Theo dõi Báo Hànộimới trên

Khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp: Hệ lụy từ “phá rào” quy hoạch

Đỗ Minh| 14/03/2017 06:40

(HNM) - Tự phát và

Tích tụ ruộng đất, dồn điền đổi thửa tạo thuận lợi cho nông dân xã Bình Minh (huyện Thanh Oai) đưa máy móc vào sản xuất.Ảnh: Bá Hoạt


Trong bối cảnh đó, tích tụ ruộng đất quy mô lớn được coi là "nút thắt" quan trọng cần sớm được tháo gỡ, để ngành sản xuất nông nghiệp đẩy nhanh tốc độ tái cơ cấu và phát triển bền vững.

Vẫn nặng tư duy sản xuất tự phát

Từ thời điểm trước Tết Nguyên đán 2017 đến nay, giá lợn thịt giảm kỷ lục, từ 57.000 đồng/kg, xuống còn 30.000 đồng/kg. Đây là hệ lụy của tình trạng tăng đàn, mở rộng quy mô chăn nuôi khi thấy giá lợn xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc tăng cao, bất chấp khuyến cáo của nhiều chuyên gia nông nghiệp về tiềm ẩn rủi ro. Ông Nguyễn Văn Trọng, Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cho rằng, việc tự ý tăng đàn, phát triển chăn nuôi lợn tự phát đã khiến cung vượt cầu.

Lý giải về việc chăn nuôi không theo quy hoạch trên, anh Đặng Văn Minh (thôn 4, xã Trung Châu, huyện Đan Phượng) cho biết: Cuối năm 2015, bán một con lợn thịt nặng hơn 1 tạ, người chăn nuôi thu lãi 1,5 triệu đồng. Vì thế, nhiều hộ lao vào đầu tư chuồng trại, tăng đàn nhưng không lường được sau đó, giá lợn thịt giảm mạnh, thậm chí không bán được... Không chỉ riêng gia đình anh Minh, hầu hết nông dân đều lâm vào tình cảnh như vậy, do không nắm bắt được nhu cầu của thị trường, sản xuất theo trào lưu và thiếu sự kết nối với DN tiêu thụ...

Không chỉ riêng chăn nuôi mà trồng trọt cũng vậy, trong đó ngành cà phê là một ví dụ điển hình. Thống kê tại các tỉnh Tây Nguyên cho thấy, năm 2016 đã có 30.000ha cà phê bị phá bỏ để trồng hồ tiêu và các loại cây khác. Ông Lương Văn Tự, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam cho biết: Dự kiến sản lượng cà phê niên vụ này sẽ giảm 20-30%. Việc chặt bỏ cà phê thay thế bằng cây trồng khác sẽ gây ra những hệ lụy nặng nề như: Phá vỡ quy hoạch, dễ gây nhiễm bệnh chéo, giảm năng suất - chất lượng cây trồng...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, quy hoạch vùng sản xuất với mục đích cuối cùng là bảo đảm phát triển ổn định, bền vững, mang lại lợi nhuận cho các bên tham gia, đặc biệt là tăng lợi nhuận cho người nông dân. Vì thế, Chính phủ và các bộ, ngành chức năng đã nghiên cứu, khảo sát và ban hành “Quy hoạch các ngành hàng nông nghiệp đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030” khá bài bản và khoa học. Đến nay đã có 42 quy hoạch phục vụ tái cơ cấu được phê duyệt và tổ chức thực hiện, trong đó có 24 quy hoạch trên phạm vi cả nước; 18 quy hoạch vùng, sản phẩm cụ thể.

