Theo dõi Báo Hànộimới trên

TP Hồ Chí Minh: Hoàn thiện hạ tầng để chống ùn tắc

Hà Phạm| 03/02/2017 07:15

(HNM) - Năm 2017, TP Hồ Chí Minh tiếp tục chủ động kêu gọi đầu tư bằng nhiều hình thức để xây dựng và hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm kéo giảm tình trạng ùn tắc, xa hơn nữa là xây dựng một thành phố thông minh và đáng sống.

Trước mắt, tổ chức giao thông theo khu vực

Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh thông tin, năm nay thành phố sẽ huy động mọi nguồn lực để làm 80 công trình giao thông. Trong đó có 50 dự án đầu tư bằng ngân sách thành phố với số tiền 8.417 tỷ đồng. Còn lại, 3 dự án đầu tư bằng vốn ngân sách trung ương 9.253 tỷ đồng; 3 dự án sử dụng vốn ODA với số tiền 9.440 tỷ đồng và 24 dự án được làm với hình thức hợp tác công tư (PPP) có số vốn 12.153 tỷ đồng. TP Hồ Chí Minh sẽ tập trung hoàn tất các thủ tục đầu tư để đẩy nhanh tiến độ và khởi công các công trình chống ùn tắc tại khu vực Sân bay Tân Sơn Nhất, Cảng Cát Lái, xây dựng nhiều dự án cầu vượt, hầm chui, các dự án giao thông đường thủy nhằm giảm tải cho đường bộ, di dời bến xe ra ngoại thành để giải bài toán kẹt xe, quá tải về mặt hạ tầng trên địa bàn và các cửa ngõ thành phố.

TP Hồ Chí Minh sẽ gấp rút hoàn thiện hạ tầng giao thông nhằm từng bước giảm tình trạng ùn tắc.
Ảnh: Hà Tuấn



TP Hồ Chí Minh cũng sẽ triển khai xây dựng các tuyến đường kết nối TP Hồ Chí Minh với các tỉnh lân cận như Long An, Tiền Giang và đi các tỉnh miền Tây Nam Bộ vừa tạo sự kết nối liên hoàn, thuận lợi trong việc đi lại, giảm tải hạ tầng giao thông đô thị, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội vùng.

Theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, trong khi chờ hoàn thiện các công trình trên, trước mắt Sở sẽ tổ chức giao thông theo khu vực, chấn chỉnh việc đậu xe ở khu vực trung tâm thành phố và phân luồng giao thông hợp lý để chống kẹt xe. Bên cạnh đó sẽ nghiên cứu nhắn tin thông báo các điểm kẹt xe đến người dân và bố trí lệch ca, lệch giờ làm. Đồng thời, Sở sẽ rà soát và phối hợp với Công an TP Hồ Chí Minh tập trung giải quyết ùn tắc giao thông tại các điểm nóng. Bên cạnh đó, Sở cũng bảo đảm đúng tiến độ và đưa vào sử dụng các công trình hạ tầng giao thông theo đúng kế hoạch đề ra. Cụ thể, Sở vừa đưa vào sử dụng 2 công trình giao thông quan trọng là cầu vượt ngã tư Gò Mây và cầu vượt nút giao ngã sáu Gò Vấp để giảm ùn tắc ở 2 điểm nóng kẹt xe là quận Bình Tân và Gò Vấp.

Xây dựng thành phố đáng sống


Cùng với việc thực hiện các giải pháp trên, TP Hồ Chí Minh cũng đã đưa vào sử dụng Cổng thông tin giao thông TP Hồ Chí Minh hoạt động 24/7 và cung cấp 4 nhóm thông tin cơ bản về các sự cố hạ tầng cũng như hiện trạng giao thông. Điều đáng nói, Cổng thông tin này cung cấp thông tin tình trạng giao thông theo thời gian như: Mật độ giao thông, tốc độ lưu thông, hình ảnh giao thông trực tuyến qua hệ thống hơn 300 camera giao thông trên địa bàn, các thông tin cảnh báo khu vực đang xảy ra ùn tắc, các vị trí tổ chức phân luồng giao thông nhằm giúp người dân và doanh nghiệp có thông tin một cách trực quan và chính xác để lựa chọn lộ trình di chuyển phù hợp.

Sở GT-VT đang phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch triển khai chương trình giảm ùn tắc và tai nạn giao thông giai đoạn 2016-2020. Đồng thời, Sở GT-VT tiếp tục phối hợp Viện Nghiên cứu phát triển thành phố và các đơn vị liên quan xây dựng lộ trình, giải pháp khả thi hạn chế dần phương tiện giao thông cá nhân gắn với phát triển mạnh vận tải hành khách công cộng, kết hợp với kiểm soát phương tiện cá nhân tham gia giao thông trên địa bàn thành phố.

Theo Tiến sĩ Phạm Sanh, chuyên gia quy hoạch hạ tầng giao thông đô thị, để tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 1% thì tốc độ đầu tư cơ sở hạ tầng phải đạt 2%. Trong khi nguồn vốn ngân sách ngày càng hạn hẹp, TP Hồ Chí Minh cần có nhiều giải pháp để đẩy mạnh hơn việc huy động nguồn vốn xã hội hóa. Cũng theo ông Bùi Xuân Cường, Giám đốc Sở GT-VT TP Hồ Chí Minh, hầu hết các dự án cầu đường lớn triển khai trong thời gian tới đều huy động nguồn vốn xã hội hóa. Sở sẽ lựa chọn những nhà đầu tư đủ năng lực để đầu tư những công trình mang tính hiệu quả cao, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông, hướng đến mục tiêu xây dựng TP Hồ Chí Minh trở thành một thành phố đáng sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
TP Hồ Chí Minh: Hoàn thiện hạ tầng để chống ùn tắc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.