Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nô nức xuống đồng sản xuất vụ xuân

Hữu Hoài - Đào Huyền| 01/02/2017 07:22

(HNM) - Nhiều nông dân đã nô nức xuống đồng sản xuất vụ xuân để tận dụng nguồn nước xả từ các hồ thủy điện, bảo đảm lịch thời vụ. Khí thế lao động hối hả ở khắp mọi vùng quê của Thủ đô hứa hẹn một vụ xuân thắng lợi.

Nông dân xuống đồng cấy lúa đầu xuân tại huyện Phú Xuyên. Ảnh: Nhật Nam


Ngày hội xuống đồng

Đã quá giờ Ngọ mùng 3 Tết, nhưng trên cánh đồng các xã Đại Đồng, Lại Thượng, Cẩm Yên… (huyện Thạch Thất) vẫn còn khá đông nông dân lấy nước đổ ải, đắp bờ, dọn ruộng. Trên những thửa ruộng đã đủ nước, tiếng máy cày bừa giòn tan khiến không khí xuân càng thêm chộn rộn. Dừng tay đắp bờ, chị Nguyễn Thị Thanh (xã Đại Đồng) cho biết, tranh thủ thời tiết nắng ấm, nông dân trong xã đã khẩn trương xuống đồng bắt tay vào sản xuất từ sáng sớm mùng 3 Tết.

“Năm nay việc lấy nước đổ ải đợt 1 và đợt 2 thuận lợi hơn so với những năm trước và nước về đến đâu, người dân làm đất ngay tới đó để có thể gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ tốt nhất” - chị Thanh nói. Dừng tay phát bờ thửa ruộng, anh Nguyễn Văn Thành (xã Đại Đồng) cho hay, nhờ thực hiện tốt công tác dồn điền đổi thửa nên sản xuất nông nghiệp đỡ vất vả hơn hẳn so với những năm trước. “Tranh thủ có nước, tôi ra đắp bờ, cuốc góc trước rồi thuê máy cày làm đất” - anh Thành nói.

Dẫn chúng tôi tới cánh đồng xã Phùng Xá, Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, thực hiện chỉ đạo của thành phố, huyện Thạch Thất đã triển khai nhiệm vụ năm 2017 ngay từ ngày đầu, tháng đầu. Trong ngày mùng 3 Tết Nguyên đán đã có 7 đoàn công tác của huyện do các đồng chí trong Ban Thường vụ Huyện ủy làm Trưởng đoàn xuống cơ sở trực tiếp chỉ đạo sản xuất vụ xuân. Năm nay, toàn huyện Thạch Thất gieo cấy 4.750ha lúa xuân, trong đó, tập trung giống lúa ngắn ngày, năng suất chất lượng cao như: Bắc thơm số 7, hương thơm 1, HDT8, thiên ưu, TBR225, PC15 và lúa nếp thơm… Đến hết ngày mùng 4 Tết, toàn huyện Thạch Thất đã gieo cấy được gần 10% diện tích ven sông Tích để tránh lũ tiểu mãn.

Không còn quan niệm “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ngay sau Tết Nguyên đán, nông dân các huyện Thanh Oai, Ứng Hòa, Mỹ Đức, Hoài Đức, Đan Phượng, Sóc Sơn và thị xã Sơn Tây… cũng đã hối hả xuống đồng gieo cấy vụ xuân. Tại huyện Ba Vì, không khí xuống đồng đầu năm giống như ngày hội. Trên cánh đồng xã Khánh Thượng, bà Nguyễn Thị Mùi cho biết: Năm nay thời tiết nắng ấm, do vậy nhân dân ở đây đã làm đất đổ ải từ trước Tết Nguyên đán. Không riêng Khánh Thượng, khắp cánh đồng các xã Vạn Thắng, Tản Lĩnh, Tòng Bạt, Phú Sơn… nông dân đồng loạt vệ sinh đồng ruộng, nhổ mạ, gieo cấy lúa trà xuân sớm để tránh lũ tiểu mãn. Ông Hứa Bá Trình, Phòng Kinh tế huyện Ba Vì cho biết, vụ xuân này Ba Vì gieo cấy 6.500ha lúa. Ước đến hết mùng 4 Tết, toàn huyện gieo cấy được 1.100ha; 100% diện tích gieo cấy đã làm đất đổ ải...

