Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thông qua tỷ lệ nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP

Bảo Hân| 08/11/2016 16:21

(HNMO) - Chiều 8/11, với 407/420 đại biểu biểu quyết tán thành (chiếm 82,39%) Quốc hội (QH) đã thông qua Nghị quyết về Kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020.

Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh


Trước khi thông qua Nghị quyết, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh trình báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự thảo Nghị quyết.

Trước một số ý kiến đề nghị thể hiện chỉ tiêu về bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP, nợ chính phủ không quá 54%GDP, Ủy ban thường vụ QH xin tiếp thu và thể hiện như dự thảo Nghị quyết.

Trong Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 và Nghị quyết số 05-NQ/TW thì chỉ tiêu bội chi ngân sách nhà nước đến năm 2020 xuống dưới 4%. Tuy nhiên, theo Kết luận số 09-KL/TW ngày 19/10/2016 của Hội nghị lần thứ tư Ban chấp hành Trung ương khóa XII, tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước năm 2017 so với GDP không quá 3,5%, do đó mục tiêu các năm tiếp theo dưới 3,5%GDP là phù hợp với mục tiêu kiểm soát, bảo đảm an toàn nợ công.

Về tổ chức thực hiện, một số ý kiến đề nghị Chính phủ cần lưu ý đến nguồn lực thực hiện các nhiệm vụ của quá trình cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 trong bối cảnh khó khăn về ngân sách nhà nước, từ đó xác định nhiệm vụ nào cấp bách để tập trung nguồn lực thực hiện. Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội đã yêu cầu Chính phủ “bảo đảm nguồn cân đối trong Kế hoạch tài chính 5 năm 2016-2020, Kế hoạch đầu tư công trung hạn”.

Như vậy, sau khi được thông qua, các mục tiêu cơ cấu lại nền kinh tế theo Nghị quyết gồm:

Giảm dần tỷ lệ bội chi ngân sách nhà nước, đến năm 2020 xuống dưới 3,5% GDP. Quy mô nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP, nợ chính phủ không quá 54% GDP và nợ nước ngoài của quốc gia không quá 50% GDP. Nâng cao chất lượng thể chế quản lý đầu tư công đạt mức chất lượng tiếp cận 4 nước ASEAN phát triển nhất (ASEAN – 4). Tỉ trọng đầu tư nhà nước khoảng 31 - 34% tổng đầu tư xã hội.

Hàng năm, có 30-35% doanh nghiệp có hoạt động đổi mới sáng tạo. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân hàng năm trên 5,5%, tốc độ tăng năng suất nội ngành đóng góp hơn 60% vào tăng năng suất lao động năm 2020. Đến năm 2020, tỷ trọng lao động qua đào tạo từ 3 tháng trở lên có chứng chỉ đạt khoảng 25%, tỷ trọng lao động nông nghiệp giảm xuống dưới 40%.

Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp vào tăng trưởng bình quân giai đoạn 2016-2020 khoảng 30-35%. Thu hẹp khoảng cách năng lực cạnh tranh quốc gia với ASEAN-4.

Đến năm 2020, giảm tỷ lệ nợ xấu thực tế trong nền kinh tế xuống mức dưới 3%. Giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Nâng cao quy mô và hiệu quả của thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu chính phủ, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Đến năm 2020, quy mô vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt khoảng 70% GDP, thị trường trái phiếu đạt 30% GDP.

Thoái toàn bộ vốn nhà nước tại các doanh nghiệp thuộc các ngành không cần Nhà nước sở hữu trên 50% vốn, thoái vốn nhà nước xuống mức sàn quy định đối với các ngành mà Nhà nước sắp xếp, cơ cấu lại vốn đầu tư. Đến năm 2020, có ít nhất 1 triệu doanh nghiệp; 15.000 hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã nông nghiệp hoạt động có hiệu quả.

Cũng trong chiều 8/11, các ĐB đã nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ trình bày Tờ trình dự án Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV)

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng


Trong báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế của QH Vũ Hồng Thanh cho biết, đa số ý kiến của Ủy ban Kinh tế nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật hỗ trợ DNNVV.

Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, hiện đã có rất nhiều luật, chính sách của Đảng, Nhà nước nhằm hỗ trợ DNNVV, nhưng do còn thiếu văn bản hướng dẫn cụ thể, tổ chức thực hiện chưa tốt nên việc hỗ trợ DNNVV không có hiệu quả. Trong bối cảnh hiện nay, điều cốt lõi nhất là tạo mọi thuận lợi để doanh nghiệp tư nhân, kể cả doanh nghiệp lớn phát triển.

Về đối tượng áp dụng, trước 3 loại ý kiến khác nhau, Ủy ban Kinh tế cho rằng, với tên gọi Luật hỗ trợ DNNVV thì đương nhiên đối tượng được hỗ trợ phải là doanh nghiệp. Đối tượng hỗ trợ của Luật là rất lớn (khoảng 520.000 doanh nghiệp nhỏ và vừa), bên cạnh đó, từ thực tiễn thi hành Luật hợp tác xã (sửa đổi) năm 2012, đã có nhiều chính sách hỗ trợ, ưu đãi của Nhà nước đối với hợp tác xã nhưng đến nay các chính sách này vẫn chưa phát huy được hiệu quả. Nếu quy định hỗ trợ cả hộ kinh doanh thì không khả thi.

Ngoài những hỗ trợ cơ bản cho tất cả các DNNVV, với Chương trình hỗ trợ trọng tâm, đề nghị rà soát kỹ đối tượng áp dụng, không hỗ trợ chung chung mà cần ưu tiên tập trung hỗ trợ cho các DN sản xuất, DN khoa học công nghệ, DN tạo giá trị gia tăng cho nền kinh tế.

Về nguyên tắc hỗ trợ DNNVV, Ủy ban Kinh tế đồng tình với quan điểm chuyển phương thức hỗ trợ từ hỗ trợ trực tiếp cho các DNNVV sang chủ yếu hỗ trợ gián tiếp thông qua các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ hỗ trợ để không làm méo mó thị trường và tránh vi phạm cam kết quốc tế.

Ủy ban Kinh tế cũng đề nghị xem xét, bổ sung quy định DNNVV phải hoàn trả những hỗ trợ đã được hưởng thụ khi vi phạm pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp. Đồng thời, quy định “điểm dừng” pháp lý khi DN đủ mạnh thì không hưởng hỗ trợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thông qua tỷ lệ nợ công hằng năm giai đoạn 2016-2020 không quá 65% GDP

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.