong đó, Chính phủ sẽ xác định rõ vai trò của Nhà nước trong hợp tác công tư ở các mô hình vườn ươm, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp theo hướng tuân theo quy luật thị trường. Đặc biệt, Phó Thủ tướng cũng mong muốn cộng đồng DN start up, các quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ đầu tư thiên thần chủ động đề xuất sáng kiến, chính sách với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và chúng tôi sẵn sàng lắng nghe, cùng thảo luận để đạt hiệu quả tốt nhất.

Cũng tại hội thảo này, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã đánh giá cao sáng kiến và vai trò của UBND TP. Hà Nội, ĐSQ Israel và FPT trong việc tổ chức hội thảo quốc tế về khởi nghiệp. Về đề xuất của Hà Nội xin được thí điểm các cơ chế, chính sách để phát triển thành Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của quốc gia, Phó Thủ tướng giao Hà Nội phối hợp với các bộ, ngành liên quan xây dựng đề án bài bản, cụ thể để sau khi thí điểm có thể nhân rộng ra các địa phương khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Đưa Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp quốc gia

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.