Theo dõi Báo Hànộimới trên

Kiến nghị bỏ Điều 292 - Bộ luật Hình sự 2015: Vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

Việt Nga| 12/05/2017 07:08

(HNM) - Sau khi Chính phủ có ý kiến đề xuất bỏ Điều 292 (Bộ luật Hình sự 2015) về tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính và mạng viễn thông và một số điều luật khác, cuối tháng 6-2016, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ra Nghị quyết tạm hoãn thi hành Bộ luật này.



Cũng từ thời điểm đó đến nay, cộng đồng công nghệ thông tin tiếp tục kiến nghị đến Chính phủ, Quốc hội đề nghị bỏ Điều 292 hoặc tạm hoãn thi hành một số quy định của điều này vì sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…


Việc xóa bỏ hoặc tạm hoãn thi hành một số quy định của Điều 292 - Bộ luật Hình sự 2015 sẽ tạo thuận lợi cho hoạt động kinh doanh trên mạng. Ảnh: Anh Tuấn


Cộng đồng doanh nghiệp đồng loạt lên tiếng

Từ năm 2016, Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã gửi kiến nghị đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Trong văn bản này, VCCI đã đề nghị điều chỉnh các nội dung cụ thể như bỏ Điều 292 và phi hình sự hóa các hành vi cung cấp dịch vụ không có, không đúng giấy phép đối với: Sàn giao dịch thương mại điện tử; trò chơi điện tử trên mạng; trung gian thanh toán; các dịch vụ khác, bao gồm trang thông tin điện tử, mạng xã hội, dịch vụ nội dung trên mạng viễn thông. Đồng thời, bổ sung thêm tội danh mới về các hành vi vi phạm quy định về sở giao dịch hàng hóa (trừ chứng khoán). Tội danh này sẽ bao gồm việc xử lý đối với hành vi cung cấp dịch vụ kinh doanh vàng tài khoản và website hoạt động theo phương thức sở giao dịch hàng hóa. VCCI cũng đề nghị bổ sung tội danh về kinh doanh đa cấp bất chính (bao gồm cả hành vi kinh doanh đa cấp bất chính trên mạng). Trong đó, VCCI nêu rõ quan điểm, Điều 292 đã hình sự hóa nhiều hành vi vốn chỉ nên xử lý hành chính, ví dụ như cung cấp trò chơi điện tử trên mạng mà không có giấy phép; đồng thời nhấn mạnh, điều luật này không phù hợp với cách thức kinh doanh trong lĩnh vực thông tin, đặc biệt là các dịch vụ mới, các doanh nghiệp (DN) khởi nghiệp.

Cũng trong năm 2016, Hiệp hội Phần mềm và Dịch vụ công nghệ thông tin Việt Nam (VINASA) cũng gửi bản kiến nghị 10 điểm đến nhiều cơ quan. Trong đó, ngoài việc nêu rõ Điều 292 là trái các quy định trong Hiến pháp, chủ trương đường lối phát triển kinh tế, phát triển CNTT của Đảng, Nhà nước, VINASA còn chỉ ra điều này không phù hợp với sự phát triển của thời đại số; tạo nên sự bất bình đẳng giữa DN hoạt động kinh doanh trong nước và DN hoạt động kinh doanh nước ngoài; có tác động tiêu cực đến sự phát triển của ngành CNTT. Vì vậy, VINASA đề xuất bãi bỏ Điều 292 đồng thời kiến nghị rà soát lại một số điều để loại bỏ, chỉnh sửa những quy định có tính chất hình sự hóa các hoạt động kinh doanh.

Gần đây nhất, ngày 13-3-2017, tại cuộc hội thảo góp ý về Điều 292 do Ủy ban Tư pháp của Quốc hội và Bộ Công an tổ chức, đại diện Công ty CP VNG nhấn mạnh mặt tích cực của Điều 292 như: Bổ sung thêm công cụ để có thể bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của những người sử dụng các dịch vụ trên mạng; phòng, chống việc thất thoát thuế và đề cao tính răn đe, phòng ngừa các hành vi vi phạm, hạn chế tái phạm. Bên cạnh đó, Công ty này cũng kiến nghị cơ quan soạn thảo nên hủy bỏ, hoặc tạm dừng áp dụng Điều 292 trong Bộ luật Hình sự 2015 vì nhiều quy định không phù hợp…

Không nên phân biệt hành vi trên mạng và thực tế đời sống

Trao đổi với Báo Hànộimới, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cho biết, hủy bỏ Điều 292 là cần thiết do: Điều 292 xác định mức độ hình sự với tội cung cấp dịch vụ trái phép trên mạng máy tính và mạng viễn thông là không cần thiết. Vì, để chứng minh tội phạm thì phải thông qua việc đánh giá hậu quả và điều này được áp dụng đối với thực tế đời sống và trên mạng, chỉ khác nhau hành vi trên mạng là gì và hành vi trong thực tế là gì. Trong khi đó, môi trường pháp lý cho thực tế đời sống đã có, vậy có cần thiết phải quy định riêng trên mạng? Thực tế, khi xác định hành vi trên mạng, cơ quan điều tra, quản lý hoàn toàn có thể xác định hành vi đó gây ra sai phạm gì, hậu quả như thế nào và hành vi này tương đương với hành vi nào được quy vào những điều luật đã ban hành trong thực tế đời sống.

Thứ hai, nếu để Điều 292, dư luận sẽ đặt câu hỏi, phải chăng chúng ta không khuyến khích ngành CNTT Việt Nam phát triển, nhất là khi chúng ta đang nói nhiều về thời cơ và cơ hội của Việt Nam trước sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0! Trong khi đó ở nhiều nước phát triển, trong giai đoạn đầu phát triển CNTT, họ thực hiện miễn thuế để thúc đẩy phát triển thương mại điện tử.

Cũng theo phân tích của ông Vũ Hoàng Liên, khi đặt ra quy định này, phải chăng cơ quan pháp luật đang lo ngại việc quản lý hành vi vi phạm trên mạng khó hơn so với hành vi trong thực tế đời sống? Cá nhân ông Liên cho rằng, quản lý hành vi trên mạng chưa chắc khó hơn so với thực tế đời sống vì hành vi vi phạm ở đời sống là do con người trực tiếp điều khiển với sự biến hóa, đa dạng, tức thời… Còn trên mạng, để thực hiện, kẻ xấu phải có sự chuẩn bị; phải có công nghệ; do đó gần như các hành vi đều lường trước được. Vì vậy, trách nhiệm của cơ quan thực thi pháp luật là phải nắm bắt được kịch bản, hành vi xấu, gian lận trên mạng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Kiến nghị bỏ Điều 292 - Bộ luật Hình sự 2015: Vì cuộc cách mạng công nghiệp 4.0

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.