Theo dõi Báo Hànộimới trên

Giữ gìn màu xanh mặt nước

Hương Ly| 08/12/2016 07:15

(HNM) - Gần 80 hồ nước ô nhiễm trong nội thành Hà Nội đã được xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C của CHLB Đức, được thiết kế theo đơn đặt hàng của UBND TP Hà Nội. Sau xử lý, nước hồ trong, không còn mùi hôi, hệ sinh học trong hồ phát triển tốt. Những hồ nước trong xanh, hết ô nhiễm không chỉ tạo môi trường sống trong


Hồ xanh, sạch - người dân phấn khởi

Ông Nguyễn Văn Khoa, ở nhà C8, tập thể Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) cho biết, trước đây hồ Nghĩa Tân trong tình trạng ô nhiễm khá nặng. Vào mùa khô, mùi hôi thối rất khó chịu, rác nổi trên mặt hồ, cá chết khi trở trời. Sau khi thành phố xử lý ô nhiễm, nước hồ đã trong, xanh hơn, mùi hôi thối không còn, việc vớt rác cũng làm thường xuyên hơn. Người dân sống quanh đây rất phấn khởi, đặc biệt là người già và trẻ nhỏ có nơi tập thể dục và vui chơi trong lành.

Rải chế phẩm Redoxy-3C làm sạch nước hồ Nghĩa Tân, quận Cầu Giấy. Ảnh: Ngọc Hải



Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội, sau khi thử nghiệm chế phẩm Redoxy-3C tại hồ Giáp Bát, Hố Mẻ và Ba Mẫu cho kết quả khả quan, Công ty đã đề xuất UBND TP Hà Nội cho phép nhân rộng việc sử dụng chế phẩm Redoxy-3C để xử lý các hồ nước ô nhiễm trên địa bàn Hà Nội. Qua khảo sát, thống kê, có 112 hồ/120 hồ nước nội thành bị ô nhiễm. Trong khi, 140/150 hồ nước tại khu vực ngoại thành cũng trong tình trạng tương tự. Các hồ ô nhiễm đều trong tình trạng nước màu xanh, mật độ tảo dày và bốc mùi tanh, hôi. Các chỉ tiêu hóa học của nước hồ đều cao gấp 2-10 lần cho phép. Sau xử lý bằng chế phẩm Redoxy-3C gần 80 hồ khu vực nội thành, các chỉ tiêu hóa học giảm mạnh và đạt tiêu chuẩn cho phép. Đặc biệt, việc xử lý ô nhiễm không ảnh hưởng tới hệ sinh học trong nước hồ. Chỉ sau 24 giờ phun rải chế phẩm, mùi hôi đã giảm hẳn. Quá trình xử lý ô nhiễm đã nhận được phản hồi tích cực của người dân sinh sống xung quanh hồ.

Ông Bùi Ngọc Nguyên, Giám đốc Xí nghiệp Xử lý nước thải (Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho biết, hồ Nghĩa Tân có diện tích 45.000m2, dung tích nước 90.000m3. Với lượng phun rải khoảng 20g/m3 nước, Xí nghiệp sử dụng 1.800kg chế phẩm để xử lý toàn bộ hồ nước. Trước khi sử dụng chế phẩm này, một số hồ Hà Nội đã được xử lý bằng công nghệ của Pháp, Bỉ, Hàn Quốc, Việt Nam song giá thành đều cao hơn gấp nhiều lần sử dụng Redoxy-3C. Thêm vào đó, Redoxy-3C có ưu điểm là sau khoảng 24 giờ phun rải nước hồ đã có thể được làm sạch, giảm hàm lượng kim loại nặng và tăng lượng ôxy trong nước để thủy sinh phát triển. Với phương pháp cũ, mỗi tháng phải xử lý một lần, còn với Redoxy-3C, 6 tháng mới xử lý một lần; với hồ không có nước thải sinh hoạt, thậm chí 9 tháng mới xử lý lại.

Trên thực tế, việc xử lý ô nhiễm các hồ nước luôn được UBND TP Hà Nội quan tâm, bởi đây là "lá phổi xanh", giúp điều hòa không khí, tạo không gian trong lành cho Thủ đô. Vì vậy, với chế phẩm độc quyền Redoxy-3C, thành phố có thể tiết kiệm tối đa ngân sách hằng năm phải chi cho hoạt động này.

Rất cần ý thức bảo vệ môi trường

Ông Phan Hoàng Minh, Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội thông tin, dự kiến đến hết quý IV-2016, Công ty sẽ hoàn thành việc xử lý toàn bộ các hồ nước khu vực nội thành Hà Nội bị ô nhiễm. Sau đó, sẽ tiếp tục xử lý các hồ tại các huyện Chương Mỹ, Thanh Oai, Gia Lâm và thị xã Sơn Tây. Theo kế hoạch, trong quý I-2017, bên cạnh việc mở rộng xử lý các hồ khu vực ngoại thành theo đề xuất của địa phương, Công ty sẽ duy trì chất lượng các hồ sau xử lý theo đúng quy trình.

Đón thông tin này, ông Thạch Văn Sơn, Phó Chủ tịch xã Ninh Hiệp (Gia Lâm) cho biết, xã hiện còn 5 hồ ô nhiễm cần xử lý. Hồ Dài nằm trong quần thể di tích đền thờ Lê Ngọc Hân, xã đã chủ động tách nước thải sinh hoạt xả vào hồ và người dân cũng tự làm bè thủy sinh để hạn chế ô nhiễm. Thế nhưng, vào mùa đông, việc cấp nước thủy nông hạn chế nên những ngày trở trời, nước hồ vẫn có mùi hôi khó chịu. "Hiện hồ Dài đã được thành phố xử lý phun rải Redoxy-3C, thời gian tới, chúng tôi mong các hồ ô nhiễm còn lại cũng sẽ sớm được xử lý để tạo môi trường sống xanh, sạch hơn cho bà con Ninh Hiệp" - ông Sơn chia sẻ.

Phun rải chế phẩm Redoxy-3C để xử lý ô nhiễm hồ là giải pháp cấp bách để cứu các hồ, trả lại mặt nước xanh cho Thủ đô. Song theo ông Phan Hoàng Minh, vấn đề quan trọng không kém là phải tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường, không xả rác bừa bãi thì mới có thể bảo vệ lâu dài các hồ nước vốn là tài nguyên quý giá của Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Giữ gìn màu xanh mặt nước

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.