Theo dõi Báo Hànộimới trên

EU và Việt Nam đạt thỏa thuận trên nguyên tắc đối với Hiệp định về thương mại gỗ

Quỳnh Dương| 18/11/2016 15:40

(HNMO) - Ngày 18-11, ngài Cao ủy Liên minh Châu Âu (EU) về Môi trường Karmenu Vella và Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam Nguyễn Xuân Cường đã nhất trí về nguyên tắc đối với Hiệp định Đối tác Tự nguyện về Thực thi Lâm luật, Quản trị và Thương mại Lâm sản (FLEGT VPA).


Cơ chế này sẽ giúp cải thiện việc quản trị rừng, xử lý nạn khai thác gỗ trái phép và thúc đẩy thương mại các sản phẩm gỗ hợp pháp đã được chứng nhận giữa Việt Nam và EU.



Sau gần 6 năm đàm phán, nội dung chính của Hiệp định đã được thống nhất và hiện chỉ còn một số phụ lục có nội dung kỹ thuật đang chờ các nhà đàm phán hoàn tất trong một vài tháng tới. EU và Việt Nam kỳ vọng có thể khởi động thủ tục phê chuẩn Hiệp định trong năm 2017.

Ngài Cao ủy EU về Môi trường, Các vấn đề Hàng hải và Thủy sản Karmenu Vella cho biết: “Ngày hôm nay, Việt Nam và EU đã ghi một dấu mốc về hợp tác song phương trong cuộc chiến toàn cầu nhằm ngăn chặn nạn khai thác gỗ trái phép”. Ngài cho biết thêm: “Ngay bây giờ, chúng ta cần tập trung vào việc thực thi nhằm đảm bảo VPA này đạt được các mục tiêu về xã hội, môi trường và kinh tế. Cam kết trọng tâm ở đây đó là thiết lập một hệ thống mạnh mẽ và đáng tin cậy, cho phép sự tham gia của tất cả các bên liên quan và bao gồm những cơ chế hiệu quả nhằm phát hiện được những vi phạm, đồng thời bảo đảm việc thực thi pháp luật. EU sẽ tiếp tục hỗ trợ các nỗ lực của Việt Nam trong lĩnh vực này. Chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ việc Việt Nam tổ chức thực thi hiệp định này”.

Việt Nam là một nước nhập khẩu và chế biến gỗ lớn và trong thập kỷ qua, Việt Nam đã chứng kiến một sự tăng trưởng hết sức nhanh chóng của các ngành công nghiệp về gỗ của mình và đã có một vị trí quan trọng trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, nạn khai thác gỗ bất hợp pháp vẫn là một thách thức không nhỏ. Nó khiến chính phủ bị thất thu ngân sách, đe dọa tới sự đa dạng sinh học và gây ra những sự xung đột với các cộng đồng dân cư sống dựa vào rừng.

Để thực thi VPA, Việt Nam sẽ phát triển một hệ thống chứng nhận tính hợp pháp của gỗ cũng như tiến hành các cải cách được nêu trong Hiệp định, trong đó có việc ban hành quy định luật pháp cụ thể nhằm đảm bảo tính hợp pháp của gỗ nhập khẩu làm đầu vào cho chế biến.

Khi VPA được thực thi đầy đủ, Hiệp định này được kỳ vọng sẽ tăng cường sự tin cậy vào tính hợp pháp của sản phẩm gỗ do Việt Nam xuất khẩu, qua đó sẽ mang lại những lợi ích về xã hội và môi trường lớn hơn.

Các lô hàng gỗ và sản phẩm gỗ xuất khẩu của Việt Nam vào EU sẽ đi kèm với giấy phép FLEGT, thể hiện rõ nguồn gốc hợp pháp của các sản phẩm này. Điều này cũng sẽ giúp đơn giản hóa công việc của các thương nhân gỗ bởi các sản phẩm được cấp phép FLEGT sẽ mặc nhiên đáp ứng các yêu cầu của Quy định về Lâm sản của EU, là quy định về việc nghiêm cấm đưa gỗ phi pháp vào thị trường EU. Do vậy, các thương nhân của EU có thể đưa gỗ đã được cấp phép FLEGT vào thị trường EU và không cần phải tiến hành thẩm định pháp lý theo các điều khoản nêu trong Quy định về Lâm sản của EU.

Một Ủy ban Thực thi chung giữa EU và Việt Nam sẽ có nhiệm vụ giám sát quá trình thực thi khi Hiệp định đi vào hiệu lực. Từ nay đến thời điểm đó, các nội dung chính của những thỏa thuận tạm thời đã được thống nhất sẽ hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi sang giai đoạn thực thi.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
EU và Việt Nam đạt thỏa thuận trên nguyên tắc đối với Hiệp định về thương mại gỗ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.