Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch: Khó khăn về vốn và quỹ đất

Ngọc Quỳnh| 09/01/2017 06:19

(HNM) - Giải pháp nào giúp các địa phương phát triển chăn nuôi theo quy hoạch, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và kiểm soát dịch bệnh, bảo đảm an toàn thực phẩm… đang là vấn đề cần tập trung giải quyết.


Với nhiều nông hộ, khó khăn lớn nhất hiện nay là thiếu vốn đầu tư để phát triển.Ảnh: Bá Hoạt.


Những khó khăn cố hữu

Để tạo đà cho chăn nuôi phát triển, ngày 25-2-2013, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định 1835/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch phát triển chăn nuôi thành phố đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Quy hoạch nâng cấp, mở rộng quy mô, xây dựng mới một số khu chăn nuôi tập trung ở các huyện Ba Vì, Chương Mỹ, Thường Tín, Thanh Oai, Ứng Hòa, Đan Phượng, Phúc Thọ, Quốc Oai, Thạch Thất, Mê Linh, Sóc Sơn. Ngoài ra, mỗi xã trên địa bàn thành phố đều quy hoạch từ 1 đến 2 khu chăn nuôi tập trung nhằm ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất và hình thành vùng chuyên canh đem lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội cho biết, theo quy hoạch phát triển chăn nuôi, đến nay thành phố đã hình thành 15 xã trọng điểm về chăn nuôi bò sữa, 19 xã chăn nuôi bò thịt, 13 xã chăn nuôi lợn, 29 xã chăn nuôi gia cầm với 1.637 trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư. Tuy nhiên, khảo sát thực tế ở cơ sở cho thấy, quy hoạch chăn nuôi ở một số địa phương mới chỉ dừng ở mức khoanh vùng chăn nuôi mà chưa đầu tư cơ sở hạ tầng nên hiệu quả thấp, quản lý khó khăn.

Nguyên nhân là do các dự án chăn nuôi đòi hỏi kinh phí đầu tư lớn nhưng các địa phương đều trông chờ vào ngân sách thành phố hỗ trợ nên khó thực hiện. Đối với nông hộ, việc đầu tư phát triển chăn nuôi cũng rất khó khăn do thiếu vốn, trong khi việc tiếp cận với nguồn vốn vay không nhiều. Theo ông Nguyễn Văn Hải - Chủ trang trại chăn nuôi ở xã Hữu Văn (huyện Chương Mỹ), để đầu tư xây dựng trang trại nuôi 700 con lợn, nông dân phải chi phí từ 1,5 đến 2 tỷ đồng, nhưng vay vốn ngân hàng rất khó khăn, nhiều hộ phải vay ở ngoài với lãi suất cao nên các hộ ngại đầu tư vào khu chăn nuôi tập trung.

Bên cạnh những khó khăn về vốn, vấn đề đất đai cũng đang là rào cản lớn khiến việc chăn nuôi tập trung xa khu dân cư khó thực hiện. Sau dồn điền đổi thửa, tuy một số địa phương đã dành quỹ đất cho chăn nuôi tập trung nhưng lại đối mặt với nghịch lý: Nhiều hộ có đất thì không có khả năng tài chính, không có kinh nghiệm chăn nuôi, trong khi một số hộ khác có vốn lại không có đất...

Ông Hoàng Văn Thám, Phó phòng Kinh tế huyện Chương Mỹ cho biết, trên địa bàn huyện có 7 khu chăn nuôi tập trung, trong đó huyện phê duyệt 6 khu, thành phố phê duyệt 1 khu ở xã Thanh Bình - Trung Hòa, diện tích 53ha. Tuy nhiên, các khu chăn nuôi tập trung của huyện đều gặp khó trong xây dựng cơ sở hạ tầng như: Đường mới chỉ rải đá cấp phối; hệ thống điện hầu hết chưa được đầu tư vì theo quy định của Ngành Điện mỗi khu phải có 30 trang trại trở lên mới được lắp trạm biến thế. Vì vậy, nông dân phải tự kéo đường điện từ khu dân cư ra để phục vụ sản xuất khiến nguồn điện không ổn định, chi phí cao gấp 2-3 lần, lợi nhuận thấp...

Cần đồng bộ các giải pháp

Xây dựng trang trại chăn nuôi tập trung xa khu dân cư là nhu cầu cấp thiết để kiểm soát chất lượng sản phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, việc triển khai đang gặp nhiều khó khăn vướng mắc đòi hỏi có sự tháo gỡ đồng bộ của các cấp, các ngành. Trao đổi về vấn đề này, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Huy Đăng cho rằng, trước mắt các huyện cần công khai các khu quy hoạch chăn nuôi đã được thành phố phê duyệt để người dân biết, đồng thời tăng cường công tác quản lý quy hoạch, kế hoạch phát triển chăn nuôi trên địa bàn.

Trong đó, việc tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức phát triển chăn nuôi bền vững, bảo vệ môi trường cho người chăn nuôi; khuyến khích các hộ tổ chức sản xuất theo hướng chăn nuôi trang trại, quy mô lớn, gắn với hệ thống giết mổ, chế biến công nghiệp. Các địa phương cần hướng dẫn về thủ tục đầu tư xây dựng trang trại chăn nuôi quy mô lớn để thu hút các cá nhân, tập thể có năng lực vào phát triển sản xuất.

Đối với những khu đất dành cho phát triển chăn nuôi theo quy hoạch xây dựng nông thôn mới, các địa phương cần tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ chuyển mục đích sử dụng đất để đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi. Nhà nước nên có chính sách cho những hộ có đất, không có nhu cầu chăn nuôi được phép chuyển nhượng, cho thuê, góp vốn bằng giá trị đất cho các hộ có nhu cầu chăn nuôi trong thời hạn ít nhất 20 năm. Đối với các khu đất trũng, đất quỹ 2 do cấp xã quản lý, đất trồng lúa kém hiệu quả nằm trong quy hoạch phát triển chăn nuôi, cũng cần có chính sách cho thuê lâu dài hơn (không phải 5 năm như hiện tại) để các hộ có thời gian đầu tư xây dựng trang trại và quay vòng vốn. Đây chính là những giải pháp có thể tháo gỡ rào cản về đất đai.

Thực tế, triển khai dự án chăn nuôi tập trung cần nguồn vốn lớn, vì vậy các địa phương cần làm tốt công tác xã hội hóa để mời gọi được nhiều hơn nữa nguồn vốn đầu tư và lĩnh vực này. Cần có những "tấm thảm" dành cho đầu tư theo hướng Nhà nước hỗ trợ về cơ sở hạ tầng, phần còn lại phải do huyện, xã và nhân dân cùng làm.

Đặc biệt, khi xây dựng dự án, các huyện cần nghiên cứu kỹ quy hoạch chung của thành phố để tránh chồng chéo; các sở, ngành cần đơn giản thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn về cơ chế cho các huyện. Có như vậy, việc chăn nuôi tập trung ở Hà Nội mới phát triển ổn định và bền vững.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Phát triển chăn nuôi theo quy hoạch: Khó khăn về vốn và quỹ đất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.