Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chỉ đạo quyết liệt, thông thoáng cơ chế

Thanh Hải| 22/10/2016 07:09

(HNM) - Để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư huy động thêm nguồn lực ngoài vốn ngân sách tập trung, trái phiếu xây dựng Thủ đô, ngân sách trung ương hỗ trợ có mục tiêu; đồng thời tiết kiệm chi dịch vụ công, tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng…

Nhờ giải phóng mặt bằng nhanh nên công trình cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái sẽ hoàn thành đúng tiến độ.Ảnh: Anh Tuấn


Riêng công tác chỉ đạo điều hành giải phóng mặt bằng (GPMB), thành phố yêu cầu nâng cao trách nhiệm, chỉ đạo quyết liệt hơn nữa, giải quyết kịp thời các vướng mắc về cơ chế, chính sách. Tất cả những giải pháp này đều nhằm tạo đột phá mang lại hiệu quả cao nhất.

Thường xuyên phát sinh vướng mắc

Giai đoạn 2016-2020, thành phố có 51 công trình, dự án trọng điểm, với tổng mức đầu tư khoảng 276.333 tỷ đồng. Trong đó, có 31 dự án sử dụng vốn ngân sách và viện trợ phát triển chính thức (ODA), với tổng mức đầu tư khoảng 122.696 tỷ đồng. Về cơ bản, các dự án được triển khai đúng tiến độ, song vẫn còn dự án chậm mà nguyên nhân chính xuất phát từ công tác GPMB. Theo ông Trương Quang Thiều, Trưởng ban Chỉ đạo GPMB thành phố, đây là công việc khó khăn, phức tạp, trong quá trình triển khai thường nảy sinh nhiều vấn đề khác nhau.

Đơn cử, Dự án Đại học Quốc gia (tại huyện Thạch Thất), có tổng diện tích đất thu hồi là 974ha, đã GPMB 775ha, hiện còn 199,8ha. Khó khăn của dự án này là diện tích đã GPMB chủ yếu thực hiện theo chính sách của UBND tỉnh Hà Tây (cũ), các hộ dân đã nhận tiền đền bù, hỗ trợ nhưng vẫn sinh sống, canh tác trên đất bị thu hồi, do chủ đầu tư chưa sử dụng đến. Mặt khác, dự án chỉ được Bộ Xây dựng bố trí nguồn kinh phí để thi công một số tuyến đường, thi công đến đâu mới phối hợp với UBND huyện lấy mặt bằng đến đó, nên phát sinh kiến nghị phải hỗ trợ, bồi thường thêm phần hoa màu đang canh tác; và chính quyền lại phải thực hiện các bước thu hồi đất lần hai...

Một nguyên nhân nữa khiến công tác GPMB chưa đạt được hiệu quả bắt nguồn từ việc chậm trễ, thiếu quyết liệt khi thực hiện thủ tục thu hồi đất. Đơn cử như Dự án tiếp nước cải tạo sông Tích (xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì), có tổng mức đầu tư 4.253,7 tỷ đồng, chủ đầu tư là Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Dự án cơ bản hoàn thành công trình đầu mối Lương Phú, đang triển khai thi công phần kênh dẫn (khoảng 12/27km). Tuy nhiên, việc GPMB 70ha tại các xã Cẩm Lĩnh, Vật Lại, Thụy An rất chậm, từ đầu năm 2016 đến nay chưa duyệt được phương án bồi thường, hỗ trợ... nên ảnh hưởng đến tiến độ của toàn dự án.

Theo Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận Nam Từ Liêm Nguyễn Văn Hải, việc GPMB dự án lớn có đặc thù kéo dài nhiều năm nên chính sách thay đổi, thiếu ổn định, thậm chí chây ỳ, bàn giao chậm lại được hưởng chính sách mới bồi thường cao hơn... càng khiến cho việc GPMB vất vả, kéo theo dự án bị chậm tiến độ. Vì vậy, thành phố nên áp dụng chính sách một giá trên một dự án để bảo đảm thống nhất, hạn chế phát sinh khiếu kiện; đồng thời, khi xây dựng danh mục dự án phải thu hồi đất hằng năm, chủ đầu tư phải sớm cân đối nguồn vốn và các điều kiện cần có.

