Theo dõi Báo Hànộimới trên

Cần đột phá về hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí

Bảo Hân| 22/10/2016 13:21

(HNMO) - Sáng 22/10, các đại biểu thảo luận ở tổ về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2016, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017.

Tập trung phát triển mang tính đặc thù của vùng

Góp ý kiến về Kế hoạch tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020, ĐB Phạm Phú Quốc (TP.HCM) nhận định việc thực hiện tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2011-2015 chưa tạo ra thay đổi cơ bản về mô hình tăng trưởng của nền kinh tế, tái cơ cấu nhiều ngành chưa đi vào thực chất và chưa tôn trọng những nguyên tắc về thị trường. Do đó, ĐB kiến nghị kế hoạch tái cơ cấu kinh tế giai đoạn 2016-2020 phải đưa được nội dung tăng cường liên kết ngành, nội ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế.

ĐB Phạm Phú Quốc


ĐB này cũng lưu ý, thực tế 20 năm qua Việt Nam đi theo hướng tăng trưởng cao so với các nước trong khu vực và phải rút kinh nghiệm từ chính họ. Kế hoạch tái cơ cấu trong giai đoạn tới phải rất cẩn trọng, quyết liệt, tính toán kỹ lưỡng, phân khúc, chia đoạn rõ ràng để sau một giai đoạn tăng trưởng cao không rơi vào "bẫy" thu nhập trung bình. Mục tiêu tối thượng của tái cơ cấu kinh tế là đem lại cuộc sống tốt đẹp nhất cho người dân, bảo đảm tăng trưởng bền vững. Do đó, chương trình đầu tư, chính sách liên quan của nhà nước đòi hỏi sự đầu tư thông minh, quan tâm sử dụng nguồn năng lượng sạch...


ĐB Trần Anh Tuấn (TP.HCM) kiến nghị cần tập trung sự phát triển mang tính đặc thù của vùng. Một số nguồn lực cần phải có sự phân bổ phù hợp với điều kiện phát triển của vùng, của địa phương, trong đó vùng kinh tế trọng điểm phía Nam có đóng góp lớn trong phát triển cho ngân sách TƯ.

Đối với phát triển vùng, cơ chế chính sách, cách điều hành hiện nay không có kết quả. Do đó, ĐB đề xuất khi thực hiện các giải pháp phát triển vùng cần có đề án phát triển, chọn ra những ngành đang có lợi thế cạnh tranh của vùng để thực hiện thí điểm. Ví dụ như tập trung phát triển cụm liên kết chuỗi giá trị ngành điện - điện tử, ngành logistic tại vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

ĐB Trần Anh Tuấn


Bàn về tập trung phát triển du lịch, để du lịch thực sự trở thành mũi nhọn, ĐB Nguyễn Quốc Hưng (Hà Nội) cho biết, qua tiếp xúc cử tri cho thấy anh em trong ngành "tâm tư" khi chủ trương thì yêu cầu phải phấn đấu để du lịch tăng trưởng như kinh tế mũi nhọn nhưng du lịch "nay nhập vào mai tách ra", chưa ổn định về tổ chức. Theo ĐB này, nên xác định du lịch là then chốt, điều hành bằng quy luật kinh tế, tạo ra cơ chế chính sách, bộ máy, con người để có thể đáp ứng được.

Nguồn lực hạn hẹp nhưng phân bổ còn dàn trải

Đó là kiến nghị được nhiều ĐB nêu ra trong thảo luận tại tổ TP.HCM. ĐB Huỳnh Thành Đạt kiến nghị cần quyết liệt hơn, tập trung đẩy mạnh cổ phần hoá (CPH), thực hiện thoái vốn, đấu giá hết sức minh bạch. Sử dụng tiền thu được cho đầu tư phát triển, đặc biệt giảm bớt ngành nghề do nhà nước nắm giữ để phù hợp với chủ trương tạo điều kiện cho các DN vừa và nhỏ, DN tư nhân phát triển, trở thành động lực phát triển.

"Liên quan đến các DN nhà nước làm ăn thua lỗ, cần thống nhất xem xét cho bán, hoặc cho phá sản. Việc này này dù khó, dù "đau đớn" nhưng vì sự phát triển của đất nước trong kế hoạch tái cơ cấu cần phải kiên quyết, nhất là với DN thua lỗ kéo dài, mất vốn sở hữu " - ĐB Đạt nói.

ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm


Dẫn giải về nhận định "nguồn lực còn hạn hẹp" được nêu trong Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2017, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng đánh giá như vậy đúng nhưng chưa đủ và làm cho công tác điều hành quản lý nhà nước ở các cấp sẽ không sát với thực tiễn.

"Phải thấy rằng ngoài nguồn lực còn hạn hẹp thì đầu tư dàn trải, phân tán, thiếu trọng tâm, trọng điểm là một vấn đề lớn. Ông bà ta hay nói "Liệu cơm gắp mắm". Nguồn lực chúng ta hạn hẹp là đúng nhưng đầu tư vào đâu, quản lý như thế nào cho phát huy hiệu quả, tạo động lực, cú hích, đòn bẩy phát triển và huy động nguồn lực còn lại trong xã hội thì thực hiện chưa tốt.

"Nguồn lực hạn hẹp" nhưng còn phải thấy hạn chế, khó khăn của chúng ta trong điều hành và quản lý chưa tốt và thiếu đồng bộ, thiếu nhất quán, trở nên dàn trải, phân tán và lồng cả yếu tố mà người dân nói nhiều là "lợi ích nhóm" chi phối" - ĐB Tâm thẳng thắn phát biểu.

ĐB Ngọ Duy Hiểu


Tại tổ Hà Nội, ĐB Ngọ Duy Hiểu cũng nêu hạn chế khi phân bổ nguồn lực vẫn còn dàn trải, thiếu điểm phân bổ để phát huy hiệu quả. Theo ĐB này: "Thời gian qua chúng ta quan tâm siết chặt đầu tư công nhưng chưa tìm ra được giải pháp để nâng cao hiệu quả đầu tư công. Cùng đó là tình trạng quản lý còn lỏng lẻo. Bao trùm lên là 2 vấn đề: nguồn lực thì đã ít nhưng lại chuyển đến địa chỉ sử dụng không phù hợp và lựa chọn lĩnh vực và dự án đầu tư chưa chuẩn"

Chiều nay, các ĐB tiếp tục thảo luận tại tổ về hàng loạt các nội dung: Kế hoạch tài chính 5 năm; Mục tiêu, định hướng huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2016-2020 (trong đó có đánh giá toàn diện các mặt công tác huy động, sử dụng vốn vay và quản lý nợ công giai đoạn 2011-2015); Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2016; Dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2017.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Cần đột phá về hiệu quả đầu tư, chống thất thoát, lãng phí

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.