Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài 1: Bất cập từ sản xuất đến tiêu thụ

Ngọc Quỳnh| 19/10/2016 06:14

LTS: Trong các mặt hàng nông sản, thủy sản ít được chú ý nhất về vấn đề an toàn thực phẩm. Kiểm soát an toàn ở vùng nuôi còn bỏ ngỏ và việc quản lý trong lưu thông cũng lộn xộn.


Bài 1: Bất cập từ sản xuất đến tiêu thụ

Một loạt bất cập xảy ra ngay từ khâu nuôi trồng làm ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm thủy sản khi bán ra thị trường là một thực tế không thể phủ nhận. Trong khi thương lái không mấy quan tâm tới giấy tờ chứng minh nguồn gốc, thì số mô hình nuôi trồng thủy sản (NTTS) theo hướng an toàn dịch bệnh chỉ “đếm trên đầu ngón tay” vì giá bán không cao khiến nông dân chưa mặn mà.

Nuôi trồng thủy sản ở Hà Nội chủ yếu vẫn là mô hình sản xuất nhỏ và khâu kiểm tra chất lượng hàng hóa thành phẩm hầu như bỏ ngỏ. Ảnh: Đỗ Minh


Lạm dụng kháng sinh

Theo Tổng cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), diện tích NTTS cả nước đạt 1,3 triệu héc ta, nhưng chủ yếu nuôi bán thâm canh. Chất lượng vì thế trồi sụt và kéo theo những kết cục không vui. Phó Vụ trưởng Vụ Nuôi trồng thủy sản Phạm Khánh Ly cho biết, người dân vẫn sử dụng các loại hóa chất, kháng sinh không tuân theo hướng dẫn quy định khiến tồn dư trong sản phẩm cao. Hệ quả là một số thị trường xuất khẩu quan trọng đã tạm dừng nhập khẩu thủy sản từ Việt Nam. Cụ thể, từ tháng 1 đến tháng 9-2016, Cục đã nhận được thông tin về 11 lô hàng thủy sản của Việt Nam xuất khẩu vào thị trường Châu Âu bị cảnh báo dư lượng kim loại nặng (thủy ngân, cadmium) vượt mức giới hạn tối đa cho phép, tăng gấp 2,2 lần so với năm 2015.

Tại Hà Nội, việc NTTS chủ yếu là bán thâm canh nên quy mô chủ yếu là sản xuất nhỏ lẻ, số lượng vùng chuyên canh ít. Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Hà Nội Hoàng Tiến Minh cho biết, diện tích NTTS của thành phố trên 20.000ha, nhưng chỉ có 25 vùng nuôi tập trung với diện tích 1.690ha. Không những thế, môi trường NTTS bị ô nhiễm nặng khiến việc sử dụng thuốc kháng sinh trong phòng chống dịch bệnh diễn ra thường xuyên. Điều đáng báo động là việc người dân tự mua thuốc thú y, thủy sản về chữa bệnh cho cá không đúng quy trình kỹ thuật nên tồn dư thuốc trong sản phẩm nhiều. Thực tế cho thấy, các địa phương chưa quan tâm đến công tác thú y thủy sản, lực lượng cán bộ chuyên môn ít, mỗi huyện chỉ có vài người, trong khi phương tiện phòng chống dịch bệnh và kinh phí đều thiếu gây khó khăn trong công tác hướng dẫn kỹ thuật nuôi trồng cho nông dân.

Theo bà Đỗ Thị Kim Dung - Phó phòng Kinh tế huyện Thanh Oai, vào vụ nuôi mới, người dân thường mua các chế phẩm sinh học khử trùng về rắc xuống ao với tâm lý càng nhiều càng tốt. Khi cá mắc bệnh, không rõ nguyên nhân lại tự mua thuốc về chữa khiến cá không những không khỏi bệnh mà còn gây ô nhiễm môi trường nước.

“Để hạn chế dịch bệnh, việc nuôi trồng theo mô hình nuôi an toàn là hướng đi tốt nhất, nhưng việc triển khai gặp nhiều khó khăn do quy trình nuôi đòi hỏi rất nghiêm ngặt, chi phí cao trong khi người tiêu dùng chưa quan tâm đến các sản phẩm thủy sản an toàn bởi cho rằng cá nuôi dưới nước đều an toàn như nhau nên việc tiêu thụ sản phẩm chậm, người dân chủ yếu chọn phương pháp nuôi truyền thống” - ông Bùi Văn Điệp, hộ nuôi trồng thủy sản ở Thanh Oai cho biết.