Tạo cơ chế đột phá Liên quan đến công tác

Dự án tiếp nước cải tạo sông Tích gặp vướng mắc trong giải phóng mặt bằng. Ảnh: Nhật Nam


GPMB, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết số 08/NQ-TU về “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn TP Hà Nội giai đoạn 2016-2020 và những năm tiếp theo”. Theo Nghị quyết 08, công tác GPMB có 6 điểm mới, nhằm tạo thuận lợi cho các đơn vị triển khai nhiệm vụ, cũng như nhân dân phải thu hồi đất; như tạo điều kiện, khuyến khích nhận tiền đền bù để tự chọn nhà tái định cư; thành phố sẽ ủy quyền cho chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã thực hiện GPMB, thu hồi đất, đấu giá quyền sử dụng đất đối với các diện tích nhỏ lẻ, xen kẹt; tạo đột phá trong cơ chế chính sách về đền bù, huy động xã hội hóa xây dựng nhà tái định cư…

Cùng với đó, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình trọng điểm giai đoạn 2016-2020, thành phố đã yêu cầu các sở, ngành, UBND các quận, huyện, thị xã và chủ đầu tư huy động thêm các nguồn lực ngoài vốn ngân sách, trái phiếu xây dựng Thủ đô; tiết kiệm chi dịch vụ công, tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng…; đồng thời, nâng cao trách nhiệm và quyết liệt trong chỉ đạo điều hành công tác GPMB, từ cấp thành phố đến quận, huyện, thị xã, giải quyết kịp thời các vướng mắc phát sinh... UBND thành phố cho biết, việc chuẩn bị quỹ nhà tái định cư sẽ đi trước một bước, hình thành các khu tái định cư tập trung, tạo lập nhà tái định cư gắn với nhà ở thương mại và sử dụng nhà ở xã hội… để tạo điều kiện cho công tác bồi thường, GPMB dự án thuận lợi.

Theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, thành phố phấn đấu hoàn thành 51 dự án trọng điểm đúng tiến độ kế hoạch. Trong đó, với nhóm 11 dự án chuyển tiếp, từ nay đến cuối năm, thành phố sẽ hoàn thành, đưa vào sử dụng 5 dự án; 6 dự án còn lại chuyển tiếp sang năm 2017. Với nhóm các dự án mới, thành phố dự kiến trong tháng 11 tới sẽ khởi công 7 dự án. Trong quá trình triển khai, thành phố sẽ sắp xếp, thu gọn quy trình thủ tục; rà soát các dự án sử dụng vốn ngân sách, tăng cường huy động xã hội hóa… Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho Hà Nội các cơ chế đặc thù, ưu tiên các dự án cấp nước, xử lý nước thải, giao thông…

Tính đến tháng 9-2016, 11 dự án chuyển tiếp cơ bản được thực hiện theo tiến độ kế hoạch. Trong đó, dự án Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn giai đoạn II đã GPMB xong toàn bộ khu vực phía Nam (36,26ha); khu vực phía Bắc và phần đất thổ canh sẽ GPMB xong trong năm 2016. Dự án tuyến đường sắt đô thị số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, đã hoàn thành GPMB 50% khu depo và đoạn trên cao; hoàn thành sơ tuyển 5/5 gói thầu thiết bị và xây lắp, phê duyệt quy hoạch tuyến và các ga (trừ ga C9). Dự án tuyến đường sắt đô thị thí điểm đoạn Nhổn - Ga Hà Nội đã thi công 50% khối lượng đoạn trên cao, 27% các ga trên cao và 90% các công trình hạ tầng kỹ thuật depot… Cũng trong 9 tháng qua, thành phố đã phê duyệt, triển khai 3 dự án: Cầu vượt Ô Đống Mác - Nguyễn Khoái; nút giao Cổ Linh (quận Long Biên); mở rộng đường Vành đai 3, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chỉ đạo quyết liệt, thông thoáng cơ chế

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.