Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hà Nội Giftshow 2016: Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm làng nghề

Thanh Hiền| 15/11/2016 07:35

(HNM) - Hơn 600 nhà nhập khẩu nước ngoài tham dự, 1.200 biên bản ghi nhớ tiêu thụ sản phẩm được ký kết giữa các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) làng nghề với đối tác nước ngoài, 10 hợp đồng với tổng trị giá 305.000 USD được ký trực tiếp tại hội chợ…


Theo Sở Công Thương Hà Nội, năng lực sản xuất đáp ứng những đơn hàng lớn, đòi hỏi tiêu chuẩn cao là một trong số những hạn chế của DN sản xuất, xuất khẩu hàng TCMN trong nước nói chung, TP Hà Nội nói riêng.

Ông Hoàng Xuân Thủy, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp cho biết, đến hết năm 2015, tổng giá trị xuất khẩu của các làng nghề sản xuất mặt hàng TCMN của TP Hà Nội lên tới 170 triệu USD, trong đó có một số mặt hàng có giá trị xuất khẩu lớn như mây tre đan đạt 56,4 triệu USD, gốm 21 triệu USD…

Tuy nhiên, với đơn hàng sản xuất số lượng từ 10.000 đến 20.000 sản phẩm, có khi DN sản xuất hàng TCMN phải huy động cả làng sản xuất ngày đêm vẫn không kịp thời hạn giao cho đối tác. Vì vậy, dù sản phẩm thủ công có giá trị riêng, nhưng các DN cũng khó đáp ứng được những lô hàng xuất khẩu lớn của đối tác.

Đại diện Công ty TCMN - Mây tre đan Trung Hòa (Hà Nội) cho biết, việc tìm thị trường xuất khẩu hàng TCMN hiện rất khó khăn, nhất là việc cạnh tranh với hàng TCMN của Trung Quốc. Nhiều DN phải tìm thị trường xuất khẩu qua các đối tác trung gian khiến lợi nhuận của mặt hàng này không đủ để DN tái đầu tư cho đơn hàng mới.

Tiếp nối thành công từ những kỳ hội chợ trước, Hanoi Giftshow 2016 được tổ chức với quy mô 630 gian hàng của 245 DN đến từ 30 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó có Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Bến Tre, Nam Định, Thái Bình, Thanh Hóa, Nghệ An… và 6 nước trên thế giới gồm CHLB Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Nepal, Trung Quốc. Ngoài ra, hội chợ còn thu hút 630 nhà nhập khẩu đến từ 39 quốc gia và vùng lãnh thổ như Mỹ, EU, Nhật Bản, Nga… đến tham quan và giao dịch tại hội chợ, trong đó có hơn 80 nhà nhập khẩu có sức mua hơn 100 triệu USD/năm.

Các mặt hàng được trưng bày, giới thiệu tại hội chợ gồm hàng TCMN và trang trí nội thất; hàng đồ gỗ trong nhà và ngoài trời; hàng dệt gia dụng và thêu ren; hàng quà tặng và sản phẩm của các đồng bào dân tộc; hàng trang sức và phụ kiện cá nhân; các sản phẩm TCMN khác…

Chị Nguyễn Thu Trang, chủ nhà hàng - khách sạn Ngọc Linh (phố Ái Mộ, Gia Lâm) cho biết, hội chợ quà tặng hàng TCMN năm nay có nhiều mặt hàng đa dạng, rất phù hợp để trang trí nội thất cho nhà hàng.

Để chuẩn bị cho hội chợ đạt được những kết quả tốt nhất, Sở Công Thương Hà Nội cùng Trung tâm Xúc tiến đầu tư, Thương mại và Du lịch Hà Nội đã liên hệ, phối hợp với các đơn vị liên quan, đại sứ quán các nước tại Việt Nam, các tổ chức xúc tiến thương mại nước ngoài tại Việt Nam,... để tuyên truyền, giới thiệu về hội chợ và mời các nhà nhập khẩu nước ngoài đến tham quan, giao dịch tại hội chợ.

Bên cạnh đó, Ban tổ chức đã gửi 10.000 giấy mời tới các DN thương mại trong nước, khu resort, các siêu thị, khách sạn, nhà hàng tại Việt Nam đến tham quan, giao dịch tại hội chợ. Đồng thời, kết nối với Sở Du lịch TP Hà Nội, các đơn vị lữ hành trên địa bàn thành phố xây dựng các tour du lịch đưa khách du lịch trong nước và quốc tế đến Hà Nội trong dịp này đến tham quan hội chợ...

Ghi nhận sự đóng góp của Sở Công Thương Hà Nội trong việc tổ chức thành công các kỳ hội chợ quà tặng hàng TCMN, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản cho biết, hội chợ ngày càng tạo được lòng tin, uy tín đối với các DN, với quy mô gian hàng, số lượng các nhà DN đến tham quan giao dịch và ký kết các biên bản ghi nhớ hợp đồng giao dịch tại hội chợ ngày càng tăng. TP Hà Nội đã, đang tạo điều kiện hơn với những cơ chế, chính sách thiết thực để các làng nghề nói chung, làng nghề TCMN nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hà Nội Giftshow 2016: Đẩy mạnh xuất khẩu sản phẩm làng nghề

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.