Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kinh doanh vận tải hành khách: Làm gì để minh bạch và bình đẳng với nhau?

Hà Phạm| 09/12/2016 10:56

(HNMO) - Bộ Tài chính đã có công văn hướng dẫn Công ty Uber B.V. Hà Lan nộp thuế theo đúng quy định, nhưng việc này được đánh giá là “không công bằng” đối với các đơn vị đang thực hiện thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ vào hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng của Bộ GTVT.

Lúng túng trong việc thu thuế...

Bộ Tài chính vừa có Công văn số 11828/BTC-CST hướng dẫn thu thuế Uber, trong đó xác định dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách sẽ phải nộp thuế GTGT theo mức thuế suất 3% như đối với dịch vụ vận tải. Theo các chuyên gia kinh tế, đối với Uber, Bộ Tài chính coi đó là dịch vụ phần mềm kết nối, một bộ phận cấu thành của dịch vụ vận tải, chứ không phải là “dịch vụ khoa học công nghệ”, mặc dầu Uber không có gì khác biệt so với Grab.

Bộ GTVT đang cho phép 3 đơn vị hoạt động thí điểm ứng dụng dịch vụ gọi xe kết nối hành khách trên cả nước.



Theo nhận định của Bộ GTVT, việc Uber nộp thuế theo mức 3% như đối với dịch vụ vận tải sẽ gây tác động tiêu cực đối với những đơn vị tham gia thí điểm trong việc kê khai và nộp thuế đối với Nhà nước, vì theo Luật Giao thông đường bộ, dịch vụ phần mềm kết nối giữa lái xe và hành khách không được coi là dịch vụ hỗ trợ vận tải cũng như là dịch vụ vận tải.

Cụ thể, theo báo cáo của Công ty TNHH GrabTaxi (Bộ GTVT cho phép thí điểm), kinh doanh phần mềm kết nối của đơn vị này hiện nay đang được cơ quan thuế xếp loại là dịch vụ khoa học công nghệ và chịu mức thuế GTGT là 5%.

Không những thế, các đơn vị tham gia thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng cho hay, hướng dẫn trên của Bộ Tài chính đã gây tác động tiêu cực đối với những đơn vị tham gia thí điểm trong việc kê khai và nộp thuế đối với Nhà nước.

Từ đó, các đơn vị tham gia thí điểm cho rằng, điều này gây khó khăn cho những đơn vị tham gia thí điểm trong việc kê khai và nộp thuế đối với Nhà nước. Tức là các đơn vị này không biết thực hiện theo hướng dẫn của cơ quan trực tiếp thu thuế hay theo hướng dẫn của Bộ Tài chính. Đồng thời, điều này có thể dẫn tới việc hiểu sai ý nghĩa pháp lý của Đề án thí điểm, vì Đề án chỉ hợp thức hóa hình thức hợp đồng điện tử giữa lái xe và hành khách, mà không nhằm tạo ra hình thức kinh doanh mới.

Trước những khúc mắc này, Bộ GTVT đã chỉ đạo Thanh tra Bộ và Sở GTVT các tỉnh, thành phố tham gia thí điểm trong thời gian tới chủ động phối hợp với lực lượng Công an, cơ quan Thuế, chính quyền địa phương tăng cường công tác kiểm tra, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật; đặc biệt đối với các trường hợp sử dụng phần mềm không đúng quy định để điều hành vận tải, không chấp hành các quy định về thuế.

Cũng theo Trung tá Huỳnh Trung Phong, Phó trưởng Phòng Cảnh sát Giao thông đường bộ - đường sắt (PC67), Công an TP Hồ Chí Minh, để tăng cường hiệu quả cho công tác kiểm tra xử lý của các cơ quan chức năng thì cần có hình thức nhận biết các loại hình phương tiện này. Đơn cử như Grab đã có logo, còn những phần mềm khác như Uber thì khó nhận biết. Đồng thời, Trung tá Phong đề xuất cần tăng nặng, phạt cao đối với các đơn vị, doanh nghiệp, cá nhân vi phạm để tăng tính răn đe.

Liên quan đến vấn đề nộp thuế của Uber, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Chủ tịch Trung tâm trọng tài thương mại Luật gia Việt Nam (VLCAC) cho hay, theo quy định của Luật Thuế giá trị gia tăng 2008 (đã được sửa đổi, bổ sung năm 2013, 2014 và 2016) và Nghị định 209/2013/NĐ-CP thì do Công ty TNHH Uber B.V Hà Lan không có cơ sở thường trú tại Việt Nam mà có ký kết hợp đồng với tổ chức, cá nhân kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật để hoạt động kinh doanh và thỏa thuận phân chia kết quả kinh doanh theo doanh thu. Vì thế, Uber không thực hiện chế độ kế toán Việt Nam nên không thể tính nộp thuế theo phương pháp khấu trừ mà phải theo phương pháp trực tiếp trên doanh thu.

