Theo dõi Báo Hànộimới trên

Huyện Mê Linh: "Điểm nóng" về đất đai ít đi theo thời gian

Ngân Hạ| 25/04/2017 16:00

(HNMO) - Đó là khẳng định của ông Bùi Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh tại cuộc họp giao ban báo chí do Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội tổ chức chiều 25-4.

Ông Bùi Xuân Quang, Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh


Trao đổi các nội dung báo chí quan tâm, ông Bùi Xuân Quang cho biết, "điểm nóng" về đất đai tại huyện lúc nào cũng có, lúc nào cũng xảy ra. Nguyên nhân do quá trình quản lý đất đai từ trước đến nay qua nhiều thời kỳ, chính sách có nhiều thay đổi. "Cũng có chỗ nọ chỗ kia buông lỏng quản lý; cán bộ qua các thời kỳ có một vài người làm không hết trách nhiệm, theo đúng quy định nên tồn tại về đất đai, gồm cả đất nông nghiệp và đất ở, lúc nào cũng có" - ông Quang nêu.

Tuy nhiên, đối với Mê Minh, những tồn tại này được huyện uỷ, UBND huyện đặc biệt quan tâm. Tại những "điểm nóng" về đất đai đều được lãnh đạo các cấp tiếp xúc, đối thoại thường xuyên. Đặc biệt với điểm rất "nóng", huyện đều làm hết quy trình thanh tra, kiểm tra. Đồng chí Chủ tịch UBND huyện xuống tận nơi, trực tiếp đối thoại đi đối thoại lại đến lần thứ 2, 3 với những người có bức xúc, vướng mắc. Nhờ vậy, hiện nay, ở Mê Linh, bức xúc nổi cộm, đơn thư vượt cấp dần dần được giải quyết, giảm dần theo thời gian.

Thông tin về kết quả thực hiện Chương trình 02-CTr/TU về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nhân dân, ông Bùi Xuân Quang cho biết, đến hết quý I-2017, huyện đã thực hiện cứng hoá 22,5 km đường giao thông ngõ xóm, 40 km trục chính nội đồng; xây mới một trạm bơm, một trường học và nâng cấp 5 trường học; triển khai xây dựng 2 nhà văn hoá xã và 23 nhà văn hoá thôn...

Huyện quan tâm chỉ đạo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế hộ gia đình, kinh tế trang trại. Trên địa bàn huyện đã hình thành các vùng sản xuất chuyên canh tập trung quy mô lớn (vùng lúa chất lượng cao tại xã Liên Mạc, Tam Đồng, Thanh Lâm...); vùng sản xuất rau an toàn tại các xã Tiền Phong, Tráng Việt, Tiến Thắng, Kim Hoa...; vùng chăn nuôi tập trung các xã Liên Mạc, Tự Lập, Tiến Thắng và đang tiếp tục được mở rộng.

Thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của huyện đến tháng 12-2016 đạt trên 33 triệu đồng/người/năm (tăng trên 4 triệu đồng/người/năm so với năm 2015).

Công tác dồn ghép ruộng đất được BCĐ huyện triển khai quyết liệt, tích cực, kết quả đã dồn được 3.280 ha, đạt 100% kế hoạch TP giao. Sau dồn ghép, UBND huyện đã cấp được 15.521 hộ/16.130 hộ (đạt 96,22%); Số còn lại là 609 hộ (chiếm 3,78%) chưa cấp được do các nguyên nhân như tranh chấp quyền thừa kế; chủ hộ làm ăn xa, vắng nhà; thiếu đất so với tiêu chuẩn cũ...

Huyện đã huy động nguồn vốn lũy kế từ năm 2016 đến hết quý I-2017 là gần 5,5 tỷ đồng. Tuy nhiên, việc huy động đóng góp của nhân dân và doanh nghiệp còn rất hạn chế, trong khi đó ngân sách nhà nước đầu tư cho xây dựng nông thôn mới chưa đáp ứng được.

9 tháng cuối năm, huyện tiếp tục đầu tư cho các tiêu chí chưa đạt, cụ thể: thực hiện cứng hoá 5 km đường giao thông trục chính và liên thôn, 20 km đường giao thông ngõ xóm; xây dựng 3 nhà văn hoá thôn, bảo đảm 100% các thôn trên địa bàn huyện có nhà văn hoá. Tỷ lệ người dân tham gia bảo hiểm y tế đạt 83%; tiếp tục đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo các trường học, đầu tư trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học; Thu nhập bình quân dân cư nông thôn đạt 37 triệu/người/năm; tỷ lệ lao động nông nghiệp qua đào tạo đạt 59%; tỷ lệ người dân được sử dụng nước sạch đạt 48%; tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt 99%.

Ngoài ra, huyện tiếp tục duy trì và hoàn thành các tiêu chí cơ bản đạt tại các xã đã được UBND TP công nhận đạt chuẩn nông thôn mới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Huyện Mê Linh: "Điểm nóng" về đất đai ít đi theo thời gian

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.