Theo dõi Báo Hànộimới trên

Liên kết để tạo sức mạnh

Thanh Hiền| 13/05/2017 06:47

(HNM) - Tổ chức hội chợ hàng Việt; hỗ trợ doanh nghiệp phát triển sản xuất, tiêu thụ sản phẩm... là những chương trình thiết thực được Ban Chỉ đạo cuộc vận động


Hàng Việt Nam dần chiếm thị phần lớn tại các siêu thị.



Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Doãn Toản đã yêu cầu các DN sản xuất đầu tư quảng bá sản phẩm, thương hiệu, nâng cao chất lượng sản phẩm; tiếp tục thực hiện tốt cuộc bình chọn "Hàng Việt Nam được người tiêu dùng ưa thích"; gắn cuộc vận động với các hoạt động hỗ trợ DN của thành phố, cùng thành phố và các sở, ngành tập trung tháo gỡ khó khăn cho DN.

Hỗ trợ sản xuất, xây dựng ý thức dùng hàng Việt

Những khó khăn về kinh tế trong 4 tháng đầu năm đã tác động không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp (DN) cũng như đời sống nhân dân, đặc biệt là người có thu nhập thấp. Trước tình hình đó, Ban Chỉ đạo (BCĐ) cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội đã tổ chức các chương trình kết nối, đưa hàng Việt tới tận tay người tiêu dùng, đồng thời hỗ trợ các DN đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.

Bà Lê Thị Kim Oanh, Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) Việt Nam TP Hà Nội, Phó Trưởng BCĐ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội cho biết, từ đầu năm, BCĐ và các quận, huyện đã tổ chức 22 phiên chợ hàng Việt, 5 tuần hàng Việt, 190 chuyến bán hàng lưu động tại khu vực ngoại thành, khu công nghiệp. Tổng doanh thu của các hoạt động này đạt gần 22 tỷ đồng. Đặc biệt, qua Hội Nông dân TP Hà Nội, 33 phiên giao dịch nông sản an toàn đã được tổ chức, tạo điều kiện để nông dân xúc tiến xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu nông sản tiêu biểu.

Để đẩy mạnh các hoạt động giao thương giữa Hà Nội và các vùng kinh tế, BCĐ đã phối hợp tổ chức tuần hàng Sơn La tại Hà Nội; hội nghị hợp tác, phát triển lĩnh vực công thương; xây dựng kế hoạch liên kết vùng; tổ chức đoàn tham gia hội chợ quốc tế về thủ công mỹ nghệ tại Singapore. Đối với cộng đồng DN, BCĐ đã triển khai các chương trình phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực, phát triển thương hiệu, khuyến công, phát triển làng nghề... qua đó giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. Công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại cũng đã được các lực lượng chức năng thực hiện hiệu quả. Trong 4 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng thành phố đã kiểm tra 17.402 trường hợp, xử lý 8.134 vụ vi phạm; tổng số tiền thu nộp ngân sách từ phạt hành chính, bán hàng tịch thu… lên tới hơn 1.078 tỷ đồng; đồng thời quyết định khởi tố 34 đối tượng.

Nhận xét về kết quả triển khai cuộc vận động những tháng đầu năm, bà Lê Thị Kim Oanh cho rằng, người tiêu dùng đã có ý thức ưu tiên lựa chọn các sản phẩm nội địa khi mua sắm. Tỷ lệ sử dụng hàng Việt tại các công sở, cơ quan tăng hơn so với năm trước, tạo điều kiện để sản xuất trong nước phát triển. Tuy nhiên, vẫn có một số đơn vị, sở, ngành chưa thực sự quan tâm đến việc triển khai cuộc vận động. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu, hàng kém chất lượng vẫn lưu hành trên thị trường làm suy giảm lòng tin của người tiêu dùng.

Kết nối hàng Việt giữa các vùng kinh tế

Để cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được triển khai thiết thực, hiệu quả, TP Hà Nội sẽ thực hiện nhiều giải pháp trong những tháng tới. Bà Trần Thị Phương Lan, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, bên cạnh việc đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, hỗ trợ DN chủ động tham gia chương trình, Sở sẽ tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng mạng lưới các điểm bán hàng Việt lưu động, cố định đến các địa phương, đặc biệt là vùng nông thôn, miền núi. Việc đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử để quảng bá, mở rộng thị trường, tiêu thụ sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ làng nghề Hà Nội cũng sẽ được thực hiện nhằm tạo ra sức lan tỏa của cuộc vận động.

Cũng theo bà Trần Thị Phương Lan, riêng lĩnh vực bình ổn, kiểm soát thị trường, Sở Công Thương tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc điều tra, rà soát, lập danh sách cơ sở có biểu hiện nghi vấn buôn lậu, gian lận thương mại; tổ chức kiểm soát chặt chẽ các chợ đầu mối, điểm tập kết hàng hóa, đầu mối giao thông như nhà ga, bến xe... Việc chống hàng giả, hàng kém chất lượng sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, góp phần tạo môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng cho các DN.

Ông Vũ Hồng Khanh, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội, Trưởng BCĐ cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" TP Hà Nội cũng cho biết, từ nay đến cuối năm, BCĐ sẽ đẩy mạnh tuyên truyền hướng tới mục tiêu 100% người dân và DN trên địa bàn biết, hưởng ứng cuộc vận động ý nghĩa này. Bên cạnh việc tổ chức những hoạt động thường xuyên, như: Tháng khuyến mãi, hội chợ hàng Việt, tuần bán hàng Việt tại các quận, huyện, khu công nghiệp, khu chế xuất... BCĐ sẽ đẩy mạnh chương trình liên kết thương mại, công nghiệp giữa Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước; đưa hàng hóa, đặc sản các vùng miền về Thủ đô và đưa hàng Việt Nam chất lượng cao đến với người tiêu dùng các địa phương.

Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” của TP Hà Nội sẽ trở thành cầu nối quan trọng, đưa những sản phẩm Việt uy tín, chất lượng đến tận tay người tiêu dùng. Quan trọng hơn, việc mở rộng liên kết hoạt động thương mại, công nghiệp giữa Hà Nội và các vùng kinh tế trọng điểm sẽ mở ra những cơ hội hợp tác kinh doanh hiệu quả, giúp hàng Việt nói chung, hàng Việt do DN Hà Nội sản xuất nói riêng vươn tới mọi miền của Tổ quốc và xuất khẩu ra thị trường quốc tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Liên kết để tạo sức mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.