Tuy nhiên, cũng theo luật sư Hậu, việc thu thuế đối với Uber Hà Lan không hề đơn giản vì Công ty này không có trụ sở tại Việt Nam; do đó nếu họ không thực hiện nghĩa vụ thuế đối với các hoạt động kinh doanh phát sinh tại Việt Nam thì cơ quan Nhà nước cũng chưa có các biện pháp, chế tài gì cưỡng chế thu thuế được. Đây là những vấn đề thực tiễn phát sinh, đòi hỏi phải có các quy định pháp luật điều chỉnh.

Từ đó, luật sư Hậu cho rằng, trước mắt, nếu Công ty này không thực hiện nghĩa vụ thuế thì các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cần đề nghị cơ quan có thẩm quyền của Hà Lan hỗ trợ trong việc buộc Uber Hà Lan phải thực hiện nghĩa vụ của mình.

Không minh bạch trong kinh doanh

Liên quan đến việc tăng giá cước lên 25% của Uber Việt Nam (Báo Hànộimới đã phản ánh), mới đây, Uber lại ra thông báo về chính sách hỗ trợ cho những đối tác bị giao thông công chính phạt vì lỗi thiếu hợp đồng vận chuyển với mức hỗ trợ 1,5 triệu đồng/trường hợp, cũng như 5 triệu đồng/tháng với việc tài xế Uber bị tạm giữ bằng lái. Uber nhấn mạnh sẽ hỗ trợ 6,5 triệu đồng trong tháng và 5 triệu đồng vào các tháng tiếp theo. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu cho rằng, việc Uber nhấn mạnh sẽ hỗ trợ cho những đối tác bị các cơ quan quản lý Nhà nước về giao thông vận tải xử phạt hành chính là việc làm không minh bạch, cổ xúy cho hành vi vi phạm pháp luật.

Theo luật sư Hậu, theo quy định, tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ vận tải hành khách phải đáp ứng được các điều kiện nhất định, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật. Điều này không những đảm bảo được tình hình trật tự, an toàn xã hội mà còn giúp đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng sử dụng dịch vụ, nhất là khi có các sự cố xảy ra. Tuy nhiên, việc Uber đưa ra chính sách hỗ trợ cho các đối tác như vậy sẽ khiến gia tăng tình trạng không tuân thủ pháp luật, khiến những người tài xế này “yên tâm” khi đón, chở khách. Thỏa thuận này giữa Uber và các đối tác phải được xem là những thỏa thuận không hợp pháp, và đây cũng là một trong những điểm mà người tiêu dùng cần cân nhắc khi lựa chọn sử dụng dịch vụ của Uber.

Liên quan đến việc mới khách hàng đi Uber phản ánh, họ bị trừ tài khoản trực tuyến lên đến 6,5 triệu đồng từ nhà cung cấp dịch vụ Uber cho dù họ không hề đi cuốc xe nào. Về vấn đề này, luật sư Nguyễn Văn Hậu chia sẻ: “Tôi cho rằng sự thật đúng là việc làm này không hề đơn giản. Ví dụ như đối với các trường hợp bị trừ tiền trong tài khoản, do khách hàng thanh toán trực tiếp cho công ty Uber tại Hà Lan nên sự việc sẽ có yếu tố nước ngoài, cần phải có các thủ tục rắc rối, phức tạp hơn và không phải ai cũng có thời gian, điều kiện, chi phí để theo đuổi vụ kiện”.

Từ đó, luật sư Hậu đánh giá, việc trừ tiền trong khi khách hàng không đặt cuốc xe nào còn cho thấy khả năng mất an toàn thông tin khi sử dụng thẻ visa đăng ký, thanh toán cho Uber. “Nhìn chung, tôi vẫn khuyến nghị rằng người dân hãy cân nhắc khi lựa chọn sử dụng dịch vụ vận tải nào an toàn, minh bạch, có sự đảm bảo về quyền và lợi ích hợp pháp cho khách hàng”, luật sư Hậu nhấn mạnh.

Tính đến nay, Bộ GTVT đã chấp thuận triển khai thí điểm cho 3 ứng dụng công nghệ kết nối hành khách với lái xe được phép hoạt động thí điểm gồm: Ứng dụng của Công ty TNHH GrabTaxi (đề án thí điểm Grabcar), ứng dụng của Công ty CP Ánh Dương Việt Nam (đề án thí điểm V-Car) và mới đây nhất, ứng dụng của Công ty CP Vận tải 57 Hà Nội (đề án thí điểm Thanh Cong Car).

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kinh doanh vận tải hành khách: Làm gì để minh bạch và bình đẳng với nhau?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.