Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Những bất cập cần sớm giải quyết

Kim Nhuệ - Hương Ly| 01/03/2017 06:23

(HNM) - Nhiều khu dân cư, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực đất bãi ven sông, đặc biệt là ở khu vực nội thành Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được chấp thuận đầu tư, xây dựng mới khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn.

Bài đầu: Những bất cập cần sớm giải quyết

Nhiều khu dân cư, cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực đất bãi ven sông, đặc biệt là ở khu vực nội thành Hà Nội đã xuống cấp nghiêm trọng nhưng không được chấp thuận đầu tư, xây dựng mới khiến đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Đây là những bất cập cần sớm có hướng giải quyết, nhất là khi nhiều năm qua không xuất hiện lũ lớn.


Thực hiện tốt công tác quy hoạch, quản lý, tình trạng lộn xộn khu vực đất bãi sẽ từng bước được hạn chế. Ảnh: Anh Tuấn


Vướng quy hoạch, dân sinh bức xúc

Do lịch sử hình thành khu dân cư và phát triển hệ thống đê điều nên hiện nay nhiều xã, phường, thị trấn của TP Hà Nội có địa giới hành chính nằm ở các bãi ven sông, đặc biệt là các khu vực thuộc quận Hoàn Kiếm, Ba Đình, Tây Hồ… Vì nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng, nhiều nơi thuộc các xã, phường thuộc khu vực di dời (theo quy hoạch phòng, chống lũ trước đây) nên gặp nhiều khó khăn trong xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội, chỉnh trang đô thị…

Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Phạm Tuấn Long cho biết, khu vực ngoài đê thuộc địa bàn quận Hoàn Kiếm có phường Chương Dương và Phúc Tân. Trong đó, một phần của hai phường nằm trong hành lang thoát lũ sông Hồng. Tại đây, mật độ dân cư ngày càng cao trong khi chất lượng nhà ở ngày càng xuống cấp, trong đó có 11 ngôi nhà gỗ đã xuống cấp nghiêm trọng. Cư dân sinh sống ở khu vực ngoài đê đang gặp nhiều khó khăn trong cải tạo, sửa chữa nhà ở… Tại số 11 phố Vọng Hà (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) có một dãy nhà bằng vật liệu tạm như gỗ, ván, mái tôn… là nơi sinh sống của hơn 10 hộ gia đình. Theo phản ánh của người dân, khu nhà đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, diện tích quá chật hẹp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao nhưng không được phép xây mới. Trên thực tế, khu nhà này đã từng nhiều lần xảy ra hỏa hoạn nhưng do điều kiện kinh tế khó khăn nên các hộ vẫn phải bám trụ sinh sống…

Được biết, hiện, khu vực phường Phúc Tân có 18.971 người sinh sống, còn phường Chương Dương có 26.698 người - phường có số lượng dân cư lớn nhất quận Hoàn Kiếm. Do nhu cầu nhà ở ngày càng cao nên từ hàng chục năm trước, khu vực ngoài đê sông Hồng nhanh chóng trở thành nơi trú ngụ của cư dân nhiều nơi đổ về. Nhiều khu tập thể của các cơ quan cũng được xây dựng tại phường Chương Dương. Tuy nhiên, vì là khu vực ngoài đê nên đến nay, việc cấp giấy phép xây dựng vẫn phải tuân thủ các quy định chuyên ngành, nhất là quy định về hành lang thoát lũ sông Hồng. Nhiều nhà ở xuống cấp phải xây dựng lại nhưng chỉ được cấp giấy phép có thời hạn và việc xây dựng lại nhà ở phải dựa trên cơ sở nguyên trạng, gây không ít khó khăn cho người dân. Đối với các công trình lớn, chẳng hạn như cải tạo, xây dựng lại nhà tập thể cũ, bên cạnh giấy phép xây dựng phải xin ý kiến của các bộ, ngành liên quan; và vì ngoài đê nên không được xây dựng tầng hầm.

Một số khu vực đất bãi ở ngoại thành Hà Nội cũng trong tình trạng tương tự. Những bất cập trong quy hoạch, sử dụng đất bãi không chỉ gây khó khăn trong phát triển cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế - xã hội phục vụ dân sinh mà còn khó cho cả công tác quản lý công trình đê điều.

Cần khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả


Nhận xét về tiềm năng của khu vực ngoài đê hai bên sông Hồng, kiến trúc sư Trần Ngọc Chính, nguyên Thứ trưởng Bộ Xây dựng đánh giá: Đây là trục cảnh quan, không gian quan trọng trong bố cục quy hoạch Hà Nội. Trước đây cần phân lũ, nên phải dành đất bãi làm hành lang thoát lũ. Hiện đã có 3 nhà máy thủy điện, lũ lớn không còn, quỹ đất bãi rộng hai bên sông cần được khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả. Nhìn sang các đô thị trên thế giới, nếu có sông chảy qua, họ đều quy hoạch, bảo tồn, tôn tạo cảnh quan rất đẹp. Vì thế, Hà Nội cần triển khai mạnh mẽ hơn với ý tưởng quy hoạch, khai thác những lợi thế của sông Hồng để phát triển kinh tế cũng như thay đổi diện mạo cho Thủ đô.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch đô thị Hà Nội cũng cho rằng: Không có đồ án quy hoạch phân khu đô thị thì sẽ khó thực hiện được các dự án hay quản lý, khai thác khu vực này. Khi lập đồ án quy hoạch phân khu, phải xác định rõ mục tiêu: Điều chỉnh thành công viên, vườn hoa cây xanh hay là xây dựng khu dân cư. Nên tham vấn ý kiến cộng đồng, bởi đây là khu vực sinh sống tương đối ổn định của hàng vạn hộ dân. Nếu muốn khai thác chỉ nên quy hoạch là trục cảnh quan theo Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô năm 2011.

Đây là những ý kiến đáng để các cơ quan chức năng xem xét, nghiên cứu. Trên thực tế là đã có hàng vạn hộ dân sinh sống ổn định và không thể chấp nhận một "bộ mặt" đô thị nhếch nhác. Thẳng thắn nhìn nhận, dù vi phạm Luật Đê điều nhưng không thể phủ nhận khu vực bãi đá sông Hồng (thuộc địa bàn phường Nhật Tân, quận Tây Hồ) là điểm du lịch được nhiều người ưa thích. Theo Hạt trưởng Hạt Quản lý đê số 2 Nguyễn Công Hùng, nếu giao đất và trách nhiệm cụ thể cho tập thể, cá nhân quản lý thì việc chống đổ trộm phế thải xuống lòng sông sẽ hiệu quả hơn so với hiện nay. Khi đó, vẫn bảo đảm thoát lũ thiết kế mà tạo được cảnh quan đẹp, đáp ứng nhu cầu dân sinh…

TP Hà Nội có hai hệ thống sông chính với 7 dòng chảy qua. Chạy dọc các sông, hệ thống đê điều của Hà Nội hiện có 626,124km, đi qua địa bàn 224 xã, phường, thị trấn thuộc 26 quận, huyện, thị xã. Toàn thành phố có 251 khu dân cư, với 6.744 hộ dân, tương ứng 30.177 nhân khẩu đang sinh sống trong phạm vi bảo vệ đê điều.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Những bất cập cần sớm giải quyết

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.