Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hai năm tiết kiệm 1% chi thường xuyên, sẽ có trên 20.000 tỷ đồng cho sân bay Long Thành

Bảo Hân| 08/06/2017 17:34

(HNMO) - Đại biểu Quốc hội Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) nêu ra hai biện pháp mà theo ông là khả thi và hiệu quả để bảo đảm nguồn lực thực hiện giải phóng mặt bằng, tái định cư dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành.

Đa số các đại biểu đều bày tỏ sự đồng tình, nhất trí cao với sự cần thiết phải tách nội dung hạng mục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư của Dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành tại thời điểm hiện nay bởi sẽ giúp Dự án được triển khai bảo đảm tiến độ đề ra tại Nghị quyết số 94 của Quốc hội, đồng thời tiết kiệm được kinh phí và sớm ổn định đời sống nhân dân trong khu vực Dự án.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu tỏ rõ sự băn khoăn về các giải pháp huy động nguồn lực để bảo đảm kinh phí thực hiện. Theo Tờ trình của Chính phủ, dự kiến để hoàn thành công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cần khoảng 23.000 tỷ đồng. Trong khi đó, trong kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2016-2020 mới chỉ bố trí được 5.000 tỷ đồng, tương ứng 21,7% yêu cầu.

23.000 tỷ đồng đã là con số cuối cùng?

Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình), bài toán khó khăn nhất hiện nay là chi phí cho giải phóng mặt bằng (GPBM). "Đền bù GPMB một lần đối với Dự án là phương án không khả thi vì tiền GPMB là tiền của Chính phủ. Vốn trung hạn thông qua 5.000 tỷ đồng trong khi chúng ta cần 23.000 tỷ đồng trong điều kiện kinh tế đang gặp khó khăn, nợ công tăng cao" - đại biểuNguyễn Ngọc Phươngcho ý kiến và đề nghị Chính phủ phải có giải đáp về nguồn ngân sách này lấy từ đâu và đáp ứng như thế nào.


Đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng  Bình)


Cũng theo đại biểu Phương, sau khi thu hồi đất, dự án chỉ triển khai giai đoạn 1. Theo lộ trình, triển khai giai đoạn 2 nhanh thì mất 5-10 năm, chậm thì 10-15 năm. Như vậy, đất thu hồi có lãng phí không? Liệu có ngăn chặn được tình trạng tái lấn chiếm của người dân hay không? Đó là chưa nói đến một lúc di dời 4.700 hộ dân và 26 tổ chức đến nơi mới với yêu cầu nơi mới phải rộng hơn hoặc bằng nơi cũ.

Do đó, nếu không lường trước được những khó khăn vướng mắc, thì Nghị quyết ban hành lại là lực cản tiến độ, đồng thời gây lãng phí và phản ứng của người dân.

Cùng quan điểm trên, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP HCM) nêu: GPMB một lần là cần thiết, tạo nhiều thuận lợi cho triển khai dự án, bảo đảm quyền và lợi ích của người dân nhưng vấn đề nguồn lực là quan trọng.

"Ý chí là một lẽ, nguồn lực là lẽ khác, nhất là trong điều kiện kinh tế xã hội những năm tới còn diễn biến khó khăn. Chính phủ phải có giải trình rõ, có phương án về nguồn kinh phí hỗ trợ, đền bù, ổn định cuộc sống người dân để Quốc hội yên tâm bấm nút thông qua" - đại biểu Tâm đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) thì bày tỏ băn khoăn "liệu số tiền 23.000 tỷ đồng đã là số tiền cuối cùng để thực hiện công tác GPMB hay chưa?", bởi theo đại biểu đây chỉ là số tiền tính theo giá đất năm 2017.

Trước sự biến động của giá đất trong thời gian tới là khó tránh khỏi, đại biểu đề nghị, để tránh ảnh hưởng đến công tác GPMB, Quốc hội xem xét đưa vào Nghị quyết nội dung: Trong thời gian tổ chức thực hiện dự án, cơ quan có thẩm quyền không được thay đổi bảng giá đất đối với đất liên quan đến dự án, tính từ thời điểm Nghị quyết được Quốc hội thông qua.

Tuy nhiên, do Nghị quyết không có tính lâu dài, theo lộ trình từ năm 2018 đến năm 2020, vì vậy, Nghị quyết cần bổ sung quy định bảng giá đất giữ ổn định đến khi thực hiện xong công tác GPMB và tái định cư nhưng không vượt quá 4 năm kể từ khi Nghị quyết được thông qua.

Tiết kiệm chi 1% là có trên 10.000 tỷ đồng

Phát biểu tranh luận, đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh) bày tỏ đồng tình với nhiều đại biểu khi băn khoăn về "lấy đâu ra 23.000 tỷ đồng" để xây dựng Dự án Cảng hàng không Quốc tế Long Thành cũng như với các giải pháp mà Chính phủ đưa ra.


Đại biểu Phạm Minh Chính (Quảng Ninh).


Đại biểu Phạm Minh Chính nêu ra hai giải pháp mà theo ông là có tính khả thi và hiệu quả:

Thứ nhất, Chính phủ phải nghiên cứu trình Quốc hội xin cơ chế đặc biệt cho GPMB và tái định cư phục vụ cho dự án này.

Thứ hai, là tiết kiệm chi thường xuyên trên phạm vi cả nước.

"Sau 2 năm triển khai Nghị quyết 39-NQ/TW của Bộ Chính trị về tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, biên chế của chúng ta không giảm mà tăng. Chi tiêu thường xuyên tăng lên 65,7% năm 2016 và dự kiến tăng lên 64,9% năm 2017. Số liệu tăng tuyệt đối năm 2016 so với năm 2015 là trên 50.000 tỷ đồng, năm 2017 tăng so với năm 2015 là 114.000 tỷ đồng.

Riêng năm 2017, ta tiết kiệm chi được 1% thì sẽ có trên 10.000 tỷ đồng. Năm 2018 cũng tiết kiệm chi 1% thì có trên 10.000 tỷ đồng nữa; tổng sẽ có trên 20.000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ sau 2 năm thực hiện giảm đầu mối, giảm biên chế theo đúng tinh thần Nghị quyết 39 của Bộ Chính trị thì sẽ đủ số lượng nguồn vốn này" - đại biểu Phạm Minh Chính phân tích.

Phát biểu sau đó, đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhận định, gợi ý của đại biểu Phạm Minh Chính trong tinh giản bộ máy, biên chế là rất cần xem xét.


Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau)


Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì cho rằng, ngoài việc giảm chi thường xuyên, giảm biên chế, bộ máy, còn phải giảm lãng phí trên nhiều lĩnh vực khác, tạo nguồn lực đáp ứng nhu cầu của Dự án.

Làm rõ thêm các vấn đề đại biểu nêu cuối phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tảiTrương Quang Nghĩa cho biết, sẽ tiếp thu tất cả các ý kiến của các đại biểu Quốc hội, trong đó gần như đại biểu nào cũng nêu về "nguồn vốn". Với trách nhiệm của mình, Bộ sẽ bổ sung, hoàn thiện trong báo cáo giải trình để báo cáo trước Quốc hội thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Hai năm tiết kiệm 1% chi thường xuyên, sẽ có trên 20.000 tỷ đồng cho sân bay Long Thành

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.