Theo dõi Báo Hànộimới trên

Siết chặt các quy định pháp lý

Đức Anh| 25/03/2017 08:13

(HNM) - Cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước là chủ trương đúng nhằm huy động nguồn lực phát triển kinh tế đất nước. Tuy nhiên, không ít doanh nghiệp đã bị thâu tóm, mua bán với mức giá bất hợp lý,


Có hay không việc thôn tính doanh nghiệp?

Theo báo cáo quản trị năm 2016 của Công ty cổ phần (CP) Bóng đèn Điện Quang, gia đình Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ 34,12% vốn điều lệ doanh nghiệp, với giá trị ước tính khoảng 625 tỷ đồng. Những số liệu về khối tài sản "khủng" mà gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang nắm giữ là một trong những mối quan tâm của dư luận. Bởi, nếu khối tài sản này được mua lại không đúng pháp luật, nghĩa là còn tồn tại nhiều "lỗ hổng" gây thất thoát vốn ngân sách nhà nước.

Liên quan tới vấn đề này, tại cuộc họp báo chuyên đề về dự thảo nghị định mới khi chuyển doanh nghiệp nhà nước (DNNN) thành công ty CP diễn ra mới đây, ông Đặng Quyết Tiến, Phó Cục trưởng Cục Tài chính DN (Bộ Tài chính) cho biết, quá trình cổ phần hóa (CPH) DNNN không có "lỗ hổng", bởi hiện chúng ta có cơ chế công khai tài sản minh bạch nhằm thực hiện theo Luật Phòng chống tham nhũng. Để kết luận về quá trình hình thành tài sản của bà Thoa cần đợi cơ quan chức năng điều tra, làm rõ.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, thời điểm gia đình bà Hồ Thị Kim Thoa mua CP của Công ty CP Bóng đèn Điện Quang là thời kỳ ưu tiên đảng viên, cán bộ nhà nước đi đầu trong quá trình CPH. Không chỉ các lãnh đạo, mà người lao động cũng sẽ được mua CP với giá ưu đãi. Có thể một lãnh đạo nào đó không mua trực tiếp, nhưng con cháu họ mua CP tự do trên thị trường thì pháp luật không cấm, quan trọng là nguồn gốc tiền của họ minh bạch.

Ông Nguyễn Duy Long, Trưởng ban Soạn thảo nghị định chuyển đổi DNNN thành công ty CP của Bộ Tài chính cũng cho biết, theo quy định về cơ chế CPH thực hiện thí điểm từ năm 1992, lãnh đạo DN được mua CP của DN theo hai nội dung: Mua CP ưu đãi theo số năm công tác trong khu vực nhà nước như đối với tất cả cán bộ, nhân viên khác. Đối với lao động là chuyên gia trong DN, ngoài ưu đãi theo số năm công tác như trên còn tiếp tục được mua ưu đãi thêm theo giá đấu thành công. Ông Long cũng thừa nhận, trước đây có việc ưu tiên bán CP DNNN theo thỏa thuận từ trước, tuy nhiên từ năm 2015, việc lãnh đạo DNNN và người nhà trở thành chủ sở hữu DN như trường hợp gia đình Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã không còn.

Hạn chế những "lỗ hổng" pháp lý

Để trám đầy những kẽ hở pháp lý gây thất thoát vốn nhà nước trong quá trình CPH DN, dự thảo nghị định về chuyển DNNN thành công ty CP do Bộ Tài chính vừa hoàn thiện đã quy định rõ việc bán CP lần đầu tại các DN thực hiện CPH theo hướng công khai, minh bạch. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực và trách nhiệm của các tổ chức tài chính trung gian, các công ty kiểm toán, tư vấn... khi tham gia hoạt động hỗ trợ cho quá trình chuyển đổi DN.

Tuy nhiên, theo chuyên gia kinh tế Đỗ Thiên Anh Tuấn, giảng viên Trường Đại học Fulbright, từ vụ việc tại Công ty CP Bóng đèn Điện Quang, cần làm rõ xuất phát điểm của bà Hồ Thị Kim Thoa trước khi làm lãnh đạo tại DN và quá trình hình thành khối tài sản "khủng" khi lên làm Thứ trưởng Bộ Công Thương. Nếu bà Hồ Thị Kim Thoa là đại diện phần vốn nhà nước tại công ty này lại càng phải làm sáng tỏ, vì cơ chế về đại diện vốn nhà nước tại các DNNN sau khi CPH còn nhiều bất cập.

Ngoài ra, với triết lý là để gắn lợi ích người lao động với công ty, khi DNNN thực hiện CPH, cán bộ, công nhân viên trong công ty được mua CP với giá ưu đãi, song không ít người đã bán tháo CP và người mua lại chính là các lãnh đạo công ty. Điều này cho thấy, chính sách bán CP ưu đãi vô tình đã tạo điều kiện cho người có điều kiện dễ dàng thâu tóm DN. Bà Hồ Thị Kim Thoa hay các vị lãnh đạo khác phải gom rất nhiều CP của người lao động bán lại mới có mức sở hữu khối tài sản kếch xù như thế.

Liên quan đến việc làm rõ khối tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Văn phòng Trung ương Đảng đã có Công văn số 3308-CV/VPTƯ thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Tổng Bí thư yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với các ban, ngành liên quan khẩn trương kiểm tra, thanh tra những nội dung mà các bài báo đã nêu, sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Ban Cán sự đảng chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát quy định của pháp luật để khắc phục những hạn chế trong quản lý, chỉ đạo, điều hành nhằm phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện CPH DNNN.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Siết chặt các quy định pháp lý

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.