Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài đầu: Những cuộc khủng hoảng thừa

Ngọc Quỳnh - Đào Huyền| 22/05/2017 06:49

(HNM) - LTS: Việt Nam là một trong những quốc gia có nhiều nông sản xuất khẩu nhưng đa số mới chỉ dừng ở dạng thô. Tuy chất lượng không thua kém các nước trong khu vực nhưng nông sản Việt luôn “lép vế” trong cạnh tranh. Vì thế, để nông sản Việt bứt phá, khẳng định được giá trị, rất cần giải pháp mạnh từ

Những năm gần đây, nông dân trồng dưa hấu luôn gặp khó khăn do cung vượt cầu.Ảnh: Nguyễn Tuyền


Diễn biến một loạt cuộc “giải cứu” lợn, dưa hấu, chuối... thời gian qua là hồi chuông cảnh báo về việc sự bất ổn định của nông sản. Thực trạng sản xuất chạy theo số lượng, bảo quản sau thu hoạch yếu khiến chất lượng nông sản không đáp ứng yêu cầu thị trường đang dẫn đến những cuộc khủng hoảng thừa...

"Phá rào", chất lượng kém

Từ nhiều năm nay, cứ đến vụ thu hoạch dưa hấu, nông dân tỉnh Quảng Ngãi lại rơi vào tình trạng "được mùa - mất giá" và chương trình “giải cứu" dưa hấu tiếp tục được phát động đến mức... gây nản. Tình trạng này xảy ra liên tục, nông dân chịu thiệt hại không nhỏ nhưng đến nay vẫn chưa có giải pháp triệt để. Trong cuộc họp với Bộ NN&PTNT về chương trình tiêu thụ nông sản mới đây, ông Dương Văn Tô, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Quảng Ngãi cho biết: Khoảng 5 năm trước, bắt đầu rộ lên mô hình trồng dưa hấu, trong năm đầu dưa hấu được thương lái thu mua, bán sang Trung Quốc với giá cao. Tuy nhiên, các năm sau, thương lái ngừng mua, khiến dưa hấu rơi vào tình trạng "khủng hoảng thừa".

Cùng tâm trạng, Phó cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Như Cường cho biết, theo quy hoạch của Bộ NN& PTNT, diện tích hồ tiêu cả nước đến năm 2020, định hướng tới năm 2030 chỉ ổn định 50.000ha. Tuy nhiên, đến cuối năm 2016, diện tích trồng tiêu đã vượt "đích" với con số 110.000ha, gấp 2,2 lần so với quy hoạch.

Không chỉ riêng cây trồng, hiện các cấp từ trung ương đến địa phương đang "đau đầu" tìm mọi biện pháp để "giải cứu" đàn lợn còn tồn khi giá lợn giảm kỷ lục nhất trong 30 năm trở lại đây... Trao đổi về vấn đề này, Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) Hoàng Thanh Vân cho biết: Hiện tổng đàn lợn cả nước đạt 30 triệu con, số lượng này tăng theo từng năm trong khi sản phẩm thịt chủ yếu chỉ phục vụ thị trường trong nước nên áp lực về "đầu ra" rất lớn. Trong đợt khủng hoảng thừa này, theo tính toán của Cục Chăn nuôi, đến hết tháng 6-2017, cả nước thiệt hại 10.000 tỷ đồng.

Ngoài việc "phá rào" quy hoạch, sản xuất nông nghiệp còn chưa bảo đảm các điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm dẫn tới chất lượng kém. Ông Hồ Xuân Hùng - Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lý giải: Trong thời gian dài, sản xuất nông nghiệp chỉ tập trung vào số lượng, năng suất, mà ít quan tâm chất lượng.

Trong khi đó - có một thông tin rất đáng suy nghĩ: Ngành chăn nuôi của Mỹ có số lượng đầu lợn nuôi tương đương với Việt Nam, nhưng Mỹ lại xuất khẩu được từ 2 đến 3 triệu tấn/năm sang thị trường các nước: Mexico, Nhật Bản và Trung Quốc... Trong khi đó, Việt Nam hầu như chưa xuất khẩu được thịt lợn, nếu có, chỉ theo đường tiểu ngạch sang Trung Quốc với số lượng không nhiều.

“Nguyên nhân chủ yếu do thịt lợn trong nước sản xuất chưa đáp ứng các điều kiện về vệ sinh an toàn thực phẩm, từ việc nhập con giống tới quy trình chăm sóc, chế biến và bảo quản sản phẩm... Thịt không chứng minh được nguồn gốc xuất xứ nên khó tạo niềm tin với người tiêu dùng” - ông Hồ Xuân Hùng cho biết.

Loay hoay khâu bảo quản...

Việt Nam là một trong những nước xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng giá xuất khẩu thấp.Ảnh: Thành Nam


Không chỉ yếu kém ở khâu sản xuất, khâu bảo quản và xúc tiến thương mại của Nông nghiệp Việt Nam vẫn đang "loay hoay" tìm hướng đi thích hợp. Theo Bộ NN&PTNT, hiện nay Việt Nam có 10 loại nông sản xuất khẩu chủ lực, được xếp vào nhóm đầu thế giới nhưng giá một số nông sản luôn thấp hơn nhiều so với các nước bởi chất lượng chưa đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm của các nước nhập khẩu.

Ông Huỳnh Thế Năng, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực cho biết, nhiều năm nay, Việt Nam luôn là một trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu, nhưng giá xuất lại thấp nhất thế giới. Nguyên nhân chủ yếu do các doanh nghiệp chưa quan tâm tới đầu tư máy móc trang thiết bị trong thu hoạch, phơi sấy, xay xát, bảo quản...

Tương tự, sản phẩm chăn nuôi của nước ta đang phát triển nhưng số doanh nghiệp đầu tư kho lạnh bảo quản và chế biến thành các sản phẩm khác đạt tiêu chuẩn xuất khẩu mới chỉ "đếm trên đầu ngón tay". Ông Đỗ Quang Vinh - Giám đốc Công ty cổ phần Thực phẩm Vinh Anh (Hà Nội) cho biết, công ty chưa tính toán đến xây dựng kho lạnh để bảo quản sản phẩm và chế biến, vì hàng tỷ đồng đầu tư kho lạnh đối với doanh nghiệp vừa và nhỏ là một số tiền khá lớn.

Khâu bảo quản sản phẩm đã kém như vậy, khâu tiêu thụ lại càng khó khăn. Hầu hết các sản phẩm nông sản Việt luôn bị động, phụ thuộc vào thương lái. Ông Nguyễn Đỗ Anh Tuấn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn (Bộ NN&PTNT) chia sẻ, hiện nay, đang tồn tại tình trạng: Nông dân "mạnh ai nấy trồng", thương lái "mạnh ai nấy bán" và rất nhiều "không" trong khâu sản xuất như không có kế hoạch, không có tổ chức, không tính toán đến đầu ra...

Bên cạnh đó, do không bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm, chưa có thương hiệu, nên nông sản của Việt Nam chỉ xuất khẩu dưới dạng thô. Trong khi đó, ở thị trường trong nước 90% lượng tiêu thụ "trông chờ" vào thương lái; việc liên kết giữa nông dân và doanh nghiệp còn lỏng lẻo, dẫn tới khi vào vụ thu hoạch, nếu sản phẩm dư thừa, nông dân không biết bán cho ai.

(Còn nữa) 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài đầu: Những cuộc khủng hoảng thừa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.