Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng chuyển động sau tái cơ cấu

Hà Linh| 11/04/2017 07:23

(HNM) - Sau 5 năm tái cơ cấu, hệ thống ngân hàng - xương sống của nền kinh tế - đã có sự chuyển động theo hướng tích cực...


SHB là một trong những ngân hàng tái cơ cấu hiệu quả.


Tăng tổng tài sản, lợi nhuận

Từ khi bước vào thời kỳ tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng năm 2012, với 42 ngân hàng thương mại hoạt động, đến nay hệ thống chỉ còn 34 ngân hàng. Đã qua thời kỳ “cơn mưa” lợi nhuận, cứ thành lập là có lãi, hiện cơ hội tăng trưởng nóng cho ngân hàng không còn. Những con số tăng trưởng tín dụng vài chục phần trăm đã lùi vào dĩ vãng. Hậu quả của một giai đoạn phát triển nóng là tình trạng yếu thanh khoản, thậm chí là không có khả năng thanh khoản, khiến nhiều ngân hàng rơi vào “giỏ” 0 đồng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Một số ngân hàng khác thì mặc dù không bị mua với giá 0 đồng nhưng phải chấp nhận mất tên để sáp nhập vào đơn vị mạnh hơn.

Sau công cuộc cải tổ khá khắc nghiệt, nhiều cái tên còn lại đã tăng gấp hai, gấp ba về quy mô tổng tài sản, nguồn vốn... thông qua mua bán, sáp nhập. Một số ngân hàng vì không muốn bị sáp nhập đã buộc phải tái cơ cấu để vượt qua “cơn bão” khủng hoảng.

Nhìn lại những cái tên nỗ lực tái cơ cấu trong 5 năm qua có thể thấy sự thay đổi lớn của những ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) như: Sài Gòn - Hà Nội (SHB) và Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) với tổng tài sản bước lên nhóm những ngân hàng lớn nhất hệ thống. Một số ngân hàng khác cũng gặt hái thành công sau tái cơ cấu là Ngân hàng TMCP Phương Nam (Southern Bank) và Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) nhờ tăng tổng tài sản, trong đó Sacombank sau khi nhận sáp nhập Southern Bank đã bước lên nhóm có vốn điều lệ lớn nhất hệ thống. Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB) cũng gây sự chú ý lớn nhờ tốc độ tăng trưởng về quy mô, với tổng tài sản tăng 1,5 - 2 lần so với trước khi tự tái cơ cấu.

Trong số những ngân hàng trên, SHB và Sacombank được đánh giá là tăng mạnh nhất về tổng tài sản, vốn điều lệ nhờ sáp nhập. Mặc dù tái cơ cấu thông qua mua bán, sáp nhập mang lại lợi ích không nhỏ cho các tổ chức tín dụng nhưng không có nghĩa các ngân hàng đã vượt qua khó khăn. Chẳng hạn như Sacombank, Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) hay Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcomBank) hiện vẫn phải giải quyết những hệ quả của cuộc sáp nhập, hợp nhất.

Bức tranh lợi nhuận của các ngân hàng cũng có sự biến đổi sau 5 năm tái cơ cấu. Nhiều ngân hàng đã từng đạt con số nghìn tỷ trong năm 2012 hiện gặp không ít khó khăn. Đơn cử như Sacombank và Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu (Eximbank) phải chia tay nhóm 5 ngân hàng có lợi nhuận cao nhất để nhường chỗ cho những cái tên như VPBank, SHB. Với VPBank, thay vì lợi nhuận chỉ có 3 con số trong năm 2012, ngân hàng này đã vươn lên 4 con số khi năm 2015 đạt hơn 3.000 tỷ đồng, năm 2016 đạt gần 5.000 tỷ đồng.

Đối với xử lý nợ xấu, sau hơn 5 năm, tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng tổng nợ xấu tăng do các tổ chức tín dụng gặp rào cản là không thể chủ động xử lý tài sản bảo đảm.

Tiếp tục tái cơ cấu các tổ chức tín dụng

Trong năm 2017, công cuộc tái cơ cấu tiếp tục được thực hiện như thế nào? Ông Nguyễn Văn Hưng, Phó Chánh Thanh tra, giám sát NHNN cho biết: Năm 2017, tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành. Liên quan đến đề án tái cơ cấu hệ thống gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020, NHNN đang hoàn thiện đề án theo chỉ đạo của Thường trực Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Đối tượng cơ cấu lại thời gian tới là tất cả các tổ chức tín dụng, trong đó có cả các ngân hàng thương mại mua bắt buộc (ngân hàng 0 đồng). Nhưng, với nguyên tắc bảo đảm ổn định hệ thống và bảo vệ quyền lợi của người gửi tiền, các tổ chức tín dụng phải xây dựng, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và triển khai thực hiện phương án tái cơ cấu.

Một trong những nguyên tắc cốt lõi của NHNN trong quá trình tái cơ cấu hệ thống là bảo đảm quyền lợi của người gửi tiền. Do đó, hình thức và biện pháp được áp dụng phù hợp với đặc điểm cụ thể của từng tổ chức tín dụng và phù hợp với cơ chế thị trường trên nguyên tắc thận trọng, bảo đảm quyền lợi của người gửi và giữ vững sự ổn định, an toàn hệ thống.

Mục tiêu cụ thể của công tác tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu trong năm 2017 là tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, giữ vững và tiếp tục nâng cao mức độ an toàn, lành mạnh của hệ thống các tổ chức tín dụng. NHNN sẽ kiểm soát và nâng cao chất lượng tín dụng gắn với tăng cường xử lý nợ xấu theo nguyên tắc thị trường, hoàn thiện hành lang pháp lý hỗ trợ xử lý nợ xấu và cơ cấu lại các tổ chức tín dụng.

Việc xử lý nợ xấu phải gắn với việc triển khai các biện pháp phòng ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng của các tổ chức tín dụng, phát huy vai trò của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng trong việc xử lý nợ xấu để bảo đảm duy trì tỷ lệ ở mức an toàn, bền vững, dưới 3% tổng dư nợ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng chuyển động sau tái cơ cấu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.