Xuôi xuống huyện Chương Mỹ, không khí ra quân sản xuất đầu năm khá sôi động. Ông Lâm Văn Hộ, thôn Núi Bé, xã Nam Phương Tiến cho hay, sau Tết Nguyên đán, nhân dân địa phương đã cải tạo vườn tạp trồng bưởi Diễn, còn ở ngoài đồng, nhiều hộ gia đình đã trồng rau, ngô và gieo cấy lúa xuân. Phó Chủ tịch UBND xã Nam Phương Tiến Nguyễn Chiến Thắng cho biết: Đã trở thành thông lệ, cứ mùng 3 Tết, nhân dân địa phương nô nức xuống đồng khai xuân vào vụ sản xuất mới. Vụ xuân năm nay, Nam Phương Tiến gieo trồng gần 703ha, trong đó, 415,8ha lúa, còn lại là hoa màu và diện tích trồng cây ăn quả.

Bảo đảm nước đổ ải, tuân thủ khung thời vụ

Nông dân xuống đồng cấy lúa xuân. Ảnh: Bá Hoạt.


Vụ xuân năm nay, Hà Nội gieo trồng gần 122.000ha, trong đó: Diện tích lúa xuân 99.640ha, còn lại là các loại cây trồng khác. Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, do mấy ngày trước và sau Tết Nguyên đán Đinh Dậu trùng thời điểm các hồ thủy điện xả nước đợt 2 diễn ra từ ngày 23-1 đến 26-1 và đợt 3 từ ngày 6-2 đến 13-2, do vậy, để bảo đảm đầy đủ nước phục vụ sản xuất, Sở NN&PTNT đã đề nghị doanh nghiệp thủy lợi của thành phố và các huyện, thị xã vận hành tối đa trạm bơm cố định, dã chiến trong thời gian hồ thủy điện xả nước để bơm nước vào đồng ruộng, đồng thời trữ trong ao hồ, kênh tưới, khu vực đồng trũng; vận động, tuyên truyền nhân dân giữ nước trong đồng, làm đất để bảo đảm diện tích đủ nước theo kế hoạch.

Thông tin từ các doanh nghiệp thủy lợi của thành phố, ước đến chiều 31-1 (mùng 4 Tết), khoảng 90% diện tích gieo cấy vụ xuân của Hà Nội đã có đủ nước đổ ải. Một số huyện có diện tích đổ ải đạt 100% như: Ba Vì, Thạch Thất, Mỹ Đức, thị xã Sơn Tây... Diện tích đã gieo cấy lúa xuân toàn thành phố ước đạt 2,5%.


Cùng với các địa phương khác, ngay trong những ngày Tết, nông dân huyện Phú Xuyên đã xuống đồng chăm sóc mạ, hoàn thành khâu làm đất, gieo cấy lúa nhằm bảo đảm lịch thời vụ theo hướng dẫn của Ngành Nông nghiệp Hà Nội. Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa cho biết, trước đây, nông dân huyện Phú Xuyên sản xuất nông nghiệp khá vất vả, kể từ khi thực hiện Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2010-2015, tập quán canh tác cũ đã dần thay đổi. Đơn cử như việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp, vụ xuân năm nay 100% diện tích gieo cấy của huyện được làm đất bằng máy; 60% diện tích cấy lúa sẽ được gặt bằng máy; toàn huyện có 148 máy cấy và 3 dây chuyền gieo mạ khay tự động… Sự đổi mới trong chỉ đạo, định hướng của huyện đã đem lại ưu thế vượt trội trong sản xuất, góp phần bảo đảm gieo cấy lúa xuân trong khung thời vụ.

Theo dự báo, vụ xuân năm nay nắng ấm kéo dài, ít ngày rét, bởi vậy, cùng với chuẩn bị đầy đủ vật tư, phân bón, đôn đốc nhân dân đẩy nhanh tiến độ sản xuất, sau Tết Nguyên đán huyện Mỹ Đức đã thành lập các đoàn công tác thăm đồng, kiểm tra dự tính, dự báo phòng trừ sâu bệnh, chăm sóc lúa xuân. Trưởng phòng kinh tế huyện Mỹ Đức Lê Hải Hồng cho biết, các xã, thị trấn trên địa bàn huyện cam kết tuân thủ thực hiện đúng khung thời vụ: Gieo cấy sau tiết lập xuân, tập trung từ ngày 5-2 đến hết tháng 2; gieo sạ từ ngày 15 đến 25-2. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nô nức xuống đồng sản xuất vụ xuân

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.