Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sớm xem xét sửa Điều 109 Luật Đất đai, hướng tới mở rộng hạn điền

Thư Kỳ| 16/03/2017 06:36

(HNM) - Sáng 15-3, tại TP Long Xuyên, An Giang, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị “Giải pháp phát triển bền vững ngành hàng lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm các gian hàng trưng bày tại hội nghị về sản xuất lúa gạo vùng Đồng bằng sông Cửu Long.Ảnh: TTXVN


Theo báo cáo tại hội nghị, năm 2016, các doanh nghiệp xuất khẩu hơn 4,8 triệu tấn gạo, trị giá 2,1 tỷ USD. Hạt gạo Việt Nam có mặt tại trên 150 nước, với thị trường chính là Trung Quốc (chiếm 38%), Philippines (9%), Malaysia (9%), Bờ Biển Ngà (9%)… Vùng Đồng bằng sông Cửu Long chiếm hơn 50% sản lượng và hơn 90% lượng gạo xuất khẩu của cả nước. Ước tính, hai tháng đầu năm nay, các doanh nghiệp xuất khẩu 787.235 tấn gạo, trị giá hơn 328 triệu USD, giảm 18,5% về lượng, 21,4% về trị giá so với cùng kỳ...

Có thể nói, bên cạnh những kết quả đạt được, hội nghị đã chỉ rõ hạn chế của ngành lúa gạo hiện nay là hiệu quả chuỗi giá trị còn thấp, tỷ lệ thất thoát cao. Chất lượng gạo xuất khẩu chưa bảo đảm, công nghiệp chế biến sâu chưa phát triển. Sản xuất lúa sử dụng nhiều lao động, vật tư, sử dụng nhiều tài nguyên đất và nước, nông dân sản xuất quy mô nhỏ. Giá thành gạo cao hơn so với thế giới, khả năng cạnh tranh kém...

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Ngành lúa gạo Việt Nam cần một tầm nhìn mới, đi kèm với hoạch định chiến lược, phù hợp với xu thế toàn cầu hóa để hạt gạo Việt Nam đáp ứng sâu sắc nhu cầu tiêu dùng ở Châu Á và thế giới, đem lại giá trị gia tăng tốt nhất cho người nông dân trồng lúa cũng như các doanh nghiệp làm lúa gạo. Nhấn mạnh nông nghiệp Việt Nam luôn là trụ đỡ của nền kinh tế, Thủ tướng nêu rõ: Lúa gạo ở Việt Nam, đặc biệt Đồng bằng sông Cửu Long tiếp tục được khẳng định trong an ninh lương thực tầm quốc gia và quốc tế. Lúa gạo đóng vai trò quan trọng, không thể thay thế được trong nông nghiệp Việt Nam.

Thủ tướng khẳng định ngành lúa gạo Việt Nam đang đứng trước giờ G của công cuộc đổi mới, đòi hỏi một tư duy kiến tạo toàn diện từ nền tảng thể chế, chính sách, pháp luật đến cấu trúc vận hành, phương thức quản trị và công nghệ sản xuất. Cụ thể, Việt Nam sẽ không chỉ là một quốc gia xuất khẩu lúa gạo đạt mức kim ngạch hàng đầu thế giới mà phải phấn đấu trong 10-20 năm tới, hạt gạo do người nông dân và doanh nghiệp Việt Nam sản xuất ra sẽ đem lại những giá trị gia tăng tốt nhất dựa trên việc đáp ứng một cách tinh tế các nhu cầu và tiêu chuẩn phổ quát về dinh dưỡng, dược liệu, góp phần củng cố danh tiếng của một trong những nền văn minh nông nghiệp lâu đời nhất của thế giới.

Với tầm nhìn này, Thủ tướng đề nghị đổi mới ngành sản xuất lúa gạo bằng các giải pháp đột phá về thể chế, chính sách, cả mô hình phát triển. Thứ nhất là điều chỉnh quy mô. Bên cạnh đó, điều chỉnh mục đích sử dụng với tinh thần là vẫn giữ đất lúa nhưng xem xét lại mùa vụ, tính toán xen canh cây, con gì trên đất lúa; xây dựng hệ thống thủy lợi một cách hiện đại... Thủ tướng nêu danh mục chính sách cụ thể cần sửa, trong đó có yêu cầu Bộ NN&PTNT, Bộ Tài nguyên - Môi trường sớm trình Chính phủ và báo cáo Quốc hội xem xét sửa Điều 109 Luật Đất đai, trước hết là có một số chính sách quy định phù hợp để mở rộng hạn điền.

Thủ tướng đề nghị các nhà khoa học, các đơn vị sản xuất kinh doanh, các cơ quan quản lý nhà nước, nhất là UBND các tỉnh, các bộ; các đơn vị kinh doanh cùng xắn tay áo, cùng Nhà nước lo cho sản xuất lúa gạo theo định hướng hữu cơ, chất lượng và thương hiệu.

*  Cùng ngày, Thủ tướng đã đến thăm Công ty cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sớm xem xét sửa Điều 109 Luật Đất đai, hướng tới mở rộng hạn điền

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.