Tích tụ đất đai là điều kiện tiên quyết

Việc quy hoạch vùng sẽ bảo đảm ổn định sản xuất cho nông dân. Trong ảnh: Trồng nhãn chín muộn cho giá trị cao ở huyện Hoài ĐứcẢnh: Thái Hiền


TS Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, để có những vùng sản xuất theo quy hoạch, Nhà nước cần có cơ chế tích tụ ruộng đất, có cơ chế đặc thù thu hút DN đầu tư vào phát triển nông nghiệp. Đồng tình với quan điểm này, bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn TH cũng nhận định, muốn quy hoạch được vùng sản xuất tập trung, khép kín và đưa khoa học vào sản xuất thì cần một quỹ đất đủ lớn, một nguồn kinh phí đủ mạnh.

Thời gian qua, hoạt động đầu tư vào nông nghiệp đã có những tín hiệu khả quan khi số DN đầu tư vào lĩnh vực này tăng dần. Nếu như năm 2007, cả nước chỉ có 2.397 DN đầu tư vào nông nghiệp thì năm 2016 con số này đã lên tới 4.080. Theo bà Nguyễn Thị Vui (nông dân ở tỉnh Thái Bình cho Tập đoàn TH thuê đất để triển khai Dự án nông nghiệp công nghệ cao), với cơ chế của Tập đoàn TH, nông dân được tạo việc làm, có thu nhập tăng gấp đôi so với trước. Như vậy, nếu DN có cơ chế hợp lý thì người dân và chính quyền địa phương sẵn sàng hỗ trợ để tích tụ ruộng đất, xây dựng các mô hình sản xuất tập trung theo hình thức "các bên cùng có lợi"...

Tuy nhiên, theo nhận định của TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp - nông thôn thì sự đầu tư còn thiếu ổn định, chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ trọng DN đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm dưới 1% trong tổng số DN cả nước; DN có quy mô vốn dưới 5 tỷ đồng chiếm tới 55%. Ông Đinh Cao Khê, Giám đốc Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao kiến nghị, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan sớm tháo gỡ, hỗ trợ DN tiếp cận các gói tín dụng tài chính, giảm thiểu thủ tục hành chính để tạo thuận lợi cho DN đầu tư vào nông nghiệp...

Hiện nay, để tạo "cú hích" cho ngành Nông nghiệp trong việc hình thành vùng sản xuất tập trung, quy mô lớn, Bộ NN&PTNT đang đề nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép sửa đổi Luật Đất đai năm 2013 theo hướng tạo thuận lợi cho tích tụ đất đai, trong đó mở rộng quy định về đối tượng nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp, nâng hạn mức nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất nông nghiệp từ 2ha như hiện nay lên 20ha...; đồng thời, linh hoạt trong chuyển đổi cây trồng để nâng cao hiệu quả sản xuất, tạo sự chủ động trong việc quyết định phương án sử dụng đất. Bộ NN&PTNT cũng đã rà soát và tháo gỡ vướng mắc về thủ tục cho các DN, trong đó có việc thành lập và duy trì hoạt động “Nhóm thu hút đầu tư nông nghiệp, nông thôn” với sự tham gia của các cơ quan quản lý thuộc Bộ và 30 DN nòng cốt đầu tư trong nông nghiệp.

Về chính sách tài chính, Chính phủ đã thể hiện sự quyết liệt trong lĩnh vực này khi phê duyệt gói tín dụng cho nông nghiệp công nghệ cao là 100.000 tỷ đồng và xem xét kiến nghị Quốc hội sửa đổi một số điều của Luật Đất đai để đẩy mạnh tích tụ ruộng đất, xóa bỏ tình trạng manh mún, nhỏ lẻ của nền nông nghiệp.

Để tháo gỡ những khó khăn trên, trong Nghị quyết phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2-2017 vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành đã đề xuất sửa đổi chính sách đất đai, tạo thuận lợi cho tích tụ, tập trung ruộng đất, mở rộng hạn điền cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn trong quý III năm nay. Với sự hỗ trợ này, hy vọng rằng ngành sản xuất nông nghiệp của nước ta sẽ sớm phát triển bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Khó khăn trong phát triển sản xuất nông nghiệp: Hệ lụy từ “phá rào” quy hoạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.