Theo dõi Báo Hànộimới trên

Hiệu quả chưa xứng tiềm năng

Nguyễn Mai| 25/06/2017 07:52

(HNM) - Gần 20 năm trước, trong khi khoan giếng, những hộ dân đầu tiên ở thôn 5, xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì) đã vô tình tìm ra nguồn nước khoáng nóng tự nhiên. Như

Dãy phòng tắm được người dân xây dựng để kinh doanh dịch vụ tắm nước khoáng nóng.


Nguồn nước khoáng nóng ở thôn 5, xã Thuần Mỹ được phát hiện từ năm 1999. Ban đầu, các hộ dân khoan giếng lấy nước sinh hoạt, tới độ sâu 40m, phát hiện có nước nóng hơn bình thường và tới 70-80m, nước càng nóng hơn. Theo Bí thư Đảng ủy xã Thuần Mỹ Phạm Văn Sơn, chính quyền địa phương đã báo cáo hiện tượng lên cấp trên. Năm 2008, Công ty CP Xây dựng du lịch Bình Minh (đơn vị được cấp phép thăm dò), đã công bố trữ lượng nước khoáng ở đây rất lớn.

Biết được nguồn nước khoáng nóng tự nhiên có công dụng tốt trong hỗ trợ điều trị một số bệnh, đặc biệt là xương khớp, người dân Thuần Mỹ đã nhanh chóng nắm bắt cơ hội, khoan giếng, xây nhà, xây bể tắm để kinh doanh. Làng quê yên tĩnh trở thành làng tắm, phố tắm nước khoáng. Khách đến làng ngày một đông, đặc biệt là vào những dịp lễ, Tết...

Ông Vũ Đình Khoa, một hộ dân trong thôn cho hay, cách đây 10 năm, gia đình đã vay 50 triệu để khoan giếng và xây dựng 4 phòng tắm với các bồn tắm lát gạch men. Chi phí cho 1 giếng khoan có độ sâu 70m và đường kính ống 100mm mất khoảng 70 triệu đồng. Để kinh doanh dịch vụ, các gia đình phải đầu tư phòng tắm, bồn tắm... chi phí hàng trăm triệu đồng. Thời gian đầu, khoan sâu 40m thì tới nguồn nước ấm nóng nhưng chỉ vài năm sau, nước yếu dần rồi hết nóng, phải khoan lại.

Đến xã Thuần Mỹ hôm nay, khắp các ngả đường vào thôn 5 vẫn còn các biển quảng cáo “tắm khoáng”, nhưng khách thưa dần... “Thời gian đầu, việc kinh doanh khá thuận lợi, khách đông, có thời điểm phải xếp hàng chờ đến lượt. Với giá 30 nghìn đồng/khách/phòng tắm, có ngày gia đình tôi thu về 500-700 nghìn đồng. Tuy nhiên, hiện nay, 2/4 phòng tắm của gia đình tôi đã chuyển thành phòng chứa nông cụ sản xuất, 2 phòng còn lại hầu như chỉ dành cho gia đình sử dụng” - ông Khoa buồn rầu.

Theo ông Nguyễn Quang Hạnh, Công an xã Thuần Mỹ: Năm 2016, thôn 5 có 126 hộ khai thác và kinh doanh nước khoáng nóng. Hiện nay chỉ còn 100 hộ.

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Thuần Mỹ Nguyễn Đắc Đô cho biết, mặc dù đã được phát hiện gần 20 năm, nhưng đến nay, nước khoáng nóng ở Thuần Mỹ vẫn chưa được đầu tư, khai thác, quản lý bài bản. Các cơ sở kinh doanh dịch vụ tắm khoáng hoạt động tự phát, khó quản lý, thậm chí làm mất an ninh trật tự, có cả mại dâm trá hình. Để tăng cường quản lý, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tuyên truyền, quán triệt cán bộ, đảng viên không khai thác và kinh doanh trái phép nguồn khoáng nóng. Công an xã cũng đã yêu cầu các hộ dân cam kết bảo đảm an ninh trật tự và tăng cường kiểm tra các hộ kinh doanh dịch vụ hoạt động theo quy định.

Việc quản lý các hộ dân tự ý khoan giếng, kinh doanh dịch vụ gặp nhiều khó khăn bởi nguồn nước khoáng nằm trong đất thổ cư của các gia đình. Ông Đô bày tỏ mong muốn, thành phố có hình thức quản lý, đầu tư, khai thác bài bản để nguồn tài nguyên quý giá này được phát huy hiệu quả, giúp người dân Thuần Mỹ phát triển dịch vụ du lịch từ tiềm năng "trời phú"...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Hiệu quả chưa xứng tiềm năng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.