Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chăn nuôi bò BBB: Thiếu vốn, bí đầu ra

Ngọc Quỳnh| 20/01/2017 07:14

(HNM) - Sau gần 5 năm thực hiện dự án ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền đàn bò thịt Lai Sind thành đàn bò F1 hướng thịt trên địa bàn TP Hà Nội đã góp phần thúc đẩy Ngành Chăn nuôi theo hướng hiệu quả, bền vững. Tuy nhiên, do loay hoay tìm đầu ra cho sản phẩm và thiếu vốn đầu tư nên việc phát triển chăn nuôi bò BBB vẫn gặp khó khăn…

Chăn nuôi bò BBB.


Hiệu quả rõ rệt

Dự án trên do Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội làm chủ đầu tư được triển khai tại 7 huyện chăn nuôi trọng điểm của thành phố với quy mô 10.000 bò cái. Đến nay, số bò tham gia dự án là gần 30.000 con. Bê lai F1 BBB sinh ra khỏe mạnh, có trọng lượng từ 28 đến 32kg, tăng trung bình 1 kg/ngày. Một con bò BBB 18 tháng tuổi có thể nặng 700kg, tỷ lệ thịt đạt 63%, cho giá trị cao hơn từ 8 đến 10 triệu đồng so với bò nuôi truyền thống.

Theo đánh giá, ứng dụng kết quả nghiên cứu lai tạo giống bò BBB trên nền đàn bò thịt Lai Sind thành đàn bò F1 hướng thịt đã mang lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân Hà Nội. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai dự án gặp một số khó khăn như: Đầu ra sản phẩm không ổn định, số lượng cửa hàng bán thịt bò BBB theo chuỗi ít nên chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của nhân dân Thủ đô; nhiều người tiêu dùng chưa biết đến sản phẩm thịt bò BBB; mô hình, trang trại thu gom bê lai F1 sau cai sữa để nuôi vỗ béo đến giai đoạn giết thịt không nhiều...

Toàn huyện Ba Vì có 34.000 con bò thịt BBB, nhưng do điều kiện kinh tế hạn hẹp, nhiều hộ phải bán bò ở giai đoạn chưa trưởng thành nên hiệu quả kinh tế thấp. Bên cạnh đó, nông dân thiếu kiến thức trong chăn nuôi bò BBB, vẫn chăn thả tự nhiên, chưa đầu tư chuồng trại, thực hiện đúng quy trình chăm sóc để đạt trọng lượng tốt nhất. Ông Vũ Kim Tuyền, một trong những hộ nuôi bò BBB lớn ở xã Thuần Mỹ (Ba Vì) cho biết, chăn nuôi bò BBB cho hiệu quả kinh tế cao, nhưng nông dân khó khăn về vốn đầu tư. Chi phí để mua một con bò giống là từ 20 đến 30 triệu đồng, trong khi các hộ dân đều gặp khó khăn khi tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi của ngân hàng để mở rộng sản xuất. Vì vậy, mỗi hộ chỉ nuôi từ 1 đến 2 con, nên khi bê lai F1 sinh ra phải bán "non" để thu hồi vốn.

Giải "bài toán" phát triển bền vững


Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển chăn nuôi bò BBB bền vững, nâng cao chất lượng, sản lượng thịt bò đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho rằng, phải tháo gỡ cho nông dân vay vốn với lãi suất ưu đãi để mở rộng sản xuất và có thể nuôi bò đến giai đoạn trưởng thành nhằm nâng cao giá trị. Đồng thời, đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến sâu rộng chính sách ưu đãi trong chăn nuôi; tổ chức đào tạo tập huấn chuyển giao kỹ thuật, đào tạo nghề chăn nuôi bò thịt chất lượng cao cho các hộ dân; tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm bò thịt BBB để người tiêu dùng biết và sử dụng.

Ngoài ra, Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội phối hợp tích cực với Trung tâm Phát triển chăn nuôi Hà Nội xây dựng chuỗi liên kết trong chăn nuôi bò thịt F1 BBB, trong đó tập trung tiêu thụ sản phẩm bê F1 BBB cho hộ dân bằng cách xây dựng các trang trại thu mua bê F1 BBB sau cai sữa (từ 4 đến 6 tháng tuổi) của nông dân để nuôi. Qua đó, giải quyết đầu ra sản phẩm bê F1 cho nông dân và tạo vùng nguyên liệu tập trung phục vụ giết mổ gia súc công nghiệp. Để làm được việc này, cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các tập thể, cá nhân tham gia xây dựng trang trại thu gom, nuôi vỗ béo bê F1 BBB. Bên cạnh đó, Công ty cổ phần Giống gia súc Hà Nội nhanh chóng hoàn thiện đăng ký thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm bò F1 BBB, hợp tác liên kết các tỉnh, thành phố lân cận để chuyển giao công nghệ chăn nuôi bò thịt BBB, từ đó xây dựng vành đai cung cấp thực phẩm thịt bò chất lượng cao cho thị trường Hà Nội.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chăn nuôi bò BBB: Thiếu vốn, bí đầu ra

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.