Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bảo hiểm tiền gửi ở mức 75 triệu đồng: Có bảo đảm quyền lợi người gửi tiền?

Hương Thủy| 07/03/2017 15:10

(HNMO) - Dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về hạn mức trả tiền bảo hiểm đã nâng số tiền bảo hiểm chi trả cho tất cả các khoản tiền gửi (gồm cả gốc và lãi) của một cá nhân tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lên tối đa 75 triệu đồng, tăng 50% so với hiện tại. Tuy nhiên, hạn mức này đã thực sự hợp lý và bảo đảm quyền lợi người gửi tiền?


So với hiện tại, mức bảo hiểm tiền gửi trong dự thảo tăng 25 triệu đồng, tương đương 50%. Trước đó, mức bảo hiểm tiền gửi (BHTG) là 30 triệu đồng được áp dụng vào năm 1999, đến năm 2005 được nâng lên 50 triệu đồng và duy trì cho đến nay. Như vậy, mức BHTG đã được điều chỉnh theo hướng  ngày càng tăng lên. Tuy nhiên, mức trên đã thực sự hợp lý và bảo đảm quyền lợi người gửi tiền?


(ảnh minh họa, nguồn: Internet)


Trong dự thảo được đăng tải, Ngân hàng Nhà nước không nêu lý do đưa hạn mức BHTG ở mức trên. Tuy nhiên, chuyên gia tài chính-ngân hàng Cấn Văn Lực cho rằng, hạn mức BHTG tối đa 75 triệu đồng là tương đối thấp.

“Từ năm 2005, mức BHTG tối đa 50 triệu đồng đã được áp dụng và duy trì cho đến thời điểm này. So với mức độ trượt giá trong hơn 10 năm qua, BHTG được nâng lên mức 75 triệu đồng vẫn thấp”, chuyên gia này nói.

Theo chuyên gia này, thông thường, nhiều nước thực hiện trả BHTG gấp 4-5 lần thu nhập bình quân đầu người. Tại Việt Nam, thu nhập bình quân đầu người là khoảng 2.200 USD (khoảng 45 triệu đồng) thì mức BHTG phải là 200 triệu đồng.

"Tất nhiên, Việt Nam có khó khăn về lượng vốn để có thể bổ sung cho quỹ BHTG nhưng mức BHTG thấp thì cũng phải là khoảng 150 triệu đồng, tức gấp hơn 3 lần thu nhập bình quân đầu người”, chuyên gia Cấn Văn Lực nói tiếp.

Nếu hạn mức trả BHTG quá thấp sẽ không bảo đảm quyền lợi người gửi tiền và không tạo được niềm tin của người gửi tiền với hệ thống BHTG. Ngoài ra, mức bảo hiểm trên là dành cho một cá nhân tại một tổ chức tín dụng, nếu hạn mức trả bảo hiểm thấp sẽ dẫn đến hệ lụy là người dân chia nhỏ sổ tiết kiệm để gửi ở các ngân hàng khác nhau nhằm tránh bị thiệt nếu ngân hàng không thể chi trả. Điều này sẽ khiến việc quản lý tiền gửi của người dân trở nên phức tạp, phiền toái hơn.

Đồng quan điểm trên, chuyên gia Nguyễn Trí Hiếu cho hay, hạn mức BHTG được đưa ra thường dựa vào thu nhập bình quân của một quốc gia. Chẳng hạn ở Mỹ, thu nhập bình quân đầu người là 50.000 USD, hạn mức BHTG là 250.000 USD, tức gấp 5 lần thu nhập bình quân đầu người. Còn ở Việt Nam, với mức thu nhập hiện tại, hạn mức BHTG phải là 200 triệu đồng mới phù hợp.

Chuyên gia này nhấn mạnh, thời điểm hiện nay, mức BHTG được nâng lên 75 triệu đồng hay 100 triệu đồng có lẽ không được nhiều người gửi tiền quan tâm vì các ngân hàng thương mại đang được Ngân hàng Nhà nước bảo hộ. Chỉ khi nào hệ thống ngân hàng đi vào nền kinh tế thị trường thực thụ, tức cho phép ngân hàng yếu kém phá sản, hay nói cách khác là ngân hàng nào thực sự yếu kém sẽ bị loại khỏi thị trường, thì lúc đó BHTG mới đặc biệt quan trọng và được nhiều người quan tâm. Lúc đó, Bảo hiểm Tiền gửi Việt Nam (DIV) phải có chức năng thanh tra, giám sát ngân hàng vì đây là đơn vị “đứng mũi chịu sào”, nghĩa là nếu ngân hàng nào không thể chi trả, DIV sẽ đứng ra bồi thường cho khách hàng của ngân hàng đó, rủi ro được đẩy về phía DIV. Vì là đơn vị lĩnh rủi ro, DIV phải có chức năng giám sát, thanh tra ngân hàng. Bên cạnh đó, việc tăng vốn của DIV khi tăng hạn mức BHTG là cần thiết.

Liên quan đến quỹ BHTG, chuyên gia Cấn Văn Lực cho rằng, Nhà nước cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để nâng cao vai trò của BHTG với ngân hàng tái cơ cấu, ngân hàng gặp khó khăn. Ngoài ra, việc đa dạng hóa để huy động vốn cho quỹ BHTG cũng nên được tính đến. Trước mắt, phải thực hiện thu phí BHTG của các ngân hàng thương mại trên cơ sở mức độ rủi ro của mỗi ngân hàng, tức là ngân hàng nào rủi ro thấp thì đóng phí thấp và ngược lại, không thể cào bằng như hiện nay. Ngoài ra, cơ quan chức năng có thể cho phép DIV được trích một phần tiền nhàn rỗi đầu tư để sinh lời.

“Đầu tư vào đâu là do Ngân hàng Nhà nước quyết định, chẳng hạn như đầu tư vào trái phiếu Chính phủ sẽ an toàn hơn”, chuyên gia Cấn Văn Lực gợi mở.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bảo hiểm tiền gửi ở mức 75 triệu đồng: Có bảo đảm quyền lợi người gửi tiền?

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.