Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả chưa như kỳ vọng

Sơn Tùng| 16/06/2017 07:02

(HNM) - Từ năm 2012 đến nay, huyện Chương Mỹ đã thực hiện nhiều giải pháp chuyển đổi chăn nuôi trong khu dân cư sang chăn nuôi quy mô lớn theo vùng, theo xã trọng điểm, xa khu dân cư. Tuy nhiên, mô hình này vẫn chưa đạt hiệu quả như kỳ vọng...


Hiện, huyện Chương Mỹ đã có 7 khu chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư, với diện tích hơn 200ha, được UBND huyện và UBND thành phố phê duyệt. Ngoài ra, trong quy hoạch nông thôn mới, các xã đều quy hoạch 1 đến 2 khu chăn nuôi tập trung. Trong 5 năm qua, các chủ trang trại, hộ sản xuất đã đầu tư khoảng 500 tỷ đồng để phát triển các trang trại quy mô lớn ngoài khu dân cư. Hệ thống trang trại chăn nuôi cơ bản được đầu tư đồng bộ, tự động hóa... bảo đảm các điều kiện tốt nhất cho vật nuôi, nhờ đó đã hạn chế dịch bệnh, bước đầu đã xây dựng thành công một số vùng chăn nuôi an toàn và trang trại chăn nuôi VietGAP. Năm 2016, tổng giá trị chăn nuôi toàn huyện đạt gần 3.000 tỷ đồng, chiếm 70% tỷ trọng nông nghiệp với 407 trang trại tổng hợp, trong đó có 364 trang trại chăn nuôi xa khu dân cư...

Tuy nhiên, theo Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Hoàng Văn Thám, việc chăn nuôi theo xã, vùng trọng điểm và trang trại xa dân cư còn chưa tuân thủ quy hoạch, phát triển "nóng", thậm chí, đang gây ô nhiễm môi trường, kéo theo nguy cơ dịch bệnh và thua lỗ... Đơn cử, trong 5 năm qua, đàn lợn đã tăng 1,47 lần và đàn gia cầm tăng 1,65 lần, dẫn tới dư thừa nguồn cung. Trong đợt "khủng hoảng" giá lợn vừa qua, huyện Chương Mỹ đã tồn đọng khoảng 100.000 con lợn đến kỳ xuất chuồng, khó tiêu thụ. Việc liên kết trong sản xuất theo chuỗi còn hạn chế, chưa có nhiều doanh nghiệp tham gia; các hợp tác xã, các hiệp hội chuyên ngành chưa phát huy sức mạnh, tiềm năng sản xuất, chưa gắn kết giữa sản xuất và thị trường, dẫn đến bị thua thiệt trong chuỗi giá trị sản phẩm.

Nếu như năm 2015, nhiều hộ dân phá sản, bỏ chuồng do giá gà lông trắng xuống thấp dưới 20.000 đồng/kg, thì năm 2017, hàng ngàn hộ dân điêu đứng vì chăn nuôi lợn. Ông Chu Văn Hải (thôn Cốc Thượng, xã Hoàng Diệu) chia sẻ: Đàn lợn 200 con đến kỳ xuất chuồng 3 tháng nay, thương lái chê hoặc mua "nhỏ giọt", gia đình đành vận động hàng xóm, người thân "ủng hộ" nên lỗ nặng... Ngoài ra, thời điểm này, nhiều hộ chăn nuôi gà đẻ trứng cũng đang gặp khó về "đầu ra". Chị Nguyễn Thị Chắt (xã Tân Tiến) cho biết, từ đầu năm tới nay, giá trứng liên tục xuống thấp, đỉnh điểm là 3 tuần nay đã phải bán lỗ mà sức tiêu thụ vẫn rất chậm...

Để các vùng chăn nuôi tập trung trên địa bàn huyện phát triển bền vững, huyện Chương Mỹ đang từng bước gắn sản xuất an toàn với tiêu thụ. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Minh Ngọc cho hay: Từ thành công trong việc hỗ trợ các hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu (như trứng gà sạch Tiên Viên tại xã Đại Yên), huyện sẽ xây dựng các chuỗi tiêu thụ đa dạng sản phẩm chăn nuôi như: Gà, cá, thịt lợn, trứng... Huyện cũng đẩy mạnh hỗ trợ các trang trại, hợp tác xã ứng dụng khoa học kỹ thuật vào chăn nuôi, không mở rộng quy mô sản xuất, nhưng giá trị vẫn tăng nhờ năng suất và chất lượng sản phẩm nâng lên.

Bên cạnh đó, UBND huyện Chương Mỹ đang chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh công tác rà soát chăn nuôi theo quy hoạch, bước đầu tuyên truyền, vận động nhân dân tự chuyển đổi sang hình thức sản xuất khác, đồng thời, có biện pháp mạnh để ngăn ngừa trang trại chăn nuôi trái phép gây ô nhiễm môi trường. Đối với các vùng chăn nuôi nằm trong quy hoạch, huyện đang đề nghị thành phố tiếp tục hỗ trợ về hạ tầng như: Điện, đường giao thông, hệ thống xử lý nước thải...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả chưa như kỳ vọng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.