Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết sản xuất nông sản sạch: Doanh nghiệp và nông dân cùng lợi

Ngọc Quỳnh| 17/12/2016 08:02

(HNM) - Quy mô sản xuất nhỏ lẻ, năng suất, chất lượng thấp, thiếu sức cạnh tranh, bởi vậy việc đẩy mạnh liên kết giữa doanh nghiệp (DN) và nông dân trong nông nghiệp là xu thế tất yếu. Thực tiễn cho thấy, mối liên kết này không chỉ mang lại lợi ích cho nông dân và DN mà còn cung cấp cho thị trường nông sản, thực phẩm sạch...


Đây là những nội dung được thảo luận tại diễn đàn “Đồng hành, hỗ trợ và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp Việt” do Công ty Đầu tư phát triển sản xuất nông nghiệp (VinEco) và Bộ NN&PTNT vừa tổ chức.

Mối liên kết giữa DN và nông dân sản xuất, bao tiêu nông sản, thực phẩm an toàn được triển khai, bước đầu đem lại hiệu quả thiết thực. Tiếc rằng, mối liên kết này chưa tạo sự đột phá và sức lan tỏa rộng khắp. Theo ông Trần Đức Viên, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, nguyên nhân ở đây do một số DN chưa thực hiện đúng cam kết bao tiêu hết sản phẩm nông dân sản xuất ra. Đơn cử, tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có 180 DN, 149 hợp tác xã (HTX), 590 tổ hợp tác đảm nhận bao tiêu lúa cho nông dân, nhưng chỉ thu mua được từ 10 đến 20%. Rõ ràng, mối liên kết giữa DN và nông dân còn yếu, chưa đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Ở khía cạnh khác, sản xuất nông nghiệp của Việt Nam còn manh mún, điệp khúc “trồng - chặt” thường xuyên diễn ra ở nhiều loại cây trồng; công tác bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường trong sản xuất nông nghiệp có nơi chưa được quan tâm đúng mức... Tổng Giám đốc VinEco Vũ Tuyết Hằng cho biết, công ty đang thực hiện liên kết với 1.000 HTX và hộ gia đình sản xuất cung ứng nông sản sạch, an toàn ra thị trường. Tuy nhiên, kỹ thuật sản xuất của nông dân chưa đồng đều, dẫn tới chất lượng sản phẩm thu mua có thời điểm không bảo đảm, phải bỏ đi... Để đẩy mạnh xây dựng chuỗi liên kết giữa DN với nông dân trong cung ứng nông sản, thực phẩm an toàn, tới đây VinEco sẽ hỗ trợ người dân tiếp cận với kỹ thuật, công nghệ tiên tiến nhằm thay đổi và tối ưu hóa sản xuất nông nghiệp; tiến tới từng bước xây dựng thương hiệu nông sản Việt Nam xứng tầm quốc tế, an toàn, bền vững, hiệu quả.

Ông Lê Thành Vân, HTX Xoài Thịnh Thới (tỉnh Đồng Tháp) cho biết, với diện tích 25ha sản xuất xoài theo tiêu chuẩn VietGAP, cung cấp ra thị trường 20 tấn/tháng, VinEco đang thực hiện liên kết với HTX để tiêu thụ sản phẩm, hỗ trợ nông dân trong sản xuất an toàn, đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị máy móc, vốn, giống... Nếu thực hiện tốt mối liên kết này sẽ giúp HTX trong khâu tiêu thụ, kiểm soát chất lượng nông sản an toàn khi bán ra thị trường. Ngoài liên kết với DN, Nhà nước có chính sách hỗ trợ đa dạng hơn như: Tín dụng, cơ sở hạ tầng, đăng ký nhãn hiệu, chất lượng sản phẩm và truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông nghiệp cho HTX. Đồng thời, ưu tiên phát triển các DN mạnh có khả năng bảo đảm tiêu thụ nông sản bền vững, hoạt động trong lĩnh vực rau, quả thúc đẩy liên kết nông dân trong lĩnh vực này - ông Lê Thành Vân đề xuất.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho biết, liên kết giữa DN và nông dân hết sức quan trọng nhằm khắc phục những yếu kém của nền nông nghiệp quy mô nhỏ, hình thành vùng sản xuất lớn. Hiện VinEco hợp tác, liên kết từng bước giúp người dân tiếp cận với nền sản xuất hiện đại, ổn định đầu ra. Tuy nhiên, để kiểm soát được chất lượng, công ty cần tích cực tập huấn kỹ thuật sản xuất, kiến thức sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hướng dẫn cách ghi chép nhật ký đồng ruộng cho người dân; hỗ trợ cho hộ gia đình sản xuất về làm thủ tục đăng ký VietGAP để bảo đảm đầu ra ổn định; phải cam kết thu mua sản phẩm theo sản lượng đã ký kết hợp đồng để hai bên cùng có lợi…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết sản xuất nông sản sạch: Doanh nghiệp và nông dân cùng lợi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.