Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thắng "chợ" xa, thua "chợ" gần

Hồng Sơn| 26/09/2016 06:48

(HNM) - Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào G20 chỉ chiếm 2-3% nhu cầu thị trường, chủ yếu là hàng chế biến, gia công.


Sản xuất hàng may mặc xuất khẩu tại Tổng công ty May 10. Ảnh: Viết Thành


Xuất siêu vì... “không đụng hàng”

Thực tế, cần ghi nhận việc xuất siêu nói trên là một diễn biến tích cực. Mặt khác, điều này cũng thể hiện giá trị của hàng Việt Nam tại những thị trường khó tính nhất. Song nguyên nhân sâu xa dẫn đến kết quả xuất siêu chủ yếu là do cơ cấu hàng xuất khẩu của ta “độc”, khác về chủng loại và có tính chất bù đắp cho sự thiếu hụt tại thị trường G20. Cụ thể, hàng xuất khẩu của Việt Nam chủ yếu là nông, thủy sản, dệt may, đồ gỗ, da giày, trong khi các nước thành viên G20 chủ trương đầu tư sản xuất hàng hóa có chất lượng và hàm lượng chất xám cao, hướng tới những thị trường khác với Việt Nam.

Dù có mặt tại thị trường G20 nhiều năm nhưng tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chưa đạt như mong muốn (tăng hơn 9% so với cùng kỳ) và mới chiếm trung bình 2-3% nhu cầu nhập khẩu của thị trường. Điều này cho thấy tiềm năng thị trường còn rất lớn. Tuy nhiên, để chiếm lĩnh được thị trường G20 không đơn giản, vì những yêu cầu rất cao về chất lượng, nguồn gốc, tiêu chuẩn an toàn. Do đó, các nước xuất khẩu vào đây đều phải tuân thủ và cạnh tranh gay gắt về giá cả, mẫu mã, chất lượng để duy trì chỗ đứng.

Mặt khác, thực lãi thu về thông qua xuất khẩu vào thị trường G20 cũng không cao, bởi những mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là hàng chế biến, gia công hoặc nông, thủy sản giá trị gia tăng thấp. Đặc biệt, một phần nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu cũng phải nhập khẩu, nên thực chất nhiều đơn vị vẫn chỉ “lấy công làm lãi”. Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, doanh nghiệp Việt Nam vốn "mỏng", thường không đủ sức nhập khẩu máy móc, thiết bị có tiêu chuẩn cao của G20 cũng là nguyên nhân dẫn đến xuất siêu vào thị trường này. Dù đang ở vị thế xuất siêu nhưng xu hướng này không chắc chắn, bởi sắp tới Việt Nam sẽ tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và các hiệp định thương mại tự do song phương, đa phương. Đó là cơ hội để hàng hóa, nông sản, thực phẩm từ các nước thành viên (nhất là Mỹ) thâm nhập thị trường trong nước. Vì vậy, cách tốt nhất để duy trì sức mạnh vẫn là tự nỗ lực, nâng cao sức cạnh tranh của doanh nghiệp Việt.

Tự bỏ lỡ cơ hội

Ngược lại kết quả xuất khẩu sang thị trường G20, Việt Nam thường nhập siêu từ thị trường Đông Á, Đông Nam Á, đáng chú ý là với Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Từ đầu năm đến nay, Việt Nam nhập siêu khoảng 1,5 tỷ USD từ ASEAN (riêng giá trị xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này 8 tháng qua chỉ đạt 11,1 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ). Thực tế này rất đáng lo ngại vì Việt Nam đang trong quá trình hội nhập mạnh mẽ nhưng hàng hóa lại lép vế so với các đối thủ cùng khu vực. Hiện tượng này diễn ra từ lâu, liên tục nhưng đến nay chưa có biện pháp khả dĩ để khắc phục.

Xuất khẩu của Việt Nam bị hạn chế một phần do sự yếu kém, thiếu đồng bộ của ngành công nghiệp phụ trợ. Được biết, các nước ASEAN, như Thái Lan, Malaysia, Indonesia đã quan tâm, chủ động đầu tư thỏa đáng cho việc thiết lập những cơ sở, nhà máy sản xuất linh kiện, phụ tùng để cung cấp cho các công ty quốc tế, phục vụ việc lắp ráp sản phẩm tổng thành. Ngược lại, một ví dụ cho thấy thực tế không mấy khả quan là tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam mới đạt khoảng 32,1% (năm 2015) đối với các sản phẩm của công ty Nhật Bản tại Việt Nam - theo Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO). Riêng một số lĩnh vực như điện tử, ô tô, sản phẩm công nghệ cao, tỷ lệ nội địa hóa đều dưới 20%. Điều đó có nghĩa Việt Nam tự bỏ lỡ cơ hội trở thành nhà cung cấp cho các dự án đầu tư nước ngoài nói chung, không đóng góp được nhiều vào quá trình tạo ra sản phẩm và nâng cao giá trị xuất khẩu. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thắng "chợ" xa, thua "chợ" gần

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.