Theo dõi Báo Hànộimới trên

Chủ động giải pháp giảm nhập siêu

Hồng Sơn| 27/06/2017 06:44

(HNM) - 5 tháng đầu năm 2017, Hà Nội có mức nhập siêu cao hơn bình quân chung cả nước. Trong đó, khối doanh nghiệp trung ương đóng trên địa bàn đóng góp hơn một nửa giá trị nhập khẩu.

Với mục tiêu kéo giảm nhập siêu trong những tháng cuối năm, Hà Nội đã chủ động triển khai các kế hoạch xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng vào các thị trường nước ngoài truyền thống, thị trường mới nổi, có tiềm năng lớn để tăng xuất khẩu và phát triển công nghiệp hỗ trợ, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Nhập khẩu xăng dầu trong 5 tháng đầu năm tăng mạnh hơn 26% so với cùng kỳ năm 2016.Ảnh: Linh Ngọc


"Sức nóng" từ doanh nghiệp trung ương

Theo thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn Hà Nội trong 5 tháng đầu năm đạt 4,73 tỷ USD, tăng 12,2% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó phần xuất khẩu của địa phương đạt 3,924 tỷ USD tăng 14,3% so với cùng kỳ, chiếm hơn 70% tổng kim ngạch. Phần còn lại là giá trị xuất khẩu của các doanh nghiệp nhà nước đặt trụ sở tại Hà Nội. Nhìn chung, doanh nghiệp địa phương vẫn có giá trị xuất khẩu lớn hơn và góp phần chủ đạo vào kết quả chung về xuất khẩu trên địa bàn. Trong khi đó, kim ngạch nhập khẩu trên địa bàn đạt 11,676 tỷ USD. Qua các số liệu cho thấy, mức nhập siêu lên đến gần 7 tỷ USD. Đây là mức cao, hơn hẳn so với trung bình cả nước (2,7 tỷ USD). Riêng giá trị nhập khẩu của khối doanh nghiệp địa phương đạt 5,165 tỷ USD, bằng gần một nửa của tổng giá trị nhập khẩu trên địa bàn.

Như vậy, có thể nhận định rằng, bản thân hoạt động xuất, nhập khẩu của khối doanh nghiệp địa phương không phải là nguyên nhân chính khiến nhập siêu cao, mà phần lớn là do các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng trên địa bàn nhập khẩu nhiều (chiếm hơn một nửa tổng giá trị nhập khẩu, nhưng chỉ đóng góp 30% giá trị xuất khẩu). Phần lớn hàng nhập khẩu là các loại phương tiện, thiết bị, máy móc hoặc nguyên, phụ liệu để phục vụ việc triển khai các dự án, hoặc lắp đặt dây chuyền sản xuất. Trong nhiều trường hợp, hàng nhập về tuy được khai báo thông qua doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, nhưng lại được chuyển đi các địa phương khác.

Xét thực tế, mặc dù khối doanh nghiệp trung ương góp phần đẩy mức nhập siêu trên địa bàn Hà Nội lên cao, nhưng cũng là sự hợp lý nếu xét về cơ cấu mặt hàng nhập khẩu. Chẳng hạn, việc nhập khẩu xăng dầu là trường hợp đặc biệt, đang ở mức tăng cao (tăng hơn 26% so với cùng kỳ 2016) vì đây là mặt hàng ta chưa thể chủ động sản xuất trong nước, trong khi Thủ đô lại là địa phương có nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu hàng đầu cả nước.

Tuy vậy, cũng cần xác định, hiện cơ cấu mặt hàng nhập khẩu chưa thật hợp lý. Đơn cử, việc nhập khẩu ô tô nguyên chiếc và linh kiện vẫn chưa giảm, mặc dù đây là hoạt động không được khuyến khích. Theo thống kê, tính chung Việt Nam đã chi khoảng 2,2 tỷ USD nhập khẩu ô tô trong 5 tháng qua và đương nhiên, Hà Nội là một trung tâm nhập khẩu và phân phối ô tô hàng đầu cả nước. Điều này gây ra thiệt hại “kép” bởi nó làm thất thoát ngoại tệ trong bối cảnh đất nước thiếu ngoại tệ phục vụ mục tiêu tăng trưởng kinh tế và là nguyên nhân gây ùn tắc giao thông.

