Theo dõi Báo Hànộimới trên

Công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam: 20 năm vẫn trên con đường gập ghềnh

Hồng Sơn| 22/11/2016 07:00

(HNM) - Cách đây khoảng 20 năm, “giấc mơ” ô tô của Việt Nam đã manh nha xuất hiện, với khát vọng từng bước hình thành một ngành công nghiệp lắp ráp, sản xuất ô tô đích thực. Nếu có sự đầu tư, triển khai đúng hướng thì kết quả đến nay đáng lẽ ra tấm, ra món, thị trường đã có những chiếc xe mang dấu ấn thương hiệu Việt, chứ không phải một con đường còn nhiều gập ghềnh như hiện nay.

Sản xuất ô tô tại Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải.Ảnh: Trường Hải


Bài học khó quên

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, hiện cả nước có 400 doanh nghiệp (DN) tham gia lắp ráp, sản xuất chi tiết ô tô. Tuy nhiên, chủ yếu là DN quy mô nhỏ; mức độ nội địa hóa “lẹt đẹt”, không quá 15-30% đối với xe con. Quan trọng hơn, Việt Nam vẫn chưa có một nền công nghiệp phụ trợ, sản xuất linh kiện ô tô thật sự. Các DN vẫn chỉ đảm nhận những chi tiết đơn giản như: Ghế ngồi, cụm dây điện, kính, công đoạn sơn, hàn… Tính chung, Ngành Công nghiệp ô tô mới đóng góp 2% GDP.

Nguyên nhân có cả chủ quan và khách quan. Ban đầu, các cơ quan quản lý đưa ra các ưu đãi, tập trung vào thuế đối với sản phẩm ô tô lắp ráp trong nước, đồng thời áp thuế ở mức cao đối với xe nhập khẩu, nhằm tạo ra khoảng trống về thời gian để DN trong nước có cơ hội trưởng thành. Tuy nhiên, DN lắp ráp ô tô được lợi nhưng lại “quên” trách nhiệm thực hiện nội địa hóa thông qua đầu tư sản xuất linh kiện, chi tiết, phụ tùng ở trong nước.

Theo Hiệp hội Các nhà sản xuất ô tô Việt Nam (VAMA), do sản lượng thị trường tiêu thụ quá nhỏ nên DN không dám bỏ vốn đầu tư công nghệ sản xuất linh kiện. Thực tế này gây ra tâm lý thất vọng đối với người tiêu dùng cũng như xã hội khi chưa được hưởng lợi một cách thỏa đáng.

Kiên trì mục tiêu ô tô "Made in Vietnam"

Dây chuyền sản xuất ô tô hiện đại tại Công ty CP Hyundai Thành Công Việt Nam.


Tại kỳ họp thứ hai, Quốc hội khóa XIV, khi thảo luận một số dự luật có liên quan đến sản xuất ô tô, nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại, khi hàng loạt sắc thuế cắt giảm, ô tô lắp ráp trong nước sẽ bị ô tô nhập khẩu lấn lướt. DN sản xuất sẽ tính bài toán hiệu quả kinh tế, chuyển sang nhập khẩu, phân phối xe thay vì tiếp tục đầu tư sản xuất. Song ngược lại, cũng có ý kiến băn khoăn, liệu có nên bảo hộ tiếp một nền sản xuất mà 20 năm qua vẫn không "lớn" lên được mặc dù được hưởng nhiều ưu tiên.

Đại diện Công ty Ô tô Trường Hải cho rằng, một số DN lớn sẽ cố gắng duy trì, sản xuất một vài dòng xe, còn lại sẽ chuyển hướng sang nhập khẩu để trở thành nhà phân phối nhờ tận dụng lợi thế thuế suất sẽ giảm mạnh từ năm 2018. Xu hướng thứ 2 là sẽ xuất hiện một vài nhà sản xuất mới, muốn tận dụng cơ hội khai thác nguồn nhân lực, thị trường Việt Nam và xuất khẩu ra thị trường khu vực.

Song, xu hướng này phụ thuộc vào sự cân nhắc hiệu quả kinh tế của nhà đầu tư. Trong khi giải đáp việc đề xuất hoạt động sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu ô tô là ngành kinh doanh có điều kiện. Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông cho biết, đây không phải là “rào cản” đặt ra với DN mà được cân nhắc trên cơ sở tính toán lợi ích của Nhà nước, nhà sản xuất, nhập khẩu cũng như người tiêu dùng.

Làm việc với các bộ, ngành về định hướng phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định, Chính phủ sẽ hiện thực hóa mục tiêu đưa ngành sản xuất ô tô trở thành ngành chủ lực, hướng tới xuất khẩu sản phẩm. Chính phủ chỉ đạo các cơ quan quản lý rà soát cơ chế, chính sách; có thể bổ sung, điều chỉnh nếu còn thiếu và để phù hợp với yêu cầu thực tiễn. Đặc biệt, Chính phủ sẽ kiên trì chủ trương xây dựng, phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, nền tảng cho sản xuất linh kiện, chi tiết ô tô để nâng cao năng lực tự chủ trong sản xuất ô tô.

Theo Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến 2035 và Quy hoạch phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2020, tầm nhìn đến 2030, sản xuất ô tô được xác định là ngành kinh tế chủ lực, đáp ứng tối đa nhu cầu thị trường về các loại xe tải, xe khách thông dụng và một số loại xe chuyên dùng; phấn đấu trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng và một số cụm chi tiết trong chuỗi sản xuất ô tô thế giới, thúc đẩy sự phát triển của các ngành công nghiệp khác.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đánh giá, ngành sản xuất ô tô có tương lai sáng sủa do nhu cầu thị trường lớn; thu nhập bình quân của Việt Nam đã đạt mức trung bình của thế giới và đang tăng dần, dự báo khoảng 3.500 USD/người trong vài năm tới. Vì thế các bộ, ngành sẽ tìm hướng khắc phục tồn tại và tiếp tục theo đuổi mục tiêu phát triển công nghiệp ô tô Việt Nam với những thay đổi, cách làm mới; phấn đấu đến năm 2020 nội địa hóa 30-40% đối với xe dưới 9 chỗ ngồi. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Công nghiệp sản xuất ô tô Việt Nam: 20 năm vẫn trên con đường gập ghềnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.