Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kế hoạch "quay lại" thị trường phía Bắc

Đặng Loan| 23/09/2016 07:35

(HNM) - Từ cuối tháng 9 năm nay, Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) bắt đầu hành trình ra khu vực phía Bắc để thực hiện chương trình hàng Việt về nông thôn (HVVNT) tại hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng.




Nỗ lực phát triển thị trường nông thôn

Bà Vũ Kim Hạnh, Giám đốc BSA cho biết, kế hoạch quay lại thị trường phía Bắc của Hội DN HVNCLC trong năm 2016 gồm: Chuỗi chương trình HVVNT; hội chợ HVNCLC chuyên ngành về thực phẩm và nông sản sạch; các chương trình tư vấn, huấn luyện về phân phối, bán hàng cho DN; tạo nhận diện tốt cho các thương hiệu thực phẩm Việt Nam có uy tín… Trong đó, mục tiêu của chương trình HVVNT là hỗ trợ các nhà sản xuất từng bước xây dựng, phát triển hệ thống phân phối cho hàng Việt ở khu vực này, kết nối nhà phân phối, nhà bán lẻ tại địa phương với DN sản xuất để hình thành một hệ thống phân phối bền vững cho hàng Việt tại thị trường nông thôn, giành lại thị trường từ hàng Trung Quốc và gần đây là hàng Thái Lan đang chiếm khối lượng không hề nhỏ.

Trong 6 tháng đầu năm 2016, BSA đã tổ chức được 11 phiên chợ HVVNT ở khu vực phía Nam, với hơn 135 nghìn lượt người dân đến tham quan và mua sắm, mang về doanh thu 11.530 tỷ đồng. Phiên chợ tại huyện Đầm Hà (tỉnh Quảng Ninh) diễn ra từ ngày 19 đến 21-9 là phiên đầu tiên ở phía Bắc, mở đầu cho chuỗi 8 phiên chợ trong tháng 9 và 10-2016 tại hai tỉnh Quảng Ninh và Hải Phòng. Theo BSA, đây là nơi thống kê cho thấy có hơn 40% hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc, vì thế được xem là một thị trường tiềm năng cho các DN HVNCLC.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, tổ chức phiên chợ HVVNT thị trường phía Bắc khó hơn rất nhiều so với sự bằng phẳng của miền Đông và Tây Nam Bộ. Mặt khác, chi phí để đi đến những điểm này cao hơn nhiều so với khu vực phía Nam và giữ được thị trường rất khó. Tuy nhiên đây là thị trường quan trọng nên các DN đều nỗ lực phát triển thị trường. Trong phiên chợ về Đầm Hà lần này, có 25 DN đồng hành, trong đó chỉ có 4 DN phía Bắc tham gia là Khóa Việt - Tiệp, Văn phòng phẩm Hồng Hà, Vico và Miko; còn lại là các DN đến từ khu vực phía Nam như Nutifood, Nhựa Duy Tân, Nhôm Nhựa Kim Hằng, V.C.L, NaMilux, Hoành Kiến Đạt Long An, Mỹ Hảo, Bột giặt Lix, Mỹ phẩm thiên nhiên Bách Khoa, Cholimex… BSA đã có kế hoạch cho 20 phiên HVVNT ở khu vực phía Bắc trong thời gian từ nay đến tháng 6-2017.

Đáp ứng nhu cầu thực phẩm an toàn

Nằm trong chuỗi hoạt động quay lại thị trường phía Bắc, Hội chợ HVNCLC chuyên đề thực phẩm - nông sản sạch cũng sẽ được tổ chức từ ngày 6 đến 9-10 tại Hà Nội. 130 DN sẽ tham gia 200 gian hàng, trưng bày, triển lãm và giới thiệu đến người dân Thủ đô hàng chục nghìn sản phẩm thực phẩm gắn lô gô HVNCLC, cũng như hàng trăm loại nông sản sạch chủ yếu đến từ các địa phương phía Nam.

Theo bà Vũ Kim Hạnh, sở dĩ chọn chuyên đề thực phẩm - nông sản sạch cho hội chợ là bởi người tiêu dùng miền Bắc và Hà Nội quan tâm đến vấn đề này. Đặc biệt, trong hội chợ, “Phiên chợ Xanh tử tế” lần đầu ra mắt người tiêu dùng dưới phiên bản “một góc” phiên chợ đang được Trung tâm BSA tổ chức thành công tại TP Hồ Chí Minh. Phiên chợ là nơi tập hợp những mặt hàng nông sản từ khắp các vùng miền tụ hội về, đặc biệt là sản phẩm của các bạn trẻ đang khởi nghiệp trên cả nước trong lĩnh vực nông nghiệp. Ban Tổ chức sẽ không thu phí gian hàng để khuyến khích các DN, nông dân có mặt hàng nông sản tươi tham gia, tất nhiên sản phẩm đều được kiểm soát kỹ nguồn gốc và chất lượng khi tham gia hội chợ.

Trong cuộc họp tổng kết hoạt động 6 tháng đầu năm 2016 tại BSA, ông Lý Thành Sinh, Giám đốc Công ty Minh Long Hưng cho biết, phát triển thị trường phía Bắc ban đầu rất khó khăn nhưng khi đã làm được rồi thì sự thành công sẽ rất lớn, bởi phần lớn người tiêu dùng ở đây thích dùng những sản phẩm từ TP Hồ Chí Minh mang ra. Theo bà Vũ Kim Hạnh, tình hình chung của thị trường đang khó, nhiều công ty có mức tăng trưởng hơn 10% trong nhiều năm qua thì 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 3% - 5%. Con số này nếu tính trượt giá và những yếu tố khác thì tăng trưởng này khá mong manh. Chính vì vậy, việc đưa các DN quay lại thị trường miền Bắc, ngoài mục tiêu tạo nhận diện tốt cho các thương hiệu thực phẩm uy tín, thúc đẩy doanh số bán hàng mùa cuối năm trong năm 2016 của các DN thì sẽ là hoạt động được đầu tư bài bản để phát triển thị trường bền vững của các DN HVNCLC trong những năm tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Kế hoạch "quay lại" thị trường phía Bắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.