Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nông dân gặp khó với truy xuất nguồn gốc

Tiến Thành| 08/05/2017 07:09

(HNM) - Mô hình truy xuất nguồn gốc sản phẩm rau, củ, quả tại TP Hồ Chí Minh đã kết thúc 3 tháng thí điểm giai đoạn 1 với một số kết quả khả quan. Thế nhưng, người nông dân vẫn gặp nhiều khó khăn khi đưa công nghệ truy xuất vào sản xuất, khiến hiệu quả chưa đạt mục đích đề ra.


Người sản xuất còn lúng túng

Theo Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, các đơn vị thực hiện thí điểm công nghệ truy xuất nguồn gốc là HTX Phước An (huyện Bình Chánh), HTX Phú Lộc (huyện Củ Chi) đã dán tem truy xuất trên 16 chủng loại sản phẩm rau, củ, quả theo tiêu chuẩn VietGAP của 168 hộ nông dân.

Đến nay, sản lượng mỗi ngày của 2 HTX đạt từ 8 đến 10 tấn, gấp đôi sản lượng tại thời điểm công bố triển khai, chiếm 60% sản lượng bán ra của các HTX. Đối với Công ty CP Kỹ thuật Việt (huyện Củ Chi), quy trình dán tem truy xuất nguồn gốc bước đầu áp dụng vào sản xuất. Tuy nhiên, về thị trường tiêu thụ, chỉ tính riêng hệ thống siêu thị Co.op Mart đã tăng bình quân 10-15% sản lượng.

Người dân TP Hồ Chí Minh truy xuất nguồn gốc rau, củ, quả thông qua ứng dụng trên điện thoại.


Tuy vậy, mô hình thí điểm còn tồn tại nhiều vấn đề. Theo ông Nguyễn Quốc Toản, Phó Giám đốc HTX Phú Lộc, hiện tại HTX phải thay đổi giấy in liên tục vì mỗi nhãn tem của các siêu thị lại có kích cỡ, mẫu mã và số liệu khác nhau. Vấn đề ghi nhật ký sản xuất cũng khiến bà con nông dân gặp khó bởi mọi số liệu đều ghi lại bằng tay, sau đó nhập thủ công trên máy tính. Gần đến ngày thu hoạch bà con nộp số liệu về HTX, sau đó HTX lại phải nhập lại vào chương trình truy xuất, tốn khá nhiều thời gian. Ông Đào Thanh Đức, Phó Giám đốc HTX Phước An cho biết, trình độ bà con nông dân còn hạn chế nên ghi nhật ký sản xuất chưa rõ ràng...

Ông Trương Văn Bảo, Giám đốc Công ty CP Kỹ thuật Việt cho rằng, đối với quy trình GlobalGAP mà công ty đang thực hiện có rất nhiều thủ tục, sau đó lại phải chọn lọc các dữ liệu phù hợp nhập lên chương trình truy xuất nguồn gốc. Mặc dù đã được tập huấn nhưng các kỹ thuật viên của công ty vẫn còn nhiều bỡ ngỡ. Theo ông Bảo, đây cũng là lý do khiến việc dán tem truy xuất và đưa sản phẩm ra thị trường của công ty bị chậm mất 1 tháng.

Để chuyển đổi phần mềm giữa GlobalGAP sang mô hình truy xuất nguồn gốc cũng phức tạp và tốn nhiều nhân công, chi phí. Ngoài ra, một số thông tin truy xuất nguồn gốc cũng không thực sự cần thiết với người tiêu dùng.

Hoàn thiện và nhân rộng mô hình


Là đơn vị cung cấp quy trình truy xuất nguồn gốc cho HTX Phước An và Phú Lộc, theo bà Nguyễn Thị Hồng Minh, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Giải pháp và Dịch vụ truy xuất nguồn gốc (TraceVerified), mã QR dán trên sản phẩm rau có cùng một kích cỡ, chỉ có nhãn dán thì khác nhau, do đó các siêu thị cần thống nhất nhãn chứa mã QR để các HTX thuận tiện hơn khi in. Với vấn đề ghi chép quá trình sản xuất, vì đang trong quá trình thí điểm nên TraceVerified chưa hướng dẫn cụ thể do hệ thống khá phức tạp. Bên cạnh đó, Sở NN&PTNT TP cần có chính sách khuyến khích các đơn vị sản xuất tự làm truy xuất nguồn gốc, vì cơ quan chức năng không thể hỗ trợ tất cả cùng thực hiện.

Theo ông Trần Ngọc Hổ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Hồ Chí Minh, Sở sẽ bàn bạc đơn vị cung cấp dịch vụ để dần bổ sung, chuẩn hóa những giải pháp truy xuất để tạo lập một quy chuẩn chung, thuận tiện hơn cho người sản xuất và tiêu dùng, đồng thời cũng là công cụ kiểm tra của cơ quan quản lý. Trong giai đoạn 2 mô hình sẽ tiếp tục nhân rộng nhưng đi từng bước vững chắc, bằng biện pháp động viên khuyến khích, tạo điều kiện cho tất cả các HTX có đủ điều kiện cùng tham gia. Sở NN&PTNT thành phố sẽ có những hỗ trợ về giải pháp quản lý, quảng bá thương hiệu, kết nối cung cấp sản phẩm và hỗ trợ một phần kinh phí ban đầu. Tuy nhiên, các HTX, doanh nghiệp cũng cần phải tự lực vì Nhà nước chỉ hỗ trợ ban đầu chứ không bao cấp tất cả.

Bà Huỳnh Thị Kim Cúc, Phó ban Quản lý An toàn thực phẩm TP Hồ Chí Minh cho rằng, trong thời gian tới Ban quản lý đề nghị các HTX, doanh nghiệp mạnh dạn tham gia vào mô hình để người tiêu dùng tin vào sản phẩm. Các đơn vị cung cấp dịch vụ cần cải tiến phần mềm để vừa giúp người nông dân thuận lợi trong nhập dữ liệu, dần thay đổi tập quán của nhà nông. Ban quản lý cũng sẽ tham gia cùng các sở, ngành trong công tác truy xuất nguồn gốc, mục tiêu để người tiêu dùng được sử dụng sản phẩm an toàn và người sản xuất rau, củ, quả an toàn bán được sản phẩm.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nông dân gặp khó với truy xuất nguồn gốc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.