Theo dõi Báo Hànộimới trên

Phát triển điện mặt trời: Cần cơ chế khuyến khích

Phương Nhi| 08/07/2017 06:37

(HNM) - Trong khi các nguồn năng lượng hóa thạch truyền thống như than đá, dầu mỏ dần cạn kiệt thì các nguồn năng lượng tái tạo, nhất là năng lượng từ mặt trời đang nhận được nhiều sự chú ý.


Tận dụng năng lượng sạch

Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN HANOI) đã lắp đặt thành công hệ thống pin mặt trời cho Trung tâm Sửa chữa điện nóng Yên Nghĩa (thuộc Công ty Lưới điện cao thế Hà Nội) vào cuối năm 2016. Sau một thời gian sử dụng, theo kỹ sư Dương Anh Tùng, người lắp đặt và theo dõi hoạt động của hệ thống, lượng điện do hệ thống sản xuất ra đã ổn định và được sử dụng vào việc vận hành hệ thống máy tính văn phòng, điều hòa nhiệt độ, ti vi, bình nóng lạnh, chiếu sáng... "Với những ngày có lượng ánh sáng lớn, hệ pin sản xuất ra điện dư thừa, đơn vị đã nghiên cứu và đưa điện thành công lên hệ thống điện lưới quốc gia, tránh lãng phí" - kỹ sư Dương Anh Tùng nói. Với tổng mức đầu tư dưới 800 triệu đồng, gồm 78 tấm pin 260Wp đặt trên mái trung tâm rộng hơn 100m2 trông khá gọn gàng, bình quân mỗi ngày cho sản lượng trên 49,9 kWh điện. Kết quả khả quan này đã và đang được EVN HANOI nhân rộng.

Trước thành công này của EVN HANOI, đã có nhiều nhà đầu tư quan tâm đến việc phát triển năng lượng mặt trời tại Việt Nam. Theo thống kê, hiện nay đang có khoảng 30 nhà đầu tư trong và ngoài nước bắt đầu xúc tiến lập các dự án điện mặt trời công suất từ 20MW đến trên 30MW, tập trung chủ yếu ở miền Trung. Một số nhà đầu tư nước ngoài như Hàn Quốc, Ấn Độ, Pháp, Đức… cũng đang nghiên cứu, đăng ký đầu tư xây dựng dự án. Theo các chuyên gia, Việt Nam có nhiều thuận lợi vì là một trong những quốc gia có lượng ánh sáng mặt trời cao trong bản đồ bức xạ mặt trời thế giới với trung bình dao động từ 4,3 đến 5,7 triệu kWh/m2. Ở các tỉnh Nam Trung Bộ, Tây Nguyên có số giờ nắng khá cao, từ 2.000 đến 2.600 giờ/năm.

Còn nhiều rào cản

Lợi thế là vậy, nhưng việc khai thác nguồn năng lượng mặt trời ở Việt Nam cho đến thời điểm này là không đáng kể. Phần lớn các dự án điện mặt trời trên cả nước chỉ ở quy mô nhỏ, tập trung chủ yếu vào việc khai thác nhiệt năng. Các ứng dụng chủ yếu là điện mặt trời chỉ phát triển nhỏ lẻ tại hộ gia đình, các trung tâm dịch vụ...

Đề cập về nguyên nhân này, theo ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sơn Hà, nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong tham gia vào thị trường năng lượng mặt trời nhưng còn rào cản liên quan tới cơ chế, chính sách và quá trình thực thi nên sau đầu tư ban đầu thì đang gặp khó khăn do chưa thể mở được “đầu ra” cho sản phẩm. Các chính sách về năng lượng mặt trời chưa đầy đủ, thiếu sự đồng bộ và gắn kết. Khó tiếp cận nguồn vốn vay, ưu đãi chính sách vốn hiện đang áp dụng chưa đủ sức giúp doanh nghiệp đầu tư hoàn vốn. Thủ tục ưu đãi phát triển khoa học công nghệ và ứng dụng còn phức tạp, kéo dài.

Cùng với đó, các dự án điện mặt trời quy mô lớn thường được lắp đặt tại các vị trí xa trung tâm phụ tải, phần lớn không tận dụng được lưới điện địa phương. Chi phí đầu tư đấu nối lớn nhưng số giờ sử dụng công suất cực đại thấp, chỉ bằng 1/3 so với nhiệt điện truyền thống. Do vậy, để khai thác hiệu quả nguồn năng lượng sạch vô tận này, cần thiết phải có chính sách cụ thể hơn để hỗ trợ cho đơn vị chịu trách nhiệm về chất lượng điện năng và an ninh năng lượng cũng như đơn vị truyền tải, phân phối điện năng do các vấn đề về đầu tư và vận hành.

Theo Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo của Việt Nam đến năm 2030, tỷ lệ thâm nhập của điện mặt trời được dự kiến đạt 0,5%, 6% và 20% vào các năm 2020, 2030 và 2050. Để đạt được mục tiêu chiến lược đề ra, nhiều chuyên gia đã kiến nghị Chính phủ và các bộ, ngành cần xây dựng chính sách hỗ trợ vay vốn cho các doanh nghiệp, hộ dân đầu tư sản xuất và sử dụng các phương tiện, thiết bị sử dụng năng lượng tái tạo, năng lượng mặt trời; đặc biệt khuyến khích tăng tỷ lệ “nội địa hóa” trong sản xuất để có giá thành rẻ hơn nữa. Cùng với đó là sớm ban hành bộ tiêu chuẩn cho các thiết bị sử dụng năng lượng mặt trời, công bố quy hoạch phát triển điện năng lượng mặt trời và công bố giá mua - bán điện năng lượng mặt trời hợp lý...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Phát triển điện mặt trời: Cần cơ chế khuyến khích

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.