Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Liên kết chặt chẽ “5 nhà”

Đỗ Minh| 24/04/2017 06:39

(HNM) - Thực tế cũng như kinh nghiệm của các nước cho thấy, để thành công trong phát triển các mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, cần sự hiện diện, liên kết chặt chẽ của

Cơ sở sản xuất ứng dụng công nghệ cao - trồng rau sạch thủy canh - của Công ty TNHH Đà Lạt GAP.


Chưa đầy 1% doanh nghiệp đầu tư

Theo Bộ trưởng Bộ NN& PTNT Nguyễn Xuân Cường, ngành Nông nghiệp đóng góp khoảng 20% GDP cả nước, bảo đảm nhu cầu lương thực, thực phẩm, góp phần quan trọng vào xóa đói, giảm nghèo; bảo vệ môi trường sinh thái và phục vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, đầu tư của doanh nghiệp vào nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế, thiếu ổn định và chưa tương xứng với tiềm năng. Tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp chỉ chiếm chưa đầy 1% tổng số doanh nghiệp của cả nước và đa phần có quy mô vốn nhỏ - dưới 5 tỷ đồng (chiếm 55%).

Tại hội nghị xúc tiến thương mại đầu tư ở Thái Bình mới đây, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá: Sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ không thành công hoặc chỉ thành công 1/3 khi chưa giải quyết bài toán phát triển nông nghiệp, nông thôn theo hướng hiện đại... Từ sự chỉ đạo quyết liệt của người đứng đầu Chính phủ, nhiều địa phương như Vĩnh Phúc, Thái Bình, An Giang… đã tổ chức nhiều hội nghị, diễn đàn nhằm thu hút đầu tư vào nông nghiệp, đặc biệt là lĩnh vực có thế mạnh. Tuy nhiên, việc thu hút doanh nghiệp đầu tư vẫn còn rất nhiều khó khăn.

TS Nguyễn Đỗ Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn lý giải: Nông nghiệp vốn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro. Mặc dù đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhưng một số chính sách chưa đi vào thực tế. Do đó, cùng với thu hút đầu tư trong nước, ngành Nông nghiệp nên thu hút thêm đầu tư nước ngoài...

Tuy nhiên, hướng đi này không hẳn dễ dàng. Bà Phạm Thị Hồng Hạnh, Ban Thư ký Đối tác phát triển bền vững, Vụ Hợp tác quốc tế (Bộ NN&PTNT) cho biết: Có tới 99% dự án FDI trong ngành Nông nghiệp được thực hiện thành công nhưng số dự án... còn "nhỏ giọt"...

Tháo gỡ khó khăn

Để đẩy mạnh liên kết "5 nhà" - Nhà nước, nhà đầu tư, nhà nông, nhà khoa học và nhà băng (ngân hàng) - nhằm tạo những điều kiện cần và đủ cho sự phát triển ngành Nông nghiệp nói chung, phát triển nông nghiệp công nghệ cao nói riêng, rất nhiều "điểm nghẽn" về cơ chế, chính sách đang từng bước được tháo gỡ. Hiện, Bộ NN& PTNT đang trong quá trình đề xuất điều chỉnh Luật Đất đai nhằm tạo thuận lợi cho việc tích tụ ruộng đất, tạo tiền đề cho doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp. Ngoài ra, các bộ, ngành chức năng cũng xây dựng nhiều chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

Là một trong những doanh nghiệp thành công trong việc triển khai các dự án nông nghiệp công nghệ cao, Giám đốc Công ty TNHH Đà Lạt Gap Lê Văn Cường cho rằng: Khi ứng dụng công nghệ cao vào nông nghiệp, năng suất tăng từ 1,5 đến 4 lần, quan trọng nhất là chất lượng nông sản được cải thiện. Hiện ở Đà Lạt, diện tích ứng dụng công nghệ cao cho doanh thu trung bình từ 1,2 đến 2,8 tỷ đồng/ha/năm. “Công ty muốn mở rộng xây dựng dự án nông nghiệp công nghệ cao tại một số tỉnh, thành phố phía Bắc. Tuy nhiên, để triển khai được, doanh nghiệp cần quỹ đất lớn. Các doanh nghiệp làm lĩnh vực này đều mong muốn các địa phương có chính sách linh hoạt tạo quỹ đất để đầu tư lâu dài” - ông Cường kiến nghị.

Ngoài khó khăn về tích tụ ruộng đất thì nhiều doanh nghiệp mong muốn Nhà nước hỗ trợ về tài chính, giúp doanh nghiệp đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng các vùng, chuỗi sản xuất... Hơn nữa, đầu tư vào nông nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ, do đó việc tiếp cận nguồn vốn ngân hàng không hề dễ dàng. Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc cho biết: Trong các buổi làm việc với doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, rất nhiều đơn vị kêu khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng do thủ tục rườm rà; việc thế chấp, xác minh tài chính rất phức tạp như yêu cầu xác minh nguồn lợi nhuận ổn định, trong khi sản xuất nông nghiệp chịu nhiều rủi ro bởi thiên tai, thị trường...

Liên quan vấn đề này, được biết Bộ Tài chính đang đề nghị xây dựng Nghị định về bảo hiểm nông nghiệp trình Chính phủ. Trong đó, nổi bật là việc ngân sách nhà nước sẽ hỗ trợ phí bảo hiểm nông nghiệp cho hộ nông dân nghèo, cận nghèo. Bên cạnh đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đặc biệt là đầu tư về nông nghiệp công nghệ cao với những hỗ trợ cụ thể, về hạ tầng, thương hiệu, xúc tiến thương mại nông sản...

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, Bộ sẽ phối hợp với các bộ, ngành, tổng hợp ý kiến, kiến nghị của doanh nghiệp trình Chính phủ. Một tín hiệu khả quan là Chính phủ và các bộ, ngành đang tích cực gỡ khó cho doanh nghiệp về vốn. Đồng thời, Bộ NN&PTNT xây dựng Dự thảo Nghị định về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp và phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định không còn phù hợp trong Nghị định 210/2013/ NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn...

Hy vọng, những khó khăn sau khi được tháo gỡ, liên kết "5 nhà" sẽ phát huy sức mạnh tổng hợp, tạo lực đẩy cho nông nghiệp Việt Nam phát triển nhanh, bền vững.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển nông nghiệp công nghệ cao: Liên kết chặt chẽ “5 nhà”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.