Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tràn lan vi phạm đê điều ở Thường Tín

Ánh Dương| 09/03/2017 07:35

(HNM) - Tình trạng vi phạm Luật Đê điều những năm gần đây tại địa bàn các xã Ninh Sở, Hồng Vân, Vạn Điểm, Thống Nhất (huyện Thường Tín) là rất nghiêm trọng, nhưng việc xử lý của chính quyền địa phương và cơ quan chức năng còn thiếu kiên quyết, gây bức xúc trong dư luận…


Thực hiện chỉ đạo của UBND thành phố, tháng 10-2015, UBND huyện Thường Tín đã kiểm tra hoạt động khai thác, lập bãi chứa, trung chuyển vật liệu xây dựng (VLXD) trên địa bàn huyện, phát hiện trong số 14 bãi chứa, trung chuyển VLXD của 8 tổ chức và 6 cá nhân ở 4 xã: Ninh Sở, Hồng Vân, Thống Nhất, Vạn Điểm, thì có tới 7 bãi không được Nhà nước giao, cho thuê đất, hoạt động không phép.

Bãi chứa VLXD của Công ty Hoàng Gia và các công ty liên doanh trên địa phận xã Vạn Điểm.


Tại xã Ninh Sở, có 3 bến bãi trung chuyển VLXD giáp sông Hồng thì tất cả đều không có quyết định giao đất, cho thuê đất của cấp có thẩm quyền, không có thủ tục pháp lý về lĩnh vực bảo vệ môi trường, không có giấy phép hoạt động bến thủy nội địa để bốc dỡ hàng hóa và khu đất đang sử dụng không nằm trong quy hoạch. Cụ thể, trường hợp ông Đinh Văn Cuông thuê 0,288ha đất của UBND xã Ninh Sở và 0,372ha đất nông nghiệp của một số hộ dân, sau đó tự ý chuyển mục đích sử dụng đất (SDĐ) để đầu tư hoạt động bến bãi trung chuyển VLXD (cát vàng, cát đen) ven sông Hồng thuộc địa phận thôn Đại Lộ. Tương tự, bà Nguyễn Thị Hệ và ông Đỗ Như Nhập cũng tự ý sử dụng phần diện tích nhận khoán của Công ty CP Cơ khí và Xây dựng số 10 Thăng Long để kinh doanh VLXD bãi ven sông Hồng.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Quốc Bảo, Chủ tịch UBND xã Ninh Sở, cho biết: Sau thời điểm kiểm tra, bãi VLXD của ông Nhập đã ngừng hoạt động. Riêng bãi VLXD của bà Hệ, vừa di dời hết đã lại mua trữ thêm cát vàng để kinh doanh. Bức xúc trước việc làm của doanh nghiệp, người dân thôn Đại Lộ không cho xe vận chuyển cát đi qua đường giao thông do trước đây dân tự đóng góp xây dựng…

Ở thôn Xâm Xuyên, xã Hồng Vân (ven sông Hồng), trong số 6 tổ chức hoạt động bến bãi trung chuyển VLXD chỉ có 3 đơn vị được cấp phép. Nhưng ngoài diện tích đất được cấp có thẩm quyền giao, các trường hợp hoạt động bến bãi trung chuyển VLXD đều vi phạm quy định về nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp và tự ý chuyển mục đích SDĐ, lấn chiếm đất như: Công ty TNHH MTV Công nghiệp xây dựng và Phát triển thương mại Đức Anh, lấn chiếm 5.951m2 đất bãi ven sông; nhận chuyển nhượng và tự ý chuyển mục đích 5.000m2 đất nông nghiệp để làm bãi chứa VLXD. Ngoài ra còn có doanh nghiệp tư nhân Đồng Hằng, Công ty CP Chí Quang, Công ty TNHH Vận tải hàng hóa Hồng Vân, HTX Vận tải thủy Liên Hồng cũng có các vi phạm tương tự. Tại xã Vạn Điểm và Thống Nhất, có 6 tổ chức, cá nhân hoạt động bến bãi trung chuyển VLXD trên cơ sở nhận chuyển nhượng, ủy quyền SDĐ. Những bãi chứa VLXD này đều hoạt động không phép.

Từ những vi phạm trên cho thấy, công tác quản lý đất đai của UBND cấp xã và việc xử lý vi phạm của các cơ quan chức năng huyện Thường Tín còn lỏng lẻo nên những vi phạm vẫn ngang nhiên diễn ra và tồn tại kéo dài.

Bao giờ xử lý dứt điểm?

Trong tháng 5 và 6-2016, sau khi kiểm tra thực tế tuyến đê hữu Hồng tại địa bàn huyện Thường Tín, Sở NN&PTNT phát hiện tình trạng tái vi phạm nên đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với 7 trường hợp ở xã Hồng Vân và Ninh Sở. Tháng 8 và 10-2016, Sở NN&PTNT tiếp tục có Công văn đề nghị UBND huyện Thường Tín xử lý các bãi tập kết, trung chuyển VLXD không phép, sai phép, vi phạm pháp luật về đê điều. UBND các xã và huyện Thường Tín nhiều lần có văn bản thông báo yêu cầu các tổ chức, cá nhân giải tỏa vi phạm, nhưng mới xử lý được 3 bãi tập kết VLXD trái phép.

Tháng 12-2016, theo kiểm tra của Sở NN&PTNT, vẫn còn một số trường hợp tập kết VLXD trong hành lang bảo vệ đê với kích thước, khối lượng đặc biệt lớn. Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới ngày 6-3-2017, lãnh đạo huyện Thường Tín cho biết: “Trong thời gian tới huyện Thường Tín sẽ tập trung chỉ đạo các cơ quan chức năng, UBND các xã kiểm tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm trước mùa mưa lũ”.

Việc tập kết VLXD trong hành lang bảo vệ đê với khối lượng lớn như vậy tiềm ẩn nguy cơ sạt, trượt, làm mất an toàn công trình đê. Không những thế, do mật độ xe vận chuyển VLXD qua lại nhiều đã làm hư hỏng nghiêm trọng mặt đê. Trên địa bàn xã Vạn Điểm, mặt đê hữu Hồng bị vỡ nát, lồi lõm bởi những hố sâu và cát phủ kín, rất nguy hiểm cho người và phương tiện khi lưu thông qua đây. Đề nghị UBND huyện Thường Tín và các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp vi phạm, trả lại hành lang thoát lũ an toàn cho tuyến đê hữu Hồng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Tràn lan vi phạm đê điều ở Thường Tín

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.