Theo dõi Báo Hànộimới trên

Ngân hàng số - Xu hướng tương lai

Hà Linh| 18/04/2017 06:51

(HNM) - Ngân hàng số - xu hướng mới đã được triển khai ở nhiều nước trên thế giới và cũng đang là lựa chọn của không ít ngân hàng ở Việt Nam.

Với nền tảng công nghệ hiện đại, cộng với thuận lợi trong việc giúp người giao dịch tiết kiệm thời gian, các chuyên gia dự báo, ngân hàng số sẽ phổ biến trong tương lai. Thậm chí, nếu ngân hàng nào chưa bắt nhịp với xu thế này sẽ bị coi là tụt hậu, dễ thất bại trong cuộc chạy đua tìm khách hàng.


Ngân hàng số mang lại nhiều cơ hội, cũng như thách thức đối với sự phát triển của hệ thống ngân hàng. Ảnh: Hải Anh


Sự cần thiết phải đổi mới công nghệ

Hiện nay, ở nước ta tiền mặt vẫn chiếm 98% tổng thanh toán toàn xã hội. Hầu hết các ngân hàng đang hoạt động dựa trên nền tảng truyền thống, nên có tới 70% quy trình xử lý giao dịch bằng giấy, bởi nhiều ngân hàng chưa mạnh dạn đầu tư, cập nhật công nghệ hiện đại. Tuy nhiên, các ngân hàng không thể tiếp tục chần chừ với việc đầu tư công nghệ, bởi xu thế chuyển đổi ngân hàng số đã bắt đầu diễn ra. Lãnh đạo của nhiều ngân hàng cũng dự đoán trong 5 năm tới, ngân hàng số sẽ được áp dụng rộng rãi trong hệ thống các ngân hàng.

Theo ông Trần Nhất Minh, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), môi trường kinh doanh chung đang thay đổi trên nền tảng công nghệ số, vì vậy nếu các ngân hàng không kịp chuyển biến sẽ dễ thất bại. Định hướng công nghệ số là thực tế rõ ràng đối với các doanh nghiệp nói chung và ngành Ngân hàng nói riêng, bởi sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh và hành vi của người tiêu dùng liên quan đến số hóa. Tiền điện tử sẽ thay tiền mặt, người tiêu dùng sẽ chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, trả nợ bằng tin nhắn, bằng lệnh số..., thói quen sinh hoạt và tiêu dùng của con người ngày càng gắn chặt vào thiết bị di động.

Tuy nhiên, để tiến đến số hóa toàn bộ hệ thống ngân hàng không đơn giản, mà cần một thời gian dài. Ông Trần Nhất Minh cho rằng, thách thức lớn nhất là phong cách làm việc hay mô hình hoạt động theo kiểu cũ dựa trên quy trình quản trị rủi ro và tuân thủ nên khá cồng kềnh, trong khi môi trường kinh doanh công nghệ hóa cần phải nhanh. Chẳng hạn như, một ngân hàng có "hệ thần kinh số" khi cần đổi một tính năng của sản phẩm chỉ mất khoảng 10 phút phê duyệt, trong khi quy trình này ở một ngân hàng truyền thống có thể lên tới hai tuần với nhiều cuộc họp. Quy trình do con người thiết kế ra, do vậy rào cản sâu hơn là hệ tư duy của người làm ngân hàng vẫn theo kiểu truyền thống. Khi tư tưởng của những người điều hành chưa thông suốt, thì chưa thể thực thi trong tổ chức. Thách thức khác là đầu tư cho công nghệ số cũng rất tốn kém. Trung bình các ngân hàng trên thế giới hiện nay chi cho công nghệ 6 - 8,4% doanh thu hằng năm, trong khi các ngân hàng Việt Nam chỉ ở mức 3-4%.

Mới ở giai đoạn đầu của số hóa

Trên thực tế, các ngân hàng cũng đã nghĩ đến số hóa khi đồng loạt triển khai dịch vụ trên internet (internet banking) và điện thoại di động (mobile banking), nhưng đây mới được coi là những sản phẩm sơ khai của ngân hàng số. Tuy nhiên, các ứng dụng ngân hàng điện tử hiện nay vẫn thuần túy là gửi tiền, chuyển tiền và thanh toán. Hầu hết các khách hàng có thể dùng dịch vụ ngân hàng điện tử để thanh toán nhưng khi cần vay, muốn cấp một thẻ tín dụng, họ phải đến điểm giao dịch.

Ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) nhận định, các ngân hàng mới đang ở giai đoạn đầu trong việc số hóa hoạt động. Khi lượng số hóa nhiều hơn và có mặt trên mọi kênh, mọi dịch vụ, mới tiệm cận khái niệm ngân hàng số. Để trở thành một ngân hàng số, các ngân hàng cần nỗ lực để người dùng có thể chuyển tiền, mở tài khoản, đề nghị vay vốn hay bất cứ dịch vụ gì qua kênh điện tử.

Là một trong những ngân hàng đầu tiên có các quầy tự phục vụ (self-service) cho khách hàng, sử dụng máy tính bảng để hỗ trợ các thông tin giao dịch, giảm nhiều loại giấy tờ, TPBank được coi là tiên phong trong việc tiếp cận ngân hàng số. TPBank đã triển khai mô hình ngân hàng tự động 24/7 cho phép khách hàng tương tác thời gian thực với nhân viên ngân hàng từ xa qua video để thực hiện các giao dịch. Mô hình này cho phép khách hàng thực hiện hầu hết các giao dịch như mở tài khoản, mở sổ tiết kiệm, nộp tiền mặt, cùng các giao dịch ATM khác tiện lợi. Khách hàng có thể xác thực thông tin bằng vân tay qua thiết bị cảm biến vân tay. Ngoài ra, tại quầy tự phục vụ còn trang bị scan chứng minh thư 2 chiều, scan văn bản, cung cấp văn bản để khách hàng ký tại chỗ và nhận lại văn bản, lưu giữ trong hộp riêng để chuyển về ngân hàng. Tại ngăn nhận tiền mặt của ngân hàng tự động, tiền sẽ được máy tự động kiểm tra và đếm, nếu phát hiện tiền giả máy sẽ trả lại. Đặc biệt, thời gian thực hiện giao dịch tại ngân hàng tự động tiết kiệm đến 40% so với giao dịch truyền thống và hoàn toàn bảo mật.

Câu hỏi đặt ra là ngân hàng số có mang lại nhiều rủi ro cho chính ngân hàng và khách hàng? Đại diện các ngân hàng đều khẳng định, bất cứ giao dịch nào cũng có rủi ro, nên sử dụng dịch vụ ngân hàng số cũng không ngoại lệ. Tuy nhiên, vì đây là sản phẩm mới của các ngân hàng nên chưa thể xác định xác suất rủi ro của giao dịch trên ngân hàng số là cao hay thấp. Nhưng, vấn đề phòng chống rủi ro từ tội phạm tài chính online luôn đòi hỏi một ngân hàng số phải cập nhật và thay đổi liên tục về công nghệ, xử lý thông tin, dữ liệu, cách làm, cách giao tiếp với khách hàng...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Ngân hàng số - Xu hướng tương lai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.