Chủ động ứng phó

Cả nước đã chi khoảng 2,2 tỷ USD nhập khẩu ô tô trong 5 tháng qua.


Muốn điều chỉnh, giảm bớt mức nhập siêu trên địa bàn cần một số giải pháp mang tính căn cơ, đồng bộ, mà trước hết là hạn chế xuất thô, tăng cường xuất khẩu mặt hàng có giá trị gia tăng cao và phát triển công nghiệp hỗ trợ để tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.

Theo ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội, khi hội nhập kinh tế quốc tế, tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu, doanh nghiệp nội phải chấp nhận chỉ làm một khâu trong một sản phẩm. Nhưng vấn đề ở chỗ, chúng ta sẽ tham gia từ khâu nào để thu được lợi ích tối đa và mang về giá trị nhiều nhất? Trong thương mại quốc tế, yếu tố đem lại giá trị lớn thường nằm ở khâu phân phối, thương hiệu, phát triển sản phẩm công nghệ cao, là những khâu cuối. Và mỗi đơn vị phải tự tìm ra phương thức, phân khúc sản phẩm và thị trường phù hợp để tham gia xuất khẩu, mà không thể có mẫu số chung cho cả cộng đồng doanh nghiệp.

Hiện nay, Hà Nội đã ban hành kế hoạch xúc tiến thương mại, trong đó chú trọng vào các thị trường nước ngoài truyền thống, thị trường mới nổi, có tiềm năng lớn, thị trường Việt Nam ký kết các hiệp định thương mại tự do; tham gia các hội chợ quốc tế có quy mô, chất lượng; xúc tiến thương mại cho các sản phẩm làng nghề, hàng nông sản, dệt may, công nghiệp hỗ trợ, đón các đoàn nhập khẩu nước ngoài vào giao dịch thương mại tại Hà Nội. “Việc tuyên truyền, hỗ trợ doanh nghiệp hội nhập quốc tế cũng đã được đẩy mạnh, đặt đúng tầm, với nhiều hội thảo cung cấp thông tin thị hiếu thị trường, chính sách ưu đãi, lợi thế của doanh nghiệp Việt khi xuất khẩu trong bối cảnh tham gia một số Hiệp định thương mại tự do (FTA), như Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC), FTA Việt Nam - Nhật Bản, FTA Việt Nam - EU... để gia tăng lợi nhuận tính trên mỗi sản phẩm” - ông Nguyễn Thanh Hải nói.

Bên cạnh đó, Hà Nội đang nghiên cứu xây dựng một số trung tâm Logistics quy mô lớn, hiện đại, phục vụ xuất khẩu theo mô hình liên hoàn, khép kín. Đây là loại hình dịch vụ tổng hợp quan trọng, phù hợp đặc điểm, định hướng phát triển của Thủ đô và trực tiếp thúc đẩy hoạt động xuất khẩu trong tương lai gần.

Đối với việc nhập khẩu các mặt hàng không khuyến khích, các chuyên gia đã nhiều lần đề nghị thiết lập hàng rào kỹ thuật (về chất lượng, tiêu chuẩn, an toàn) để ngăn chặn sản phẩm không đạt chuẩn, từ đó hạn chế nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu đưa ra hàng rào nhập khẩu thì bắt buộc sản phẩm trong nước cũng phải đáp ứng yêu cầu đó. Ngoài ra, kinh nghiệm của một số quốc gia cho thấy, giai đoạn đầu của quá trình phát triển đều phải nhập siêu, song những quốc gia này đã biết khai thác giá trị nhập siêu để xây dựng nền kinh tế xuất khẩu với giá trị gia tăng cao, từng bước cân bằng cán cân thương mại. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Chủ động giải pháp giảm nhập siêu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.