Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng chứng kiến lễ trao và ký hơn 23.000 tỷ đồng đầu tư vào Tuyên Quang

Theo Chinhphu.vn| 27/02/2017 14:32

Tại hội nghị xúc tiến đầu tư, thương mại, du lịch ở Tuyên Quang, Thủ tướng đã chứng kiến đại diện tỉnh và các nhà đầu tư ký cam kết thỏa thuận đầu tư 6 dự án với tổng mức vốn trên 18.600 tỉ đồng cũng như lãnh đạo tỉnh trao chủ trương đầu tư cho 6 nhà đầu tư với tổng vốn 3.700 tỉ đồng.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, lãnh đạo một số bộ, ngành, địa phương và các nhà đầu tư đã tham dự.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng cho biết hôm qua (26-2), Thủ tướng và đoàn công tác Chính phủ đã có cuộc làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh, tại đó, đã giải quyết 10 kiến nghị của tỉnh, trong đó có kiến nghị lớn nhất là xây dựng đường cao tốc từ Phú Thọ tới Tuyên Quang dài 40 km, nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Trên cơ sơ đó, tại hội nghị xúc tiến hôm nay, sẽ thu hút doanh nghiệp tham gia đầu tư theo hình thức hợp tác công-tư (PPP).

“Tôi hoan nghênh các nhà đầu tư, trong đó có nhiều nhà đầu tư tên tuổi trong nước và quốc tế có nhiều tiềm năng tài chính, kỹ thuật vì lợi ích quốc gia, lợi ích địa phương Tuyên Quang và vì lợi ích của đơn vị mình đã lên đây, nơi Thủ đô kháng chiến, để tham gia làm ăn, đầu tư”, Thủ tướng nói và chỉ ra nhiều tiềm năng, lợi thế so sánh của Tuyên Quang. Đó là giàu truyền thống văn hóa, đất rộng và tốt, nguồn nước phong phú.

Đặc biệt, tỉnh có nhiều lợi thế mềm như có nhiều đổi mới, cầu thị, chịu khó, có quyết tâm, khát vọng lớn để phát triển; nguồn nhân lực được quan tâm. Các điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” đối với quê hương cách mạng đã thể hiện rõ.

Bên cạnh đó, nông nghiệp hữu cơ, kinh tế lâm nghiệp, cụ thể là nghề rừng, trồng dược liệu, du lịch, dịch vụ cùng với năng lượng tái tạo và trên 200 điểm khoáng sản là những thế mạnh của Tuyên Quang mà các nhà đầu tư có thể tìm hiểu, khai thác.

Mặc dù có nhiều tiềm năng nhưng do hoàn cảnh khách quan, đặc biệt là hạ tầng cứng, nhất là giao thông, cùng với tổ chức quản lý ở địa phương, trình độ dân trí nên Tuyên Quang còn là tỉnh nghèo, thu nhập còn thấp, chưa tận dụng được tiềm năng, thế mạnh.

Thủ tướng chứng kiến lễ ký kết hợp tác đầu tư giữa tỉnh Tuyên Quang và các doanh nghiệp.
Ảnh: VGP/Quang Hiếu.


Vậy Tuyên Quang cần làm gì để đầu tư phát triển, Thủ tướng đặt vấn đề và cho rằng, trước hết, trong nhận thức, phải xã hội hóa mạnh mẽ, đặc biệt là đầu tư tư nhân, kể cả đầu tư hạ tầng (hạ tầng kinh tế và xã hội). “Trước đây, chúng ta hay nói về đầu tư Nhà nước nhưng Nhà nước không có nguồn lực nhiều. Kinh tế tư nhân là động lực phát triển của kinh tế Việt Nam. Chúng ta phải vận dụng điều này”, Thủ tướng nói và đặt ra nhiều câu hỏi cho công tác quản lý cũng như đầu tư ở Tuyên Quang như có bao nhiêu lâm trường ở Tuyên Quang? Rừng và đất rừng là thế mạnh của tỉnh, vậy đã phát huy hiệu quả nghề rừng đến đâu? Năng suất, thâm canh trồng rừng đến đâu để cung cấp nguyên liệu gỗ chế biến?...

Thủ tướng cho rằng tỉnh cần có quy hoạch tốt, tránh mâu thuẫn trong phát triển. Giữ môi trường sống, xanh, sạch. Tỉnh cần tiếp tục cải cách, đổi mới mạnh mẽ, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính cho môi trường đầu tư kinh doanh tốt nhất “để làm sao đến Tuyên Quang là không khí phấn khởi làm ăn thuận lợi”. Tỉnh cần đầu tư, phát triển nguồn nhân lực ở địa phương. Bảo đảm quyền lợi lâu dài cho doanh nghiệp với tinh thần hai bên cùng có lợi, cùng thắng.