Bảo quản sơ sài, bán hàng không cần xác nhận

Trong các loại nông sản, thực phẩm, thủy sản là sản phẩm khó giữ độ tươi ngon nhất nên thiết bị bảo quản đặc biệt quan trọng mới bảo đảm ATTP. Tuy nhiên, thương lái vẫn bảo quản thủy sản theo phương pháp truyền thống là ướp đá hoặc chạy điện cung cấp ô xy trong các thùng đưa từ các tỉnh về Hà Nội tiêu thụ đã làm giảm chất lượng từ 30% đến 40% với nguy cơ mất vệ sinh ATTP khá cao.

Có mặt tại chợ Yên Sở (quận Hoàng Mai), một trong những chợ đầu mối tiêu thụ thủy sản lớn nhất thành phố, mới khoảng 5h chiều một ngày trung tuần tháng 10, hàng chục xe tải chở cá từ các địa phương cả nước đã về tập kết, chuẩn bị cho phiên chợ vào lúc 2-3h sáng của ngày hôm sau. Sau khi về đây, các đầu mối bắt đầu lấy hàng đem đi tiêu thụ ở chợ "cóc", chợ lẻ trên địa bàn thành phố, nhưng không phải toàn bộ thủy sản về đây đều được kiểm dịch hoặc có nguồn gốc rõ ràng.

Bà Phạm Thị Thu Nga, Tổ trưởng Chốt kiểm dịch động vật liên ngành tại chợ cá Yên Sở cho biết, với 85 hộ kinh doanh, trung bình mỗi ngày chợ cá Yên Sở giao thương từ 50 đến 60 tấn cá. Thủy sản ở đây chủ yếu là sản phẩm tươi sống như: Chép, mè, trôi, trắm… được thương lái khai báo nhập từ các tỉnh phía Bắc. Dù tiểu thương tại chợ đều có giấy tờ, nhưng các ngành chức năng khó có thể truy xuất nguồn gốc vì không có nhân lực đi xác minh hàng đó có lấy từ các tỉnh như đã khai báo hay không...

Ông Lê Văn Mật, tiểu thương bán cá tại chợ Yên Sở cho biết, mỗi ngày cửa hàng bán 1 tấn thủy sản lấy ở các vùng nuôi của Hà Nội như: Ứng Hòa, Chương Mỹ… Ông Mật cho rằng, sản phẩm ở đó là an toàn nên thương lái không cần thiết xin giấy xác nhận thủy sản nuôi của chính quyền sở tại.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (chuỗi siêu thị Fivimart) cho biết, doanh nghiệp đang nhập và bán một số thủy hải sản của các tỉnh, thành phố, nhưng khi yêu cầu chủ hàng xuất trình giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì hầu hết đều không có. Thậm chí các doanh nghiệp, thương lái đều thiếu khu sơ chế, bảo quản sau thu hoạch, đặc biệt là các thiết bị chuyên dụng chở hàng từ nơi sản xuất đến tiêu thụ, gây khó khăn cho siêu thị khi nhập hàng.

Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông, lâm, thủy sản Hà Nội Trần Mạnh Giang cho rằng: Trong khi thương lái không quan tâm tới giấy tờ chứng minh nguồn gốc, các ban quản lý chợ còn hạn chế trong kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định về bảo đảm ATTP của các cơ sở kinh doanh tại chợ thì người tiêu dùng cũng chỉ nhìn bề ngoài bằng cảm quan mà không quan tâm tới nguồn gốc dù trong thực tế, người nuôi vẫn sử dụng thuốc thú y chữa bệnh nên tỷ lệ tồn dư chất kháng sinh trong sản phẩm còn cao.

Chính sự hỗn mang nêu trên khiến thị trường tiêu thụ thủy sản trong nước gần như đang bị thả nổi.

(Còn nữa)

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài 1: Bất cập từ sản xuất đến tiêu thụ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.