Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thương mại điện tử: Muốn phát triển, phải bảo vệ người tiêu dùng

Thanh Hiền| 12/07/2017 06:48

(HNM) - Dự báo, với tốc độ tăng trưởng đạt 25%, năm 2017, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ tại Việt Nam được đánh giá có tiềm năng phát triển mạnh mẽ.


Ngày càng có nhiều người sử dụng internet để mua sắm, kinh doanh.


Những “hạt sạn”...

Thương mại điện tử đang là mô hình kinh doanh có mức tăng trưởng mạnh mẽ, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế hiện đại nhờ phát huy thế mạnh tiện lợi cho những người bận rộn. Hiện, một nửa dân số Việt Nam sử dụng internet và đang nằm trong top dẫn đầu về thời gian trực tuyến tại Đông Nam Á. Trung bình một tuần, mỗi người bỏ ra gần 25 giờ để lên mạng, tức hơn 3 giờ/ngày. Gần 1/3 người sử dụng internet để mua sắm online với chi tiêu trung bình 160 USD/người/năm.

Theo kế hoạch phát triển thương mại điện tử giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ sẽ đạt khoảng 20%/năm và đạt khoảng 10 tỷ USD vào năm 2020. Tuy nhiên, trên thực tế, thương mại điện tử trong lĩnh vực bán lẻ đang phát triển nhanh hơn với tốc độ tăng trưởng dự báo khoảng 25% trong năm 2017. Thời gian tới, thương mại điện tử sẽ trở thành kết cấu hạ tầng quan trọng của lĩnh vực thương mại Việt Nam. Nhưng theo đánh giá của Cục Quản lý cạnh tranh, vẫn còn rào cản khiến thương mại điện tử chưa thể phát triển bền vững, đó là lòng tin của người tiêu dùng vào chất lượng hàng hóa, dịch vụ không giống như quảng cáo và tính bảo mật khi thanh toán qua mạng.

Theo Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas), thời gian qua, hàng loạt đơn khiếu nại của người tiêu dùng đã được gửi về Văn phòng tư vấn khiếu nại vì mua hàng qua mạng không đúng như quảng cáo. Những “hạt sạn” này rõ ràng đang cản trở sự phát triển của thương mại điện tử tại Việt Nam...

Khắc phục “lỗ hổng” pháp lý

Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Trưởng phòng Quản lý hoạt động thương mại điện tử, Cục Thương mại điện tử và Công nghệ thông tin (Bộ Công Thương) cho biết, thế giới đang phát triển mạnh mô hình thương mại điện tử. Đặc biệt, mô hình thương mại điện tử doanh nghiệp đến người tiêu dùng (B2C) sẽ phát triển mạnh với mức tăng trưởng 20%/năm, đạt khoảng 3.400 tỷ USD, trong đó thương mại điện tử xuyên biên giới chiếm 30% (đạt khoảng 1.000 tỷ USD). Tại Việt Nam, đến năm 2020, dự kiến có khoảng 30% dân số tham gia mua sắm online, đạt 350 USD/người. Theo đó, thương mại điện tử trên nền tảng di động và thương mại điện tử định vị sẽ tiếp tục là xu thế chủ đạo trên thế giới, chiếm khoảng 25% tổng mức bán lẻ toàn cầu. Bên cạnh website thương mại điện tử, các mạng xã hội, đặc biệt là Facebook được sử dụng rất phổ biến ở Việt Nam. Hiện, số người sử dụng các diễn đàn mạng xã hội để mua sắm trực tuyến không ngừng gia tăng. Số doanh nghiệp sử dụng nền tảng di động như kênh liên lạc giữa nhà bán lẻ và người tiêu dùng ngày càng nhiều. Do đó, việc quản lý các mạng xã hội kinh doanh thương mại điện tử cũng như nền tảng di động càng trở nên cấp thiết.

Thời gian qua, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để buộc các doanh nghiệp cung cấp hàng hóa, dịch vụ trong thương mại điện tử không được thực hiện một số hành vi có thể xâm hại tới quyền và lợi ích của người tiêu dùng. Nhưng thực tế, pháp luật về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng chưa có tính khả thi cao. Vì vậy, cùng với quá trình phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, Nhà nước cần đẩy mạnh hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Ông Nguyễn Quang Phú, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại điện tử Phú Thịnh (quận Hoàng Mai) băn khoăn, nên chăng cần định hướng doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử để có một chuẩn chung, chứ tự phát như hiện nay thì chịu thiệt đầu tiên là người tiêu dùng.

TS Nguyễn Thị Nhiễu, Viện Nghiên cứu thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, cùng với việc tiếp tục bổ sung, hoàn chỉnh khuôn khổ pháp lý và cơ chế, chính sách trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cần nâng cao sự hiểu biết của người tiêu dùng về thương mại điện tử. Hiện, nhiều nước trên thế giới đã áp dụng các chương trình đánh giá mức độ uy tín của doanh nghiệp nhằm hỗ trợ và tạo niềm tin cho người tiêu dùng trong việc lựa chọn doanh nghiệp tin cậy để giao dịch; các mô hình về giải quyết rút gọn khiếu nại của người tiêu dùng; các công cụ nhằm phát hiện và ngăn chặn các loại hình lừa đảo trực tuyến. Về phía các doanh nghiệp bán hàng qua mạng, bên cạnh việc tiếp cận công nghệ hiện đại cần nâng cao chất lượng và bảo đảm thương hiệu của doanh nghiệp để sản phẩm, dịch vụ tạo được sự tin tưởng của khách hàng đối với doanh nghiệp.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thương mại điện tử: Muốn phát triển, phải bảo vệ người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.