Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện bình ổn thị trường, giá cả: Hiệu quả từ xã hội hóa

Thanh Hiền| 15/04/2017 06:55

(HNM) - Thông qua chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp, Hà Nội đã thành công trong việc xã hội hóa nguồn vốn thực hiện bình ổn thị trường, giá cả. Trong khi đó các doanh nghiệp được đáp ứng nhu cầu về vốn dự trữ hàng hóa, đầu tư, liên kết phát triển sản xuất. Năm 2017, các ngân hàng tiếp tục dành hàng trăm nghìn tỷ đồng cho chương trình ý nghĩa này.

Một khu bán hàng bình ổn giá tại siêu thị Hapro. Ảnh: Khánh Nguyên


Không dùng ngân sách bình ổn giá

Thực hiện bình ổn thị trường, giá cả năm 2016 và dịp Tết Nguyên đán 2017, TP Hà Nội đã triển khai chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp (DN) thay vì sử dụng ngân sách nhà nước như những năm trước. Thông qua chương trình, các ngân hàng thương mại cho DN vay vốn với lãi suất ưu đãi, thấp hơn mặt bằng chung từ 1,5 đến 2%/năm, để đầu tư sản xuất, kinh doanh, dự trữ hàng hóa bảo đảm cung - cầu thị trường.

Với một số DN thuộc lĩnh vực ưu tiên, có xếp hạng tín dụng tốt, vay vốn tại các ngân hàng thương mại lớn, đã được hưởng lãi suất ưu đãi 4 - 4,5%/năm. Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam (đơn vị quản lý hệ thống siêu thị Fivimart) cho biết, công ty đã tham gia chương trình và được các ngân hàng cho vay khoảng 300 tỷ đồng vốn lưu động, để mở rộng hệ thống, nâng cao năng lực cạnh tranh, dự trữ hàng hóa trong dịp lễ, Tết…

Theo Sở Công Thương Hà Nội, trong năm 2016 các tổ chức tín dụng đã dành 250.699 tỷ đồng cho chương trình kết nối ngân hàng - DN; trong đó có 11 tổ chức tín dụng dành 10.300 tỷ đồng cho các DN bình ổn giá. Việc này cũng đã giúp thành phố tiết kiệm được khoản ngân sách đáng kể dành cho bình ổn giá như những năm trước để sử dụng cho các nhiệm vụ kinh tế, xã hội khác.

Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, thời gian qua các hình thức triển khai chương trình bình ổn giá ngày càng đa dạng, từ chỗ bán hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại, chương trình đã tổ chức nhiều chuyến bán hàng lưu động, đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp... tiến tới thiết lập các điểm bán hàng cố định tại khu vực này. Mạng lưới bán hàng bình ổn được phủ rộng khắp địa bàn thành phố với hơn 12.200 điểm, trong đó có 711 điểm tại các chợ truyền thống có sự tham gia của các DN sản xuất lớn.

Ngoài ra, các điểm bán hàng còn được phân bố tại 379 siêu thị, 160 cửa hàng tiện lợi, 612 cửa hàng tạp phẩm và 452 bếp ăn tập thể. Qua chương trình bình ổn thị trường, đã xuất hiện các mô hình liên kết trực tiếp giữa nhà sản xuất và phân phối, đồng thời góp phần cùng thành phố thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, với tỷ lệ 100% hàng hóa mang thương hiệu Việt.

Theo đánh giá của ông Vũ Vinh Phú, Chủ tịch Hiệp hội siêu thị Hà Nội, chương trình bình ổn giá có ý nghĩa rất quan trọng, giá của nhiều mặt hàng thiết yếu luôn thấp hơn thị trường ít nhất 10 - 15%, góp phần giảm bớt khó khăn cho nhân dân, nhất là lao động nghèo, người có thu nhập thấp.

Lồng ghép vận động ưu tiên dùng hàng Việt

Người dân lựa chọn các sản phẩm bày bán tại siêu thị Big C. Ảnh: Anh Tuấn


Tuy nhiên, dù được đánh giá là khá thành công nhưng theo phản ánh của người tiêu dùng thì việc triển khai chương trình bình ổn giá tại Hà Nội vẫn còn một số bất cập cần khắc phục, nhất là khi số lượng điểm bán hàng bình ổn giá chưa nhiều. Ngoài ra, mặc dù DN nhận được ưu đãi về vốn, vận chuyển, một số điểm bán hàng bình ổn trong siêu thị vẫn niêm yết giá bán cao hơn giá thị trường.

Kết quả khảo sát năm 2016 của Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội đối với 1.750 người tiêu dùng cho thấy, mức độ nhận biết và mua các mặt hàng bình ổn tại các điểm bán hàng chưa cao và không thường xuyên. Nhu cầu mua hàng bình ổn ở khu vực ngoại thành cao hơn nội thành, do tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo nhiều hơn, nhưng số lượng điểm bán hàng rất ít, chỉ có hệ thống siêu thị Lan Chi và một số điểm của Tổng công ty Thương mại Hà Nội và Tổng công ty Lương thực 1. Việc tổ chức đưa hàng bình ổn lưu động về các chợ truyền thống và khu công nghiệp có những hạn chế như chi phí vận chuyển và phân phối cao, vị trí bán hàng không ổn định, một số mặt hàng bình ổn có giá không thấp hơn sản phẩm bán tại chợ truyền thống…

Để nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội Vũ Vinh Phú cho rằng, cần tiếp tục phát triển mạng lưới bán hàng bình ổn giá tới địa bàn nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất, cũng như chợ truyền thống. Ngoài việc mở rộng đối tượng được hỗ trợ vốn vay, khuyến khích các DN tự nguyện tham gia chương trình, nên tăng cường sự kết nối giữa các DN sản xuất, phân phối lớn với địa phương để thiết lập chuỗi sản xuất, cung ứng bền vững, tạo nguồn hàng ổn định cho thị trường với giá hợp lý.

Vấn đề này, theo bà Trần Thị Phương Lan, trong năm 2017 thành phố tiếp tục triển khai chương trình kết nối ngân hàng - DN, hỗ trợ bình ổn thị trường, giá cả. Cùng với đó là mở rộng, lồng ghép cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” với chương trình bình ổn giá; đồng thời tăng cường kiểm tra, kiểm soát nâng cao chất lượng phục vụ, hàng hóa của hệ thống các đại lý phân phối hàng Việt Nam, bảo đảm giá cả hợp lý, đáp ứng nhu cầu người tiêu dùng. Bên cạnh đó cũng sẽ có biện pháp xử lý đối với những siêu thị, đại lý đã đăng ký tham gia chương trình bình ổn giá nhưng bán với giá cao hơn trên thị trường.

Trong khi đó, Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Hà Nội cho hay, từ nay đến cuối tháng 6-2017, các ngân hàng thương mại trên địa bàn sẽ tập trung giải ngân số vốn đã cam kết trong chương trình kết nối với DN; đồng thời dành 150.000 tỷ đồng vốn tín dụng để hỗ trợ các DN tập trung sản xuất, kinh doanh góp phần bình ổn thị trường thời điểm cuối năm.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện bình ổn thị trường, giá cả: Hiệu quả từ xã hội hóa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.