Theo dõi Báo Hànộimới trên

Quản lý giá sữa từ “gốc”

Thanh Hiền| 11/03/2017 08:45

(HNM) - Chủ trương của Chính phủ về bình ổn giá (BOG) sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi hơn hai năm qua đã nhận được sự ủng hộ của xã hội. Sắp tới, Bộ Công Thương sẽ ban hành thông tư hướng dẫn quản lý giá sữa theo hướng quản lý từ


Giá sữa ổn định

Sau khi hàng loạt doanh nghiệp (DN) sản xuất sữa liên tiếp tăng giá (có mặt hàng tăng 3-4 lần trong năm), gây bức xúc dư luận, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính thanh tra một số đơn vị và quyết định thực hiện biện pháp quản lý giá với mặt hàng sữa cho trẻ em. Quyết định này bắt đầu từ ngày 1-6-2014, có hiệu lực đến ngày 1-6-2015 và được tiếp tục gia hạn đến ngày 31-12-2016.

Bình ổn giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi là rất cần thiết. Ảnh: Sơn Hà



Sau hơn hai năm thực hiện chủ trương của Chính phủ về BOG sữa cho trẻ em, các cơ quan quản lý giá từ trung ương đến địa phương đã kiểm soát, quản lý hơn 910 dòng sản phẩm sữa cho trẻ dưới 6 tuổi theo nguyên tắc: Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải đăng ký, kê khai giá bán ra tối đa; trên cơ sở đó cơ quan quản lý xem xét tính hợp lý, hợp pháp của mức giá đó và giám sát việc thực hiện giá bán của DN trên thị trường. Kết quả từ Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho thấy, giá sữa cho trẻ em đã giảm từ 0,1 đến 34% (tùy từng chủng loại) so với thời điểm trước khi Chính phủ áp dụng biện pháp quản lý giá.

Chị Nguyễn Thu Trang (phố Vũ Xuân Thiều, quận Long Biên) cho biết, việc áp dụng biện pháp quản lý giá đối với sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi đã giúp bình ổn thị trường. Đây là mặt hàng tiêu dùng quan trọng đối với nhiều gia đình nên rất mong Chính phủ tiếp tục thực hiện chủ trương này. Còn chị Trần Thị Hà, chủ một cửa hàng chuyên kinh doanh sữa các loại tại phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm) chia sẻ, giá sữa bột trước khi được quản lý tăng liên tục đã khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn và cơ sở kinh doanh cũng giảm sút doanh số, lợi nhuận. Vì vậy, thị trường bình ổn cũng giúp cơ sở kinh doanh ổn định hơn.

Liên quan đến quản lý giá sữa, tại buổi công bố Sách trắng 2017 về Thương mại và Đầu tư mới đây, ông Arnaud Renard, Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm dinh dưỡng Hiệp hội doanh nghiệp Châu Âu (EuroCham) tại Việt Nam cho biết, các DN đã đề xuất cho phép quay lại cơ chế giá do thị trường quyết định; không áp đặt biện pháp quản lý giá với mặt hàng sữa bột cho trẻ em; việc kê khai giá nên đơn giản, không nên kèm theo yêu cầu cung cấp cơ cấu giá, văn bản giải trình mức giá...

Truy xuất nguồn gốc, xác định trách nhiệm doanh nghiệp

Vì quyền lợi của hàng triệu trẻ em, chủ trương BOG các mặt hàng sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi tiếp tục được áp dụng đến hết tháng 3-2017. Sau đó, Bộ Công Thương sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với việc quản lý giá sữa cho trẻ em dưới dạng thông tư trên cơ sở pháp luật hiện hành và cam kết quốc tế…

Bà Lê Việt Nga, Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, theo quy định của Luật Giá và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Giá, sữa dành cho trẻ dưới 6 tuổi là một trong những mặt hàng thực hiện BOG. Khi Nhà nước công bố áp dụng biện pháp BOG, tùy theo hình thức (như điều hòa cung - cầu, lập quỹ bình ổn, đăng ký giá, kiểm tra yếu tố hình thành giá...), các DN sản xuất, kinh doanh sẽ phải thực hiện nhiệm vụ theo chỉ đạo của Nhà nước. Khi Nhà nước không công bố áp dụng biện pháp BOG, DN sẽ phải kê khai giá đến cơ quan quản lý theo phân cấp. DN được phép điều chỉnh tăng hoặc giảm giá khi có thay đổi chính sách và các yếu tố đầu vào tác động đến chi phí sản xuất, kinh doanh. Trường hợp phạm vi điều chỉnh 5%, DN gửi thông báo bằng văn bản cho cơ quan quản lý trước khi điều chỉnh; trường hợp vượt 5%, DN phải kê khai giá theo quy định.

Theo dự thảo thông tư hướng dẫn quản lý giá sữa cho trẻ dưới 6 tuổi của Bộ Công Thương, DN sản xuất, nhập khẩu sữa tự xác định mức giá bán lẻ sữa đến người tiêu dùng và đăng ký hoặc kê khai với cơ quan quản lý và triển khai giá bán này; thông báo hệ thống phân phối của mình để cơ quan quản lý nhà nước giám sát việc thực hiện giá bán sản phẩm trên thị trường như đăng ký. Trên cơ sở khai báo của DN, cơ quan quản lý nhà nước xác định tính hợp lý, hợp pháp của giá sữa do DN đăng ký và giám sát việc thực hiện giá bán này trên thị trường.

Như vậy, DN sẽ tự xác định giá bán lẻ đối với sữa do mình cung ứng trong trường hợp không áp dụng biện pháp BOG; hoặc đăng ký giá mặt hàng sữa trong trường hợp áp dụng biện pháp BOG với Bộ Công Thương. Đây sẽ là mức giá trần của sản phẩm trong toàn hệ thống của DN; các đơn vị phân phối dưới sự giám sát của các thương nhân đầu mối, đồng thời chịu sự kiểm soát của các lực lượng chức năng trên địa bàn kinh doanh (Sở Công Thương, Quản lý thị trường, Thanh tra thuế...). Đại diện Vụ Thị trường trong nước cho biết, phương thức quản lý này sẽ giúp truy xuất được nguồn gốc hàng hóa, kiểm soát được chất lượng, giá cả...; đồng thời, xác định được trách nhiệm của DN khi có vi phạm.

Trước việc người tiêu dùng lo ngại sau khi hết thời hạn áp giá trần sẽ xảy ra đợt tăng giá mới, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cho rằng, điều đó khó có thể xảy ra vì các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ dưới 6 tuổi sẽ phải kê khai và đăng ký với cơ quan quản lý về giá, chỉ khi được đồng ý thì mới được bán ra thị trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Quản lý giá sữa từ “gốc”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.