Theo dõi Báo Hànộimới trên

Bài cuối: Đổi mới tư duy và phương thức hoạt động

Ngọc Quỳnh| 24/06/2017 07:47

(HNM) - Để tìm kiếm, xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản thông qua hợp tác xã phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp hỗ trợ. Trong đó, đổi mới tư duy và phương thức hoạt động của hợp tác xã là giải pháp quan trọng nhất. Cùng với đó, chính quyền địa phương tạo mọi điều kiện thuận lợi cho hợp tác xã hoạt động hiệu quả…

Chăm sóc đàn lợn giống tại HTX Chăn nuôi dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ (huyện Ứng Hòa, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


Năng động nắm bắt thị trường

Đề cập về thực trạng chỉ 10% số hợp tác xã bao tiêu chịu trách nhiệm một phần đầu ra cho sản phẩm của nông dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Liên hiệp Hợp tác xã tiêu thụ nông sản an toàn Việt Nam Phạm Anh Tuấn cho rằng, vấn đề đặt ra là các cấp, các ngành cần thường xuyên mở lớp tập huấn định hướng sản xuất cho hợp tác xã, xã viên nắm được quy luật phát triển thị trường. Từ đó lựa chọn, bố trí cây trồng vật nuôi, ngành nghề phù hợp, tránh tình trạng nông sản cung vượt cầu. Về phía hợp tác xã năng động hơn trong việc tiếp cận thị trường...

Thông tin đang thu hút sự quan tâm của nhiều hợp tác xã là Liên minh Hợp tác xã Việt Nam sắp thành lập trung tâm thu mua, cung ứng, giới thiệu, quảng bá nông sản an toàn vùng miền trên toàn quốc. Trung tâm này có nhiệm vụ luân chuyển nông sản giữa những vùng miền để không xảy ra tình trạng nơi thừa, nơi thiếu. Sản phẩm bán tại trung tâm sẽ được kiểm soát nguồn gốc rõ ràng thông qua hóa đơn giá trị gia tăng, thay vì tem nhãn, bao bì sản phẩm để giảm chi phí sản xuất. Doanh nghiệp, siêu thị, thương lái có thể đến trung tâm mua hàng hóa theo nhu cầu với giá bán buôn, qua đó thúc đẩy mạnh được khâu tiêu thụ nông sản.

Bên cạnh đó, giải pháp khuyến khích đưa nông sản vào bếp ăn tập thể của cơ quan, đơn vị, xí nghiệp, trường học cũng được tính đến. Theo Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp Lĩnh Nam (quận Hoàng Mai) Lê Hồng Minh, đây là một hoạt động có ý nghĩa lớn cho việc kết nối tiêu thụ nông sản. Nếu làm được, sẽ tiêu thụ tới 50% sản phẩm hợp tác xã thu mua cho xã viên.

Đơn cử tại tỉnh Bắc Ninh, do nắm bắt được thị trường, Liên minh Hợp tác xã tỉnh đã kết nối tiêu thụ nông sản trong các khu công nghiệp. Theo tính toán, với 760 dự án đang hoạt động trong các khu công nghiệp, sử dụng 321 nghìn lao động, nhu cầu tiêu thụ nông sản hằng năm khoảng 14.500 tấn gạo, hơn 12.800 tấn thịt gia súc, gia cầm, hơn 19 triệu quả trứng và gần 27.400 tấn rau tươi các loại. Thông qua kết nối, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bắc Ninh đã khai thông kênh dẫn tiêu thụ nông sản cho nhiều hợp tác xã trên địa bàn tỉnh.

Đánh giá, sắp xếp lại tổ chức

Ngoài hỗ trợ cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ nông sản; tăng cường hơn nữa khả năng hợp tác liên kết vùng miền kéo theo gia tăng giá trị chuỗi hàng hóa để phát triển bền vững... Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: Để tìm kiếm, xây dựng thị trường tiêu thụ nông sản cho hợp tác xã còn phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Trước mắt, đánh giá toàn diện hiện trạng hợp tác xã nông nghiệp, phân loại và giải thể những hợp tác xã hoạt động yếu kém hoặc hoạt động chỉ tồn tại trên hình thức nhằm nâng cao chất lượng, vai trò của kinh tế hợp tác trong lĩnh vực nông nghiệp. Về phía chính quyền địa phương, cần tập trung hỗ trợ, xây dựng mô hình hợp tác xã kiểu mới gắn với từng lĩnh vực cho phù hợp với điều kiện kinh tế thị trường. Các mô hình hợp tác xã kiểu mới phải gắn với chuỗi giá trị phát triển bền vững, hàng hóa với quy mô lớn để hình thành các dịch vụ hậu cần của vùng và liên vùng...

Đồng quan điểm trên, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã TP Hà Nội Nguyễn Quang Mạnh kiến nghị: Bộ, ngành liên quan tham mưu Chính phủ xây dựng chính sách ưu đãi về tín dụng cho hợp tác xã để có nguồn vốn xây dựng nhà xưởng, kho đông lạnh bảo quản sản phẩm và thu mua nông sản cho nông dân. Đồng thời, sáp nhập các hợp tác xã có quy mô lớn hơn theo hướng mở rộng dịch vụ. Xây dựng hệ thống thông tin minh bạch và dự báo về sản xuất, tiêu thụ để hợp tác xã kịp thời khuyến cáo nông dân. Để xây dựng được mô hình hợp tác xã dịch vụ tổng hợp, lãnh đạo hợp tác xã cần phải hoạch định được kế hoạch xây dựng và phát triển lâu dài, đi từ thấp đến cao, từ dịch vụ đầu vào, sau đó đến bao tiêu sản phẩm đầu ra cho xã viên. Ngoài ra, phải đào tạo, tuyển chọn, sử dụng, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chủ chốt cho hợp tác xã có năng lực chuyên môn…

Để hướng đến nền sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định, bền vững nâng cao đời sống cho nông dân thì việc xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ cũng cần được các cấp, các ngành quan tâm và có chính sách đặc thù cho hợp tác xã về vốn, cơ sở hạ tầng. Nếu thiếu chính sách hỗ trợ, hợp tác xã sẽ vẫn phải tự bơi trong nền kinh tế thị trường mà chưa tìm được lối thoát.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Bài cuối: Đổi mới tư duy và phương thức hoạt động

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.