Theo dõi Báo Hànộimới trên

Một đề án, hai mục tiêu

Gia Khánh| 25/04/2017 06:40

(HNM) - Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án đẩy mạnh xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao của các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, phân bón làm vật liệu xây dựng và trong công trình xây dựng.

Theo đề án, trước ngày 30-6-2017, cơ quan chức năng sẽ hoàn thiện quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao. Đồng thời, Nhà nước sẽ hỗ trợ ngân sách và khuyến khích chủ cơ sở phát thải đầu tư kinh phí nghiên cứu, ứng dụng công nghệ xử lý, sử dụng nguồn phế thải này sản xuất vật liệu xây dựng.

Các chủ cơ sở phát thải, chủ đầu tư dự án xây dựng, cơ quan chủ quản nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất có trách nhiệm lập đề án xử lý, tiêu thụ tro, xỉ, thạch cao trình Bộ Công Thương phê duyệt. Các dự án đầu tư xây dựng công trình bằng vốn nhà nước phải ưu tiên sử dụng nếu vật liệu, sản phẩm này bảo đảm hiệu quả kinh tế, kỹ thuật tương đương các loại vật liệu khác.

Tại các nước phát triển, 90% tro, xỉ phát thải được sử dụng làm vật liệu san lấp, làm đê, kè, đường giao thông...; cao hơn là phụ gia xi măng, bê tông đúc sẵn, gạch không nung... Thậm chí, có quốc gia đã thu hồi kim loại, chất dẻo PE, PP... từ tro, xỉ. Việt Nam cũng từng sử dụng tro bay làm phụ gia bê tông tại một số dự án thủy điện. Song, do chính sách trước đây không bắt buộc xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao nên các cơ sở phát thải chỉ cần lưu chứa như nguồn phế liệu mà không tính đến ứng dụng công nghệ, biến nó thành nguồn vật liệu. Hệ quả là mỗi năm tiêu tốn hàng nghìn héc ta đất làm bãi chứa; trong khi lượng phát thải cứ tăng dần (năm 2018 dự tính khoảng 61 triệu tấn, năm 2020 là 109 triệu tấn, năm 2025 là 248 triệu tấn nếu không được xử lý) gây áp lực lớn đến môi trường và nguy cơ trước mắt là các nhà máy phải dừng hoạt động do không có đủ bãi chứa.

Theo ước tính của Bộ Xây dựng từ năm 2017 đến 2020, lĩnh vực xi măng có thể tiêu thụ 22 triệu tấn tro, xỉ; sản xuất gạch không nung tiêu thụ 7 triệu tấn; sản xuất bê tông tiêu thụ 2 triệu tấn; san lấp sử dụng 24 triệu tấn...

Vì thế, với điểm mới là bắt buộc phải xử lý, sử dụng tro, xỉ, thạch cao thu hồi từ nhà máy nhiệt điện, phân bón, hóa chất, các chủ cơ sở phát thải phải chịu trách nhiệm tổ chức xử lý, tiêu thụ chất thải phát sinh trong quá trình sản xuất. Và mục tiêu đến năm 2020 lượng tồn trữ tại các bãi chứa của từng nhà máy phải nhỏ hơn tổng lượng phát thải trong 2 năm sản xuất. Trên cơ sở đó, đề án đã giải quyết 2 vấn đề lớn là xử lý được nguồn chất thải đang tồn trữ lâu nay và biến nó thành nguồn nguyên liệu hữu ích phục vụ phát triển kinh tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Một đề án, hai mục tiêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.