Theo dõi Báo Hànộimới trên

Tích tụ và tập trung ruộng đất: Đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu

Võ Lâm| 28/04/2017 06:57

(HNM) - Tích tụ, tập trung ruộng đất là biện pháp cần thiết để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp. Nhưng tích tụ, tập trung ruộng đất ra sao, lộ trình thế nào, đặc biệt là phải đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu là những nội dung nổi bật được trao đổi tại tọa đàm khoa học với chủ đề: “Tích tụ, tập trung ruộng đất ở Việt Nam trong điều kiện mới: Những vấn đề lý luận và thực tiễn”, do Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 27-4, tại Hà Nội.

Việc tích tụ ruộng đất sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho cơ giới hóa, hướng tới mô hình sản xuất hàng hóa.


Tích tụ ruộng đất là cần thiết

Ruộng đất là vấn đề căn bản của một nước nông nghiệp còn chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu ngành kinh tế, nông dân chiếm tỷ lệ lớn trong kết cấu dân cư như Việt Nam. Tình trạng ruộng đất manh mún đang cản trở quá trình áp dụng tiến bộ khoa học - công nghệ, đưa nông nghiệp đi lên sản xuất lớn, đưa nông sản tham gia vào chuỗi giá trị gia tăng toàn cầu, đặt trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường hiện đại và hội nhập quốc tế. Đề dẫn cuộc tọa đàm, Phó Tổng Biên tập phụ trách Tạp chí Cộng sản Đoàn Minh Huấn nhận định: Xung quanh vấn đề tích tụ và tập trung ruộng đất có nhiều ý kiến, có người ủng hộ mạnh mẽ, có người dè chừng thận trọng, có ý kiến phản đối.

Trong 12 ý kiến tham luận trực tiếp tại buổi tọa đàm, hầu hết đều có chung nhận định về sự cần thiết, tính cấp bách của tích tụ và tập trung ruộng đất. PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương cho rằng, đây là vấn đề không mới, nhưng rất "nóng" vì xã hội quan tâm. Thị trường đòi hỏi ngày càng cao với sản phẩm nông nghiệp, vì vậy, nếu không tổ chức được tích tụ ruộng đất thì không thể tổ chức sản xuất hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu tình hình mới.

Đây còn là một trong những giải pháp tháo gỡ khó khăn để đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tuy nhiên, theo PGS.TS Nguyễn Văn Thạo, phải đặt tích tụ ruộng đất trong tổng thể công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; trong kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hài hòa lợi ích các bên. Ông đặc biệt nhấn mạnh, phải thực hiện tích tụ ruộng đất một cách cẩn thận để tránh sai sót.

PGS.TS Nguyễn Cúc, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị khu vực I khẳng định, tích tụ ruộng đất là cơ sở quan trọng để hiện đại hóa quốc gia, vì nếu người dân cứ “ôm đất” thì không thể chuyển dịch cơ cấu lao động nông thôn hiện nay. GS.TS Đỗ Thế Tùng, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế - Chính trị, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh cho rằng, những hộ dân giữ ruộng sản xuất lúa manh mún hiện nay, mỗi ngày chỉ lãi được vài nghìn đồng. Để khắc phục tình trạng này, cần loại bỏ tâm lý e ngại tích tụ và tập trung ruộng đất, sợ doanh nghiệp tập trung ruộng đất, sản xuất quy mô lớn. Điều quan trọng là doanh nghiệp có thực hiện đúng các quy định pháp luật hay không.

Phải chuyển đổi nghề cho nông dân

Trên cả nước đã hình thành một số mô hình tích tụ ruộng đất có tính chất ban đầu. Tuy nhiên, chưa có mô hình nào hội đủ các điều kiện để có thể nhân rộng trên quy mô toàn quốc. Theo PGS.TS Trần Quốc Toản, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Đảng, Nhà nước cần có khung chính sách chung về tích tụ ruộng đất, nhưng có sự linh hoạt, phù hợp với từng khu vực, từng địa phương, trong từng thời kỳ, bảo đảm lợi ích các bên, trong đó có hộ nông dân.

PGS.TS Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, đại biểu Quốc hội (Đoàn Hà Nội) cho rằng, Nhà nước cần sử dụng hiệu quả những công cụ kinh tế, trong đó có chính sách thuế để khuyến khích tích tụ ruộng đất. “Miễn thuế đất nông nghiệp là chính sách kìm hãm sự phát triển nông nghiệp. Vì không phải lo nộp thuế, người ta sẵn sàng giữ đất và bỏ hoang thay vì ủng hộ chủ trương tích tụ ruộng đất” - PGS.TS Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Thực hiện tích tụ ruộng đất sẽ có những chủ thể gồm hộ nông dân, doanh nghiệp, hợp tác xã và Nhà nước. Theo PGS.TS Nguyễn Cúc, trong các chủ thể tham gia tích tụ ruộng đất, cơ bản nhất, quan trọng nhất là chủ thể hộ nông dân với mô hình trang trại. Nhiều ý kiến đồng ý cho rằng, tích tụ ruộng đất phải bắt đầu từ mô hình nông hộ. Các hộ nông dân có điều kiện tích tụ ruộng đất sẽ phát triển lớn mạnh và trên cơ sở sự phát triển này mới xây dựng các mối quan hệ hợp tác xã, hợp tác với doanh nghiệp.

Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Nguyễn Văn Thạo phân tích, khi tích tụ ruộng đất, trong mối quan hệ giữa Nhà nước, nông dân và doanh nghiệp thì chủ thể người dân là yếu thế nhất. Nên khi ban hành cơ chế, chính sách, Nhà nước phải quan tâm đến lợi ích của người dân, thậm chí phải đặt ở vị trí hàng đầu. PGS.TS Nguyễn Cúc chỉ ra rằng, đặc điểm của sản xuất nông nghiệp là tỷ suất lợi nhuận rất thấp, nếu không có chính sách khuyến khích phù hợp, doanh nghiệp sẽ không tham gia đầu tư.

Nhiều chuyên gia đặc biệt lưu ý cần tính toán, có giải pháp đối với mặt trái, những tác động tiêu cực từ tích tụ ruộng đất đến xã hội, đặc biệt là đời sống nông dân. GS.TS Đỗ Thế Tùng cho rằng: “Tích tụ và tập trung ruộng đất quy mô lớn chắc chắn sẽ thừa lao động, chủ yếu ở độ tuổi 30 - 40, nên chúng ta phải tính toán để chuyển đổi nghề nghiệp cho họ". Cùng chung quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Lan Hương, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động - Xã hội, nhấn mạnh: Tích tụ ruộng đất chỉ là phương tiện, vấn đề chính là phải chuyển đổi cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động. Hiện nay, chuyển dịch cơ cấu lao động rất chậm so với chuyển dịch ruộng đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Tích tụ và tập trung ruộng đất: Đặt lợi ích của nông dân lên hàng đầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.