Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nghịch lý tiêu thụ nông sản

Sơn Tùng| 17/03/2017 06:49

(HNM) - Liên kết tiêu thụ nông sản an toàn là xu thế tất yếu của nền nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, mối liên kết này trên địa bàn TP Hà Nội còn lỏng lẻo và đang xuất hiện nghịch lý do không rõ trách nhiệm của các bên trong từng


Hà Nội đẩy mạnh liên kết tiêu thụ nông sản an toàn.


Liên kết mới đạt 5%

Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư (Gia Lâm) đã chuyển đổi 100% diện tích (233ha) cây trồng lương thực sang trồng cây ổi và rau gia vị các loại. HTX thực hiện khá tốt các khâu dịch vụ, trong đó có cung ứng vật tư nông nghiệp cho xã viên. Nhờ vậy, không có hiện tượng sử dụng phân bón, phun thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng, độc hại cho cây trồng. Năm qua, HTX đã xây dựng thành công thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa cho 19 loại rau, quả và được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp giấy chứng nhận. Ngoài ra, vùng sản xuất rau, quả an toàn của HTX được ngành Nông nghiệp Hà Nội công nhận đạt tiêu chuẩn VietGAP.

Những chuyển biến tích cực của HTX trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng đạt hiệu quả kinh tế cao có lẽ không phải bàn thêm. Tuy nhiên, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Đông Dư Ngô Quang Huy tỏ ra băn khoăn, bởi một số siêu thị, cửa hàng tiện ích đến đặt vấn đề thu mua quả ổi của HTX với sản lượng chỉ 15 đến 20kg/ngày. HTX không cung ứng thì mất uy tín, cung ứng thì thu không đủ bù chi. Nhưng khi doanh nghiệp (DN) đặt vấn đề ký hợp đồng, thu mua 10 đến 20 tấn ổi để phục vụ xuất khẩu thì HTX lại lúng túng, không đáp ứng được nhu cầu.

Nghịch lý trên cũng xảy ra ở HTX Dịch vụ nông nghiệp thị trấn Chúc Sơn (Chương Mỹ). Giám đốc HTX Nguyễn Văn Minh cho biết: Khi liên kết với DN và các bên liên quan trong tổ chức sản xuất, bao tiêu nông sản an toàn cho xã viên gặp nhiều khó khăn do việc đóng gói, sơ chế không chuyên nghiệp. HTX chỉ đáp ứng được 50% các yêu cầu của phía DN đưa ra, dẫn tới việc liên kết không thành công.

Những khó khăn nêu trên đã lý giải vì sao, với sự vào cuộc quyết liệt, sự nỗ lực cố gắng của cơ quan chức năng, DN, HTX nhưng toàn thành phố mới hình thành được 21 chuỗi liên kết trong chăn nuôi và 48 chuỗi liên kết trong tiêu thụ rau an toàn. Lũy kế, đến nay, tỷ lệ tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn của thành phố thông qua các chuỗi liên kết tiêu thụ mới đạt 5% sản lượng.

Những nút thắt cần tháo gỡ

Tại hội nghị bàn giải pháp liên kết giới thiệu và tiêu thụ nông sản an toàn có sự phối hợp giữa Liên minh HTX Hà Nội với các tỉnh, thành phố phía Bắc vừa diễn ra, vấn đề gỡ "nút thắt" về năng lực nội tại của các HTX còn yếu khiến nhiều nhà quản lý đau đầu. Việc thương thảo trong liên kết giữa DN và HTX cũng chưa tìm được tiếng nói chung. Hiện sản xuất theo tín hiệu thị trường vẫn còn là khái niệm khá mù mờ với đa số lãnh đạo các HTX. Vẫn còn không ít HTX làm ăn chộp giật, có hiện tượng khi nông sản an toàn sốt giá, nông dân sẵn sàng tự ý phá vỡ hợp đồng hoặc cung ứng không đủ số lượng như đã cam kết với DN...

Trao đổi về bất cập trên, Chủ tịch Liên minh HTX Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh cho rằng: Nguyên nhân chính là việc liên kết tiêu thụ nông sản an toàn còn nhỏ lẻ, manh mún; mặt khác, bản thân DN làm ăn cầm chừng. DN tham gia vào hoạt động xuất khẩu khá vất vả do năng lực cung cấp sản phẩm của HTX hạn chế, không đáp ứng được đơn đặt hàng lớn.

Để thúc đẩy mối liên kết tiêu thụ nông sản an toàn, ông Chu Phú Mỹ, Giám đốc Sở NN& PTNT Hà Nội cho rằng, dứt khoát phải giải quyết các vấn đề như: Nâng cao chất lượng sản phẩm, hoàn thiện quy cách mẫu mã, nhãn mác, thương hiệu; phát triển công nghệ chế biến, bảo quản nông sản; tổ chức quy hoạch sản xuất theo hướng tập trung, chuyên canh và đa dạng hóa sản phẩm; tổ chức, sắp xếp lại hệ thống tiêu thụ nông sản an toàn tại các chợ, trung tâm thương mại, tiến tới đẩy mạnh xuất khẩu và tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ngoài ra, cần xây dựng các “ngân hàng dữ liệu” về diện tích, cây trồng chủ lực, mùa vụ, năng lực sản xuất, cung ứng cũng như hệ thống trang trại chăn nuôi với quy mô, sản lượng cụ thể… Có như vậy sự liên kết mới đa dạng, bền vững, khắc phục được những khó khăn, hạn chế như hiện nay.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nghịch lý tiêu thụ nông sản

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.