Đối với doanh nghiệp, Thủ tướng mong muốn nên có chiến lược kinh doanh lâu dài, có tầm nhìn doanh nghiệp, từ chất lượng, hiệu quả, có chuỗi giá trị trong nước, toàn cầu.

Lưu ý doanh nghiệp đối xử đúng mức với người lao động, Thủ tướng đề nghị tạo môi trường sống tốt, nhân văn, chan hòa, tái sản xuất sức lao động cho công nhân. “Hôm qua tôi thăm nhà máy mới ở Tuyên Quang. Các đồng chí làm trong 7 tháng thì xong, giải quyết việc làm cho 1.200 lao động là rất đáng mừng. Tôi có trao đổi nhiều thứ nhưng tôi có hỏi bếp ăn tập thể ở đây liệu có xảy ra mất an toàn thực phẩm cho công nhân hay không?”, Thủ tướng cho biết. “Đừng để mức lương quá thấp, ví dụ có doanh nghiệp trả 2 triệu đồng đến 2 triệu rưỡi 1 tháng thì công nhân làm sao sống được trong bối cảnh thị trường hiện nay”.

Một điều nữa Thủ tướng nhắn nhủ các doanh nghiệp là “nói và làm”, thực hiện đúng các cam kết đầu tư. Bên cạnh đó, phải chú ý bảo vệ môi trường, nhất là đối với một số ngành nghề có nguy cơ gây ô nhiễm khi Tuyên Quang là đầu nguồn nước của lưu vực đồng bằng, thủ đô Hà Nội.

Về việc Chính phủ làm gì để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư, Thủ tướng khẳng định kiên trì xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, tạo mọi điều kiện cho người dân và doanh nghiệp, trong đó có việc bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ quyền tài sản của người dân theo Hiến pháp.

Chính phủ tạo môi trường tốt cho kinh doanh, minh bạch trong quản lý, điều hành chính sách theo tín hiệu thị trường, tạo môi trường bình đẳng trong cạnh tranh. Cải cách mạnh mẽ hơn, đổi mới hơn nữa. Giữ vững kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, giữ vững các cân đối lớn của nền kinh tế, ổn định giá trị đồng tiền.

Nhấn mạnh bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, Thủ tướng nói: "Tôi hiểu nhà đầu tư đã bỏ tiền, bỏ của, bỏ sức lực vào đầu tư, nhất là ở những vùng khó khăn thế này thì mình cần quan tâm hơn, để các nhà đầu tư yên tâm làm ăn lâu dài. Chính sách phải theo hướng bền vững đó, chứ không phải chính sách sớm nắng chiều mưa”.

Thủ tướng khẳng định sẽ tiếp tục xây dựng cơ chế, thể chế, chính sách tốt hơn, mang tính thị trường hơn, hội nhập quốc tế sâu rộng hơn trong các lĩnh vực là thế mạnh của Việt Nam.

Chính phủ cũng sẽ giữ vững môi trường hòa bình, hữu nghị, thân thiện với mọi quốc gia trên cơ sở giữ vững độc lập, tự chủ, toàn vẹn chủ quyền.

Trong khó khăn, Chính phủ tiếp tục dành nguồn lực với các hình thức khác nhau để phát triển mạnh mẽ hạ tầng, gồm hạ tầng cứng và hạ tầng mềm để tạo điều kiện cho phát triển, trong đó có tuyến cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ nối với cao tốc Nội Bài-Lào Cai, Thủ tướng nói.

Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Chính phủ, lãnh đạo tỉnh Tuyên Quang đã trao chủ trương đầu tư cho 6 nhà đầu tư, đầu tư vào các dự án du lịch nghỉ dưỡng, chăn nuôi, chế biến gỗ… với tổng vốn 3.700 tỉ đồng. Đại diện tỉnh Tuyên Quang và các nhà đầu tư đã ký cam kết thỏa thuận đầu tư 6 dự án với tổng mức vốn trên 18.600 tỉ đồng trong lĩnh vực sản xuất giấy, chế biến gỗ, thủy điện, thể thao…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng chứng kiến lễ trao và ký hơn 23.000 tỷ đồng đầu tư vào Tuyên Quang

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.