Theo dõi Báo Hànộimới trên

Loay hoay tiêu thụ nông sản sạch

Ngọc Quỳnh| 02/06/2017 06:59

(HNM) - Các địa phương ngoại thành Hà Nội đang tích cực sản xuất nông sản an toàn để đưa vào siêu thị nhằm đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm...

Kiểm tra chất lượng rau sạch tại vườn trồng của Công ty VinEco.


Nông dân và doanh nghiệp vẫn khó "gặp nhau"

Mỗi ngày, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn cung cấp cho thị trường Hà Nội hàng chục tấn nông sản, thực phẩm. Tuy nhiên việc tiêu thụ nông sản sạch chủ yếu ở chợ đầu mối, việc đưa được vào siêu thị rất ít và khá nan giải. Bà Nguyễn Thị Năm, xã Thanh Xuân cho biết: Gia đình nuôi 30 con lợn sạch cho ăn bằng cám gạo, rau, củ, thời gian nuôi 8 tháng, nhưng đến kỳ xuất chuồng vẫn khó kiếm người mua...

Cùng cảnh ngộ, ông Nguyễn Khắc Đạo ở xã Tiền Yên, huyện Hoài Đức cho biết: Gia đình trồng 7 sào rau an toàn, dù đã ký hợp đồng tiêu thụ với một số đối tác cung ứng cho siêu thị nhưng doanh nghiệp chỉ thu mua khoảng 10% lượng rau sản xuất được, còn lại phải đem ra chợ đầu mối tiêu thụ...

Trong khi nông dân gặp vô vàn khó khăn trong việc tiêu thụ, thì nhiều doanh nghiệp lại cho rằng, nông sản, thực phẩm sạch chưa đáp ứng yêu cầu vệ sinh an toàn thực phẩm để đưa vào siêu thị. Nói về mâu thuẫn này, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Bộ NN&PTNT) Đào Văn Hồ thừa nhận: Hằng năm Trung tâm tổ chức từ 4 đến 5 hội chợ, kết nối cung cầu, dù số lượng khách hàng đến mua lẻ khá nhiều nhưng để nông dân và doanh nghiệp ký kết hợp đồng bao tiêu sản phẩm chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Khảo sát trên thị trường và thông tin từ Bộ NN&PTNT được biết, số lượng nông sản sạch tiêu thụ trong siêu thị hiện mới chỉ từ 10 đến 20% so với sản lượng sản xuất. Nguyên nhân do nông sản chưa đáp ứng tiêu chuẩn thực hành sản xuất nông nghiệp tốt (VietGAP). “Nông dân cho rằng sản phẩm sạch nhưng khi siêu thị cần chứng minh nguồn gốc lại không đưa ra được bất kỳ một loại giấy tờ nào liên quan làm căn cứ. Để xảy ra tình trạng này do nông dân chưa có thói quen ghi chép nhật ký chăm sóc cây trồng, vật nuôi và các điều kiện để được cấp giấy chứng nhận cơ sở sản xuất an toàn” - ông Đào Văn Hồ nhìn nhận.

Trao đổi nội dung trên, bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Nhất Nam, đơn vị có chuỗi siêu thị Aeon Fivimart, chia sẻ: Hiện Aeon Fivimart có 25 điểm kinh doanh trên địa bàn TP Hà Nội với 75% là kinh doanh nông sản, 25% các mặt hàng khác. Một trong những khó khăn của siêu thị khi hợp tác tiêu thụ nông sản với nông dân là do nhiều loại nông sản chưa đáp ứng yêu cầu về thủ tục giấy tờ, như: Kiểm định chất lượng, mẫu mã, tem nhận diện cũng như khâu thu gom, bảo quản, vận chuyển còn sơ sài. Thậm chí, nhiều hợp tác xã không có hóa đơn giá trị gia tăng gây vướng mắc cho doanh nghiệp khi làm thủ tục thanh toán.

Hỗ trợ sản xuất đúng quy trình

Chăm sóc rau sạch trong nhà lưới tại xã Nam Hồng, huyện Đông Anh. Ảnh: Khánh Nguyên


Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Huy Đăng cho biết, để giải quyết những vướng mắc khi đưa nông sản sạch vào siêu thị, các địa phương đã đẩy mạnh mô hình liên kết chuỗi nhằm truy xuất nguồn gốc. Ngoài ra, để gỡ những "nút thắt" trong khâu tiêu thụ nông sản sạch, Sở NN&PTNT tiếp tục phối hợp với các địa phương hỗ trợ nông dân sản xuất mô hình nông nghiệp an toàn, chú trọng hướng dẫn người dân ghi chép nhật ký từ việc nhập cây giống, con giống đến quy trình chăm sóc, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... đúng kỹ thuật.

Đề xuất giải pháp nhằm tăng cường liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân sản xuất nông sản sạch, ông Nguyễn Văn Hào, Giám đốc Hợp tác xã Rau an toàn Tiền Lệ, xã Lại Yên, huyện Hoài Đức cho rằng, các hợp tác xã đều gặp khó khăn về nguồn kinh phí (khoảng 20 đến 30 triệu đồng) để được cấp giấy chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Vì vậy, chính quyền địa phương cần tạo điều kiện tháo gỡ vướng mắc cho hợp tác xã khi làm thủ tục cấp giấy chứng nhận VietGAP lần đầu và cấp lại theo quy định.

Đồng quan điểm trên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam cho rằng: Các ngành chức năng thành phố cần hướng dẫn người dân sản xuất theo đúng quy trình kỹ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu của siêu thị khi ký kết hợp đồng tiêu thụ. Đồng thời, ngành Nông nghiệp tiếp tục tăng cường tổ chức xúc tiến thương mại, trao đổi thông tin thị trường, hàng hóa thông qua hội chợ thường niên hằng năm. Bên cạnh đó, nông dân, hợp tác xã chủ động ứng dụng công nghệ hiện đại vào quá trình chăm sóc, thu hoạch, bảo quản; đa dạng hóa sản phẩm; xây dựng thương hiệu, nhãn mác, có hóa đơn chứng từ nhằm chứng minh nguồn gốc xuất xứ.

Hiện nay do quy trình sản xuất của nông dân thiếu bài bản cũng như năng lực hoạt động của hợp tác xã yếu dẫn tới cung - cầu chưa gặp nhau. Do vậy, để ngày càng có nhiều mặt hàng nông sản sạch vào siêu thị, trở thành nơi cung cấp chính cho người tiêu dùng cần sự vào cuộc của các cấp, các ngành trong việc hỗ trợ nông dân thay đổi thói quen sản xuất truyền thống sang hướng chuyên nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Loay hoay tiêu thụ nông sản sạch

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.