Theo dõi Báo Hànộimới trên

Sau cam kết là hành động cụ thể!

Đặng Loan| 12/06/2017 07:04

(HNM) - Ban quản lý 5 chợ và 2 trung tâm thương mại trên địa bàn TP Hồ Chí Minh vừa ký cam kết với Chi cục Quản lý thị trường thành phố không tàng trữ, kinh doanh hàng lậu, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Gắn kết trách nhiệm

Ban quản lý các chợ Bến Thành (quận 1), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), Bình Tây (quận 6), Kim Biên (quận 5) và Tân Bình (quận Tân Bình) và các trung tâm thương mại Saigon Square (quận 1) và An Đông Plaza (quận 5) đã cam kết chấp hành quy định của pháp luật trong quá trình hoạt động, không tàng trữ, kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng giả, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.

Cán bộ quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh kiểm tra một sạp bán đồng hồ tại chợ Bến Thành.


Tại TP Hồ Chí Minh, nhiều khu chợ “nổi tiếng” về việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, trong đó có các chợ, trung tâm thương mại kể trên. Chính vì vậy, việc ký cam kết để gắn kết trách nhiệm của ban quản lý chợ, tiểu thương là một giải pháp tốt để cùng chung tay chống hàng giả, hàng nhái. Ông Cao Trung Tín, Phó ban Quản lý chợ Bến Thành cho biết, chợ có 1.422 hộ kinh doanh và 5 doanh nghiệp.

Trong năm 2016 và 6 tháng đầu năm 2017, ban quản lý chợ đã tổ chức cho 539 hộ kinh doanh ký cam kết không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, không sản xuất, tàng trữ, buôn bán hàng cấm, hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; đồng thời phát gần 1.200 bộ tài liệu về các nhãn hiệu đã được đăng ký bảo hộ tại Việt Nam. Cùng với đó, ban quản lý chợ đã xử lý 131 vụ kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ, và cùng quản lý thị trường xử lý 54 vụ vi phạm. Kết quả bước đầu là tiểu thương đã không còn bày bán hàng giả công khai. Hiện công tác này vẫn tiếp tục duy trì song song với việc phối hợp cơ quan chức năng xử lý vi phạm.

Xử lý nghiêm minh

Trong 5 tháng đầu năm 2017, Chi cục Quản lý thị trường TP Hồ Chí Minh đã kiểm tra 198 vụ vi phạm sở hữu trí tuệ, trị giá tang vật khoảng 1,5 tỷ đồng, phạt hành chính 1,6 tỷ đồng. Thống kê về số nhãn hiệu được xử lý phần lớn là nhái các thương hiệu nước ngoài như: Chanel (36 vụ), Nike và Adidas (44 vụ), Louis Vuitton (11 vụ), Tommy (10 vụ); đồng hồ Gucci, Omega, Rolex, Muller,… (43 vụ), CK (9 vụ).

Theo luật sư Đoàn Hồng Sơn, Giám đốc Công ty Luật TNHH IP Max, đại diện sở hữu trí tuệ của Hãng Levi’s (Mỹ) tại Việt Nam, hàng giả, hàng nhái thương hiệu Levi’s rất phức tạp, đa dạng nguồn hàng, từ sản xuất trong nước đến nhập khẩu. Do đó, để hướng dẫn người tiêu dùng biết những đặc điểm phân biệt hàng thật - hàng giả rất khó vì các đối tượng làm hàng giả liên tục cập nhật. Vì vậy, lời khuyên của nhà sản xuất là người tiêu dùng nên mua sắm tại những cửa hàng chính hãng.

Về công tác xử lý hàng giả, theo luật sư Sơn, nhiều vụ việc, các cơ quan thực thi xử lý nghiêm đã góp phần nâng cao ý thức cho các nhà sản xuất tại Việt Nam, tạo niềm tin cho các nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình là trường hợp sau khi phát hiện xưởng gia công quần jean Levi’s giả tại quận 12 cuối năm 2013, đến nay, toàn bộ lô hàng trị giá gần 33 tỷ đồng đã bị tiêu hủy. TAND TP Hồ Chí Minh cũng đã mở phiên tòa và tuyên phạt cơ sở vi phạm phải bồi thường cho hãng số tiền gần 127 triệu đồng, phạt 50 triệu đồng do “xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp”.

Bà Phan Thị Việt Thu, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh cho rằng, để chống hàng giả, hàng nhái cần sự chung tay của toàn xã hội. Theo đó, cơ quan chức năng phải tăng cường quản lý và xử phạt nghiêm. Bên cạnh đó, người tiêu dùng không được “tiếp tay” cho hàng giả, hàng nhái. Mua hàng giả khi xảy ra sự cố người tiêu dùng không được bảo vệ, nên "tiền mất, tật mang".

Bà Thu kể, có trường hợp người tiêu dùng mua đôi giày Italia tại một cửa hàng sang trọng, nhưng xem kỹ lại là hàng Trung Quốc. Người mua gửi đơn đến cơ quan chức năng và Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng TP Hồ Chí Minh, nhưng đây là điểm bán hàng giả nên cửa hàng này đã dẹp tiệm ngay khi Hội liên hệ mời giải quyết khiếu nại. Do đó, người tiêu dùng nên mua sắm tại các điểm bán hàng chính hãng, cửa hàng có uy tín để được bảo vệ quyền lợi.

Sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái là việc làm phi pháp nhưng mang lại siêu lợi nhuận khiến các đối tượng bất chấp để thu lợi. Ngoài ra, hàng giả, hàng nhái ngày nay đạt đến trình độ tinh vi rất khó nhận biết. Do đó, việc các chợ, trung tâm thương mại ký cam kết chống hàng giả, hàng nhái là một giải pháp rất cần thiết.

Bên cạnh đó, các chủ sở hữu phải tự bảo vệ mình bằng cách xác lập quyền bảo hộ, xây dựng hệ thống phân phối chính hãng và phối hợp với các cơ quan chức năng, người tiêu dùng trong việc chống hàng giả. Đặc biệt là tuyên truyền, nâng cao đạo đức, ý thức, trách nhiệm của người bán hàng khi cung cấp các sản phẩm đến người tiêu dùng.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Sau cam kết là hành động cụ thể!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.