Theo dõi Báo Hànộimới trên

Yêu cầu cấp thiết!

Hồng Sơn| 07/07/2017 05:18

(HNM) - Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, đến nay việc rà soát, đánh giá để tiến tới bãi bỏ những điều kiện kinh doanh vẫn gặp nhiều khó khăn. Các cơ quan chức năng vẫn chưa thật sự “cởi trói” cho doanh nghiệp vì nạn “giấy phép con” chưa được loại bỏ triệt để.

Xuất khẩu gạo là lĩnh vực còn một số quy định chưa hợp lý, dẫn đến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.


Rào cản mang tên "điều kiện kinh doanh"

Tại hội thảo "Điều kiện kinh doanh và quyền tự do kinh doanh ở Việt Nam" do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức gần đây, tổ chức này cho biết, có tới 5.719 điều kiện đầu tư kinh doanh được đặt ra cho 243 ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Trong đó, Bộ Công Thương dẫn đầu về việc đưa ra các điều kiện đầu tư kinh doanh với 1.220 điều kiện. Đây thực chất là những "giấy phép con", trong rất nhiều trường hợp đẩy doanh nghiệp vào rủi ro, mất cơ hội làm ăn.

Cũng theo VCCI, đến nay có 16 ngành, nghề được xác định là phải áp dụng điều kiện kinh doanh nhưng không phù hợp, như kinh doanh dịch vụ mua bán nợ, xuất khẩu gạo, dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ô tô xe máy, dịch vụ logistics, vận hành nhà chung cư, trình diễn thời trang... Bên cạnh đó, còn có 10 ngành, nghề đang chịu sự kiểm soát nhưng chưa phù hợp, gồm kinh doanh thực phẩm, thức ăn thủy sản, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thức ăn chăn nuôi... Như vậy, thời gian tới cần tiếp tục rà soát, đánh giá tính cần thiết để tiến tới bãi bỏ càng sớm và càng nhiều càng tốt.

Theo các chuyên gia, điều kiện kinh doanh thường có một số đặc điểm như: Liên quan đến quy hoạch, có tính chất áp đặt quy mô với doanh nghiệp, quy định doanh nghiệp phải có đủ một lượng vật chất nào đó... Đơn cử, có quy định đơn vị vận tải taxi phải có 50 đầu xe nếu trụ sở đặt tại đô thị trực thuộc trung ương; thương nhân xuất nhập khẩu khí hóa lỏng phải có bồn chứa tổng dung tích tối thiểu 3.000m3. Cũng về vấn đề này, doanh nghiệp logistics tỏ ra "mệt mỏi” với quy định về số lượng phương tiện, trang thiết bị, công cụ bảo đảm an toàn cùng tiêu chuẩn về đội ngũ nhân viên để tham gia thị trường trong khi những yêu cầu này chủ doanh nghiệp có thể thuê. Doanh nghiệp xuất khẩu gạo lại phải đáp ứng với quy định là có kho chứa tại địa điểm xuất khẩu...

Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, những diễn biến trên cho thấy, một số ngành nghề không cần phải quản lý chặt chẽ, kiểm soát bằng điều kiện kinh doanh. Do đó, cần xem xét một cách thấu đáo, hợp lý để sửa đổi theo hướng giảm bớt điều kiện kinh doanh, từ đó giảm chi phí, công sức đối với doanh nghiệp. Còn luật sư Trương Thanh Đức, đại diện Công ty Luật Basico lại cho rằng, mặc dù Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp năm 2014 có nhiều quy định thông thoáng, tiến bộ và có lợi cho doanh nghiệp nhưng lại bị bóp méo, thực thi nửa vời nên không mang lại hiệu quả như mong muốn.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương Nguyễn Đình Cung: "Trước yêu cầu hội nhập và tăng trưởng nhanh, Nhà nước phải tự đổi mới để đáp ứng sự mong mỏi, nhu cầu chính đáng của doanh nghiệp đồng thời giảm bớt sự can thiệp vào hoạt động kinh doanh, từ đó giảm bớt nạn xin - cho. Mục tiêu là hướng tới nền kinh tế năng động dưới sự điều hành của Chính phủ liêm chính, thông minh".


Quyết liệt tháo gỡ "nút thắt"

Trước sức ép tăng trưởng GDP cả năm 2017 giữa bối cảnh tốc độ tăng trưởng nửa đầu năm thấp hơn kế hoạch, đặt ra nhiều thách thức đối với công tác điều hành vĩ mô. Trong đó, "gánh nặng" chủ yếu sẽ dồn lên vai cộng đồng doanh nghiệp, bởi đây chính là lực lượng quyết định sự phát triển kinh tế. Do đó, thay vì giao chỉ tiêu tăng trưởng cụ thể, cần yêu cầu các bộ, ngành và địa phương tháo gỡ những nút thắt trong thể chế, môi trường đầu tư kinh doanh.

Theo ông Mạc Quốc Anh, Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Hà Nội, vấn đề là làm sao rút ngắn khoảng cách giữa ý chí, mong muốn của cấp vĩ mô đến hành xử cụ thể ở các cấp thừa hành, thực thi. Trong trường hợp cụ thể, doanh nghiệp cần đến sự giúp đỡ ngay tức thì, cần sự phán quyết của cơ quan quản lý để cân nhắc đưa ra quyết định trong kinh doanh; nếu không được đáp ứng kịp thời thì rất có thể sẽ nảy sinh thiệt hại.

Nhằm tháo gỡ các bất cập liên quan đến điều kiện kinh doanh, các chuyên gia cho rằng, nên thành lập một cơ quan chuyên trách công tác thẩm định, theo dõi việc xuất hiện “giấy phép con”, thực hiện quy định pháp luật về kinh doanh đồng thời có quyền điều chỉnh, ra quyết định khi có vấn đề xảy ra để bảo đảm quyền lợi của doanh nghiệp. Hơn thế, đại diện Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) nhận xét, cần xem xét, bãi bỏ các điều kiện kinh doanh hiện hành để xây dựng lại hệ thống các ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Một khi thiết lập được môi trường kinh doanh thông thoáng, minh bạch, bình đẳng thì sẽ thu hút được nhiều nguồn lực xã hội cho phát triển kinh tế; nhất là động viên các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi lên mô hình doanh nghiệp.

Thống kê từ các cơ quan chức năng gần đây cho thấy, có tới trên 92% doanh nghiệp phá sản là doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỉ đồng, tức là chưa kịp lớn thì đã phải “khai tử”, cho thấy doanh nghiệp Việt Nam khó có thể lớn được và sống được trong bối cảnh cạnh tranh ngày càng gay gắt và một môi trường chưa có nhiều cải thiện.

Do đó, cấp bách phải cải thiện môi trường kinh doanh để có thể kích thích nền kinh tế tăng trưởng. Đặc biệt, cần đẩy mạnh cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước đi vào thực chất, nhằm tạo môi trường và không gian bình đẳng, thực chất hơn cho doanh nghiệp tiếp cận các nguồn lực. Chính phủ cũng cần thực hiện tốt tuyên ngôn về giảm chi phí cho doanh nghiệp, cả chính thức lẫn không chính thức trên cơ sở giải tỏa các nút thắt đầu tư hạ tầng, nợ xấu, tiếp cận vốn...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Yêu cầu cấp thiết!

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.