Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nhức nhối thực trạng vi phạm Luật Đê điều

Kim Nhuệ| 16/03/2017 07:20

(HNM) - Ngày 15-3, Sở NN&PTNT Hà Nội tổ chức hội nghị thống nhất biện pháp ngăn chặn, xử lý nhằm lập lại trật tự công tác quản lý đê điều. Thông tin tại hội nghị cho thấy, hằng năm vẫn phát sinh hàng trăm vụ vi phạm pháp luật về đê điều nhưng kết quả xử lý đạt thấp.

Ảnh minh họa.


Vi phạm diễn biến phức tạp

Trong năm 2016 và 2 tháng đầu năm nay, trên địa bàn thành phố xảy ra 267 vụ vi phạm pháp luật đê điều. Các vi phạm chủ yếu là xây dựng công trình nhà ở kiên cố, công trình phụ, tường chắn... Đáng nói, nhiều địa phương để xảy ra tình trạng xây dựng công trình, tập kết vật liệu xây dựng, đổ chất thải, san lấp mặt bằng, tôn nền bãi sông trong hành lang thoát lũ…

Thống kê cho thấy, toàn thành phố có 187 bãi chứa vật liệu xây dựng đang hoạt động, trong đó có tới 153 bãi không phép, chỉ 34 bãi có phép. Tại nhiều địa phương còn để xảy ra tình trạng xe quá tải trọng cho phép lưu thông trên đê làm cho mặt đê xuống cấp nghiêm trọng…

Nguyên nhân xảy ra các vi phạm kể trên do chính quyền một số địa phương chưa quan tâm chỉ đạo thực hiện việc ngăn chặn giải tỏa; chưa có sự phối hợp hiệu quả giữa chính quyền và các cơ quan chức năng trong xử lý vi phạm. Đáng lưu ý, việc phân định trách nhiệm giữa chính quyền và các cơ quan quản lý tuy đã được quy định tại các văn bản pháp luật về kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn và xử lý vi phạm nhưng chưa được phân định và phối hợp tốt trên thực tế...

Nói về những khó khăn của địa phương, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho rằng, quận đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các phường có đê nghiêm túc xử lý vi phạm. Các phường đã tích cực ra quân giải tỏa, lập chốt ngăn chặn nhưng vì lực lượng mỏng nên không thể kiểm soát tốt hoạt động đổ trộm phế thải xuống lạch sông…

Tương tự, huyện Phú Xuyên đã yêu cầu các xã chấm dứt hợp đồng cho thuê đất bãi sông, lập chốt xử lý xe quá tải trọng lưu thông trên đê... Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Quang An, do các đối tượng “né chốt”, cho xe chạy vào ban đêm… đã gây khó khăn cho công tác quản lý phương tiện lưu thông trên đê…

Trong khi đó, tại Thường Tín, theo Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Tuấn Thịnh, cái khó lớn nhất của địa phương này là vận động, tuyên truyền nhân dân không xây dựng công trình trong hành lang thoát lũ, bảo vệ đê điều ở các khu dân cư đã hình thành từ lâu đời có nhiều hộ được cấp sổ đỏ và bức xúc về nhà ở.

"Bình quân mỗi năm xảy ra khoảng 300 vụ vi phạm pháp luật về đê điều, nhưng xu hướng số vụ việc được xử lý lại giảm từ 20 xuống dưới 10%. Trong giai đoạn 2011-2012, tỷ lệ vụ vi phạm được các địa phương xử lý đạt khoảng 20%; đến năm 2013-2014, giảm xuống 15% và 2 năm qua (2015-2016) chỉ đạt gần 10%. Năm 2016 và 2 tháng đầu năm 2017, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương mới xử lý được 31 vụ, còn tồn đọng 236 vụ".
Chi cục trưởng Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội Đỗ Đức Thịnh


Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp

Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng đề xuất, các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố giao tổ chức, cá nhân quản lý, khai thác đất bãi sông nhằm chống đổ trộm phế thải, tăng nguồn thu cho ngân sách… Trong khi đó, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thạc Hùng đề nghị, cơ quan chức năng liên quan sớm rà soát, cắm bổ sung hệ thống biển báo hạn chế tải trọng phương tiện lưu thông trên đê. Các hạt quản lý đê hướng dẫn nhân dân thủ tục thỏa thuận xây dựng công trình; sau khi phát hiện, lập biên bản cần có văn bản đôn đốc cấp xã, phường xử lý ngay các vi phạm từ khi mới phát sinh…

Trước thực trạng vi phạm đê điều nghiêm trọng như đã nêu, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Hà Đức Trung đề nghị các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo, kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật về đê điều; đồng thời phối hợp chặt chẽ với các hạt quản lý đê thường xuyên kiểm tra, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời vi phạm mới phát sinh; tăng cường tuyên truyền, vận động, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện thủ tục thỏa thuận, cấp phép liên quan đến đê điều…

Ngoài ra, các ngành chức năng tăng cường công tác tuần tra, xử lý các trường hợp hút cát trái phép ở lòng sông, ngăn chặn xe quá tải đi trên đê; hướng dẫn các quận, huyện, thị xã lập kế hoạch chi tiết việc thực hiện quy hoạch bến bãi tập kết trung chuyển vật liệu xây dựng, khai thác cát; kiểm tra, thu hồi diện tích đất bãi sông cho thuê trái thẩm quyền.

Cùng với đó, kiểm tra hoạt động bến thủy nội địa đối với các tổ chức và cá nhân mở bến bãi tập kết, trung chuyển vật liệu xây dựng; thu hồi giấy phép hoặc đình chỉ hoạt động bến thủy nội địa đối với các bến bãi không phù hợp quy hoạch, vi phạm Luật Đê điều; chủ trì kiểm tra, giám sát các dự án nạo vét luồng thủy nội địa, kết hợp tận thu sản phẩm tránh thất thoát tài nguyên khoáng sản, sạt lở bờ bãi sông, đe dọa an toàn công trình đê điều…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nhức nhối thực trạng vi phạm Luật Đê